Những cánh đồng trăm triệu bên sông Đáy

Trần Quang |

Sau gần 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã có 15/19 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 78,9%. Điều này có nghĩa là Hoài Đức đã đủ tiêu chí cơ bản của một huyện NTM.

Ấn tượng những vùng chuyên canh

Trao đổi với PV, ông Đỗ Đức Trung – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết:

“Với lợi thế có vùng đất bãi trù phú ven sông Đáy, từ năm 2005 đến nay, huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững, định hướng phát triển tới 2020.

Theo đó, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện các đề án phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao; hoa cây cảnh; rau an toàn và cơ giới hóa nông nghiệp”.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh cho giá trị kinh tế cao, với tổng diện tích 455/724ha, gồm 85ha nhãn chín muộn, 95ha phật thủ, 40ha bưởi, 95ha cam Canh, 71ha rau an toàn, hoa lan…

“Năm 2010, toàn huyện mới có 20ha phật thủ thì đến năm 2013 đã tăng lên 95ha, tập trung nhiều nhất tại các xã Đắc Sở (45ha), Yên Sở (50ha), cho thu nhập bình quân từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

2014, mô hình này tiếp tục được nông dân mở rộng ra các xã Tiền Yên, An Thượng” – ông Trung cho biết thêm.

Tương tự, mô hình trồng nhãn chín muộn được nhân dân các xã vùng bãi phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng, với doanh thu bình quân 500 - 800 triệu đồng/ha/năm.

“ Với 15/19 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 78,9%, sắp tới huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ xét công nhận huyện NTM gửi lên UBND TP. Hà Nội để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM”.

Ông Đỗ Đức Trung – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức

Theo ông Trung, từ năm 2013, sản phẩm nhãn chín muộn của huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Huyện đang tiếp tục đề nghị thành phố hỗ trợ để sản phẩm nhãn chín muộn được đưa đi xuất khẩu.

Dân thêm no ấm nhờ nông thôn mới

Theo Quyết định 372/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện đạt chuẩn NTM phải có 75% số xã đạt chuẩn, đồng thời 25% số xã chưa đạt chuẩn phải có ít nhất 14 tiêu chí trở lên đạt chuẩn, trong đó có 2 tiêu chí hộ nghèo và thu nhập.

Nhằm có cơ sở đánh giá kết quả xây dựng NTM của Hoài Đức, vừa qua, Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn NTM thành phố đã chấm điểm 4 xã còn lại của huyện.

Kết quả, 2 xã Tiền Yên và Sơn Đồng đủ điểm đạt chuẩn NTM, 2 xã còn lại đều đạt từ 14 tiêu chí trở lên, trong đó có tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo.

vậy, huyện Hoài Đức đã đủ điều kiện xét công nhận huyện NTM.

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng NTM, ông Trung cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về NTM, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, ưu tiên phát triển những cây trồng mũi nhọn, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

“Muốn làm gì thì làm, phải coi việc tăng thu nhập cho nhân dân làm đầu, khi người dân no ấm thì mới có thể yên tâm đóng góp vào xây dựng NTM” – ông Trung khẳng định.

Từ năm 2011 đến nay, huyện Hoài Đức đã huy động gần 1.400 tỷ đồng thực hiện các đề án xây dựng NTM, người dân tự nguyện đóng góp hơn 320 tỷ đồng, đạt hơn 23% tổng nguồn vốn.

Từ một hộ khó khăn, nhờ chuyển sang trồng quất cảnh bán tết, đến nay ông Nguyễn Văn Minh (xã Vân Canh) đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

“Giờ giao thông thuận tiện, trồng quất, cam cảnh đến tết có khách đến tận nhà mua, vừa nhàn lại có thu nhập cao, bà con ai cũng phấn khởi” – ông Minh chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại