Nhà sư chờ từ gần 5 giờ sáng để xin được hiến thận

Thiên Di |

Đó là một trong vô vàn câu chuyện xúc động về những người đăng ký hiến tạng với tâm nguyện mang sự sống cho những người bệnh.

Khóc vì được hiến mô, tạng

Tìm hiểu những câu chuyện đặc biệt và khó khăn trong việc vận động, thu nhận mô, tạng hiến tặng, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hoàng Phúc (Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - 40 Tràng Thi, Hà Nội).

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Theo ông, không ít người đăng ký hiến tặng chia sẻ rằng họ đã có tâm nguyện muốn hiến tặng mô, tạng từ lâu rồi nhưng không biết đăng ký ở đâu.

Thậm chí, có bạn sinh viên sau khi được nghe cán bộ trung tâm tư vấn, lúc cầm tấm thẻ trao tặng mô, tạng đã khóc nấc: “5 năm trước em có mong muốn đăng ký hiến nhưng hôm nay mới có cơ hội được thực hiện ước nguyện của mình.

Rất may mắn, hạnh phúc khi trung tâm cho chúng em cơ hội thực hiện nguyện vọng này”.

Ngay bản thân ông là một trong những người đầu tiên đăng ký hiến tặng mô tạng.

Bản thân ông Phúc cũng là một trong những người đầu tiên đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Trao đổi với chúng tôi, Ông Phúc chia sẻ thêm: "Có không ít nhà tu hành từ Miền Nam, Miền Trung cho đến Hà Nội cũng đã tới đây đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống.

Tôi còn nhớ trường hợp một nhà sư từ Miền Trung ra Hà Nội lúc gần 5 giờ sáng, đến trung tâm đăng ký hiến tặng một quả thận với tâm nguyện hiến tặng cho bất kỳ ai phù hợp mà không cần biết người nhận là ai.

Thật tiếc cho hạnh nguyện của nhà sư đó đã không thành khi phải dừng giữa chừng vì qua xét nghiệm bước đầu phát hiện nhà sư bị tiền tiểu đường. Nếu vẫn hiến, xác suất sau này vị đó sẽ bị suy thận rất cao”.

2 lần tha thiết được hiến thận

Đó là câu chuyện về một người phụ nữ làm nội trợ ở Bắc Ninh lặn lội lên Hà Nội đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết.

Sau một thời gian, chị trở lại trung tâm lần 2 và tha thiết muốn hiến tặng một quả thận khi còn sống với mong muốn tìm được người phù hợp để mang lại sự sống cho họ.

“Chị hãnh diện tâm sự rằng đã chia sẻ tâm nguyện với chồng, các con trước khi đăng ký và được gia đình ủng hộ”, ông Phúc kể lại.

Một ca phẫu thuật ghép tạng từ người hiến tặng chết não tại BV Việt - Đức (báo Quảng Ninh).
Một ca phẫu thuật ghép tạng từ người hiến tặng chết não tại BV Việt - Đức (báo Quảng Ninh).

Trường hợp về cô gái còn rất trẻ làm ở khu công nghiệp Hải Phòng cùng chồng lên đây đăng ký hiến tặng mô, tạng khiến cán bộ trung tâm còn nhớ mãi.

Cô gái này này đã xin nghỉ phép một ngày làm việc để lên Hà Nội tìm đến trung tâm đăng ký hiến tặng một quả thận cho bất kỳ ai.

Khi cán bộ trung tâm hỏi, chị trả lời rằng: "Khi mình có cơ hội được cứu sống ai đó, đem đến giá trị, cuộc sống cho người khác thì đó là điều nên làm.

Sau khi chết con người về với cát bụi, nếu mô tạng của mình có thể dùng cứu ai được thì quá tốt, tại sao không làm?".

Ông Long kể lại rằng: "Và khi biết phải chi số tiền khá lớn để xét nghiệm y tế xem có đủ điều kiện hiến tặng hay không, chị lặng lẽ trở lại Hải Phòng mua bảo hiểm y tế và cùng chồng lên Hà Nội lần 2 nghe tư vấn, đăng ký hiến tặng".

Hoặc không ít câu chuyện về những người tuổi đã cao tự tìm đến trung tâm với nguyện vọng tha thiết được hiến tặng thân thể cho y học khiến mọi người xúc động.

Ông Phúc kể về một bà cụ 75 tuổi ở Hà Nội muốn hiến tặng một cái gì đó trên cơ thể sau khi qua đời. Cụ hiểu tạng của cụ không còn hiến được nữa nhưng cụ mong muốn hiến giác mạc hoặc bộ phận nào còn dùng được.

Hay một cựu chiến binh gần 70 tuổi, còn khỏe mạnh, quắc thước xin hiến thi thể cho y học. Khi cụ đến đây cán bộ giải thích xác chỉ lấy sau khi chết khiến cụ buồn lắm và nói “đành phải đợi vậy”.

Là một trong số người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, nghệ nhân Lương Xuân Thanh cho rằng: “Hiến tặng mô, tạng mang lại cơ hội sống tốt đẹp cho con người. Vậy chẳng lý do gì mà không thực hiện điều tốt đẹp đó.

Khi mình cho đi trong tương lai mình sẽ được nhận về. Nếu mà cho đi người khác có thể dùng để hồi sinh sự sống cho người ta thì đấy là một ý nghĩa, là sự cho đi nhận về có ý nghĩa rất cao”.

PCT thường trực Hội đồng trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu
Đối với việc ghép tạng, hiến tạng cho những bệnh nhân hiểm nghèo là một việc làm rất phù hợp với Phật giáo. Và cái đấy nó mang tính chất rất là nhân văn, nó mang cái hạnh từ bi của Phật giáo nữa, tức là mình cứu cho những người đang gặp những khó khăn, hoạn nạn, khổ đau.

Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh.

Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não.

Thực tế cho thấy, tính đến nay, cả nước đã có 14 cơ sở y tế đủ năng lực, làm chủ kỹ thuật ghép mô, tạng không thua kém trên thế giới nhưng cũng mới ghép được một số mô, tạng rất khiêm tốn vì không có đủ mô, tạng hiến để ghép.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại