Thừa Thiên - Huế: Động đất lần thứ 6 trong tháng 12

An Sơn |

Trận động đất xảy ra vào khuya ngày 25.12 với cường độ 3,2 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 11km, khiến người dân Huế hoang mang.

Sáng nay (26.12), Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần- Viện Vật lý Địa cầu cho biết, vừa xảy ra thêm một trận động đất trên địa bàn huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trận động đất này xảy ra vào lúc 23 giờ 8 phút 7 giây (giờ Hà Nội) ngày 25.12. 2015 tại vị trí có tọa độ 16.164 độ vĩ bắc, 107.457 độ kinh bông, thuộc khu vực huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Cường độ của trận động đất được xác định là 3,2 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 11km. Hiện Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Theo ghi nhận của PV, trận động đất này khiến người dân ở A Lưới hoang mang bởi rung chấn mạnh. Anh Hồ Văn Ba (xã Nhâm, huyện A Lưới) lo lắng kể:

“Khi xảy ra động đất, tôi và người thân đang ngồi trong nhà thì thấy nền đất và ngôi nhà rung chuyển rất mạnh, chén bát trên bàn bị đổ ngã. Cả nhà tôi hoảng hốt chạy ra ngoài”.

Cũng như người dân A Lưới, người dân nhiều vùng khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế, trong đó có TP.Huế (cách A Lưới 70km) cũng bất an bởi cảm nhận được sự rung lắc mạnh.

Đây là trận động đất lần thứ 6 xảy ra tại huyện miền núi A Lưới và vùng phía Tây thị xã Hương Trà của tỉnh Thừa Thiên- Huế trong tháng 12.2015.

Như vậy, tính từ tháng 5.2014 đến nay, ở A Lưới và vùng phía Tây thị xã Hương Trà giáp với A Lưới đã xảy ra 16 trận động đất, trong đó từ cuối tháng 3.2015 đến nay đã xảy ra 12 trận động đất.

Theo chính quyền huyện A Lưới và thị xã Hương Trà, kể từ khi công trình thủy điện A Lưới xây dựng trên sông A Sáp (huyện A Lưới) với dung tích hồ chứa 60 triệu m3 đi vào hoạt động thì động đất bắt đầu xuất hiện và mật độ ngày càng tăng mạnh theo thời gian.

Trước tình trạng động đất xảy ra liên tục tại Thừa Thiên- Huế, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và cơ quan liên quan vào cuộc nghiên cứu, đánh giá.

Sau khi có kết quả nghiên cứu, đánh giá phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố để chính quyền và nhân dân địa phương biết nhằm tránh hiểu lầm, hoang mang.

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần khuyến nghị chính quyền các địa phương xảy ra động đất tại Thừa Thiên - Huế nên di dân ra khỏi khu vực có các công trình thủy điện và tái định cư ở vùng có bán kính đủ an toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại