Người tự cắn nát môi tại Hà Nội phải ăn cơm với lòng thiu

Bảo Lâm |

Chỉ vào cái chuồng lợn bùn đất đóng băng, mái tường xiêu vẹo, chị Hiền kể: “Tôi vay tiền ngân hàng 20 triệu, ba năm không trả nổi, vì nuôi con gì nó cũng chết...

Bài 1: Người đàn ông quẫy đạp, tự cắn môi "uống máu" suốt 5 năm giữa HN
Bài 2: Người vợ "tiết lộ" nguyên do chồng tự cắn môi, "uống máu" giữa HN

Cuối cùng thì gã lực điền 43 tuổi, người đàn ông sông nước vâm váp, ăn sóng nói gió Nguyễn Quang Sơn ấy mắc bệnh gì mà đột ngột đổ đời vào điên loạn thế?

Việt Nam này có người nào giữ kỷ lục cả nghìn ngày quẫy đạp liên tục, tự tàn phá cơ thể mình trong máu me tuyệt vọng và đau đớn như vậy chưa?

Đó có phải thứ bệnh chưa có trong y văn và y học bó tay nên chúng ta đành buông xuôi cho anh ta dần mòn rơi vào cõi chết không?

Qua tìm hiểu của chúng tôi, qua tham khảo các bác sỹ có uy tín, thì bệnh của anh Sơn rất đơn giản. Đơn giản là anh và gia đình không có tiền chạy chữa, cơ bản là gia đình và cộng đồng chưa thật sự dang tay cứu anh ta.

Đơn giản là ai không đủ tiền thì bệnh viện trả về, các nhóm lang băm cũng… bỏ cuộc, thế là anh Sơn rơi vào mãn tính.

Trong câu chuyện này, nỗi đau cay đắng và chua xót hơn nỗi đau xương thịt máu me của anh Nguyễn Quang Sơn, ấy là hành trình chữa bệnh cho người thân của một gia đình nghèo khổ.

Giấy giới thiệu đi bệnh viện tâm thần của anh Nguyễn Quang Sơn.
Giấy giới thiệu đi bệnh viện tâm thần của anh Nguyễn Quang Sơn.

Bị đói nghèo dồn đuổi đến đường cùng

Cả xóm Chu Châu ngậm ngùi kể về cái nghèo của vợ chồng anh Sơn, chị Hiền. Lúc chưa đổ bệnh, anh khỏe lắm, chèo thuyền đi tứ xứ kiếm ăn.

Mải làm ăn tới mức, như chị Hiền kể: “Cái thằng bé mà nó chết rồi ấy, hai chị em nhà nó, một đứa lên 10 tuổi, một đứa 5 tuổi thế, vẫn còn lơ ngơ thế, mà vợ chồng tôi bỏ nhà cửa con cái đó, đi mãi lên mạn ngược kiếm ăn.

Năm đó, chúng tôi đói khát, muốn có tiền mua lợn giống, bò giống làm ăn, muốn có cái thuyền làm cần câu cơm, nên vay tứ tán và mắc nợ 30 triệu đồng. Chúng tôi cắn răng bảo nhau đi làm ăn để gỡ nợ. Đầy một thuyền lớn toàn chuối đang kỳ sắp chín.

Anh Sơn lúc bệnh còn nhẹ đi lang thang khắp làng. Ảnh gia đình chụp để cho vào hồ sơ gửi đi bệnh viện tâm thần.
Anh Sơn lúc bệnh còn nhẹ đi lang thang khắp làng. Ảnh gia đình chụp để cho vào hồ sơ gửi đi bệnh viện tâm thần.

Lúc đi về nhà, sông nước mênh mông bát ngát, không nhìn thấy xóm đâu. Về đến nhà nước nó to quá, nó ngập hết cả nhà, nước lũ ngấp mé giường, hai đứa con ngồi ở trên giường khóc ré lên.

Lúc đó, tôi lao một cái từ trên thuyền xuống, không biết ngập hay không, ướt hay không, tôi cố bơi vào, vào nhà thì thấy hai con ngồi chôm hổm trên giường.

Tôi ôm lấy các con mà khóc. Tôi hoảng quá. Tôi mới gửi con bên nhà bác rồi xuống Hà Nội đi bán chuối.

Đẩy thuyền về đến Hà Nội là 6 giờ tối, tôi gọi khách hàng bán trong vòng 1 tiếng rưỡi hết sạch một thuyền chuối.

Ai đi đến tôi cũng mời mua, ai mua bao nhiêu tôi cũng bán hết, bán không để một người nào đi ra khỏi thuyền mà không mua được chuối.

Bán tống bán tháo rồi chạy về, đến 11 giờ đêm thì về đến nhà, về với con, ôm con mà khóc. Thế là từ đó tôi hoảng, không đi thuyền mạn ngược nữa. Anh Sơn vẫn đi một mình, tôi ở nhà cô trông con, cho nó đi học.

Ở nhà mua hai con bò để ba mẹ con ở nhà cắt cỏ bò trông nom nhau. Nhưng ai ngờ, vì đi chăn bò mà con trai tôi rơi xuống sông chết chìm mãi mãi”.

Chị Hiền với gương mặt đau khổ, đang cầm trên tay tờ đơn đi vay nợ ngân hàng.
Chị Hiền với gương mặt đau khổ, đang cầm trên tay tờ đơn đi vay nợ ngân hàng.

>> Mời xem clip:

 

Một mình như dũng sỹ ngược thuyền lên mấy trăm cây số sông Hồng để buôn tàu bán bè. Bỏ nghề ở nhà chăm nom bò, cũng chỉ vì nghèo đói. Cũng chính cái nghèo đói đó làm đứa con chết, rồi anh Sơn phát bệnh.

Vì nghèo nên chị Hiền phải vay ngân hàng tiền để đi chạy chữa cho anh, chữa đủ âm, đủ dương, từ thầy cúng pháp sư mất cả chục triệu cho đến về Bệnh viện Tâm thần dưới Hà Nội.

Nghèo đói, tăm tối, thiếu hiểu biết, lại thêm đi viện là con đường ngắn nhất để “người nghèo dễ bị tổn thương”, để người ta đi vào chỗ tán gia bại sản, bỏ xứ ly hương.

Vay hai chục triệu ở ngân hàng huyện, đáo hạn chưa kịp trả thì họ dọa tịch biên nhà cửa, họ dùng sức ép ở địa phương “vận động và cứng rắn”, khiến chị Hiền phải đi vay nặng lãi trả.

Trả xong họ hứa sẽ cho vay trở lại, nhưng đơn lên đơn xuống, đến khi chúng tôi viết những dòng này, chị Hiền vẫn chưa hề được người ta cho vay thêm xu nào.

“Chắc họ thấy mình bệnh tật, đói nghèo, nhà cửa ngồi bên trong, xuyên qua mái thấy toàn bộ bầu trời, nên họ chả dám cho vay!”, chị Hiền thở dài.

Vay lãi ngoài chị mức giá cắt cổ chợ đen đến "2 phẩy". Mỗi tháng mấy trăm nghìn tiền lãi, không trả được, họ cứ cộng vào, thế là khối nợ lớn dần.

Vừa rồi họ sang, họ dọa không trả tiền thì họ sẽ đánh, không trả nữa thì họ sẽ dắt con bò về trừ dần vào khoản nợ.

Bệnh án của anh Sơn, theo chẩn đoán của bác sĩ.

Bệnh án của anh Sơn, theo chẩn đoán của bác sĩ.

Đã khó thì nó lại khó đủ đường, chỉ vào cái chuồng lợn bùn đất đóng băng, mái tường xiêu vẹo, chị Hiền kể: “Tôi vay tiền ngân hàng 20 triệu, ba năm không trả nổi, vì nuôi con gì nó cũng chết.

Tôi nuôi hai đàn lợn thì thời tiết khắc nghiệt, chả có điều kiện chăm bẵm tốt, nó chết toi hết, lỗ khoảng 10 triệu. Còn 10 triệu thì con gái đi lấy chồng, trả 10 triệu tiền vay nhà nước cho nó đi học (vay hỗ trợ sinh viên), thế là hết.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chu Châu
Ông Hán Văn Ty
Gia đình này thuộc diện nghèo, khó khăn nhất khu vực. Cả thôn có 34 hộ nghèo trên tổng số 400 hộ. Nhà này thuộc diện hộ nghèo. Bây giờ theo tôi là chỉ có hai cách để cứu giúp họ có cái ăn cái mặc, có thuốc thang trị bệnh, cứu mạng cho anh Sơn, một là đề nghị Nhà nước có chính sách nào tạo điều kiện để họ có thêm tiền trợ cấp. Vừa rồi tôi có đề nghị nâng mức phụ cấp lên, nó có 3 mức, 350 rồi 520 và 700 nghìn đồng/tháng. Nhưng mà trên vẫn chưa giải quyết được. Anh Sơn giờ hưởng mức trợ cấp 350 nghìn đồng/tháng. Cái thứ hai, chị ấy khó khăn quá thì chỉ còn cách vận động địa phương và cả xã hội cùng quyên góp giúp đỡ. Đưa anh ấy đi chữa bệnh ở bệnh viện có uy tín. Bệnh này chữa là ổn.

Không có tiền mua lợn giống, không còn một đồng tiền vốn nào, đành phải bỏ chuồng không. Có mỗi hai con gà để giành ăn Tết, vừa rồi tôi cũng đành bán đi, mua con lợn 2kg về nuôi, nhưng nó chả sống được.

Con gái lấy chồng, vay ở quê chồng cho tôi hơn chục triệu mua con bò về nuôi. Anh ấy bệnh nặng, không đi làm ăn được, quanh quẩn ở xóm chăm bò.

Vừa rồi nhà chú kia, chú cho vay lãi 2 phẩy ấy, chú bảo sang dắt bò trừ nợ! Chú ấy lại là người nghiện ma túy, tôi hãi quá, phải đi vay nặng lãi ở chỗ khác để trả bù vào cho chú ấy trước…”.

Mấy tháng trời ăn cơm với lòng thiu xào dưa, da bọc xương trở về từ bệnh viện

Số tiền nợ đã lên đến bảy tám chục triệu, chị nhìn đâu cũng không thể thấy khoản nào cho thu nhập bảy tám chục nghìn được. Nghĩ cảnh lãi mẹ đẻ lãi con ở giá vay tiền chợ đen, chỉ còn biết khóc.

Và, hành trình đi chữa bệnh của anh Sơn cũng đầy cay đắng. Bố mẹ anh đẻ được 8 anh chị em, nhưng ai cũng nghèo, nhiều người ly hương kiếm sống, chả ai giúp gì được, một tay chị Hiền cáng đáng đưa chồng về bệnh viện tâm thần.

Lúc anh co quắp cắn nát môi một cách dã man thì chị lấy cái khăn chịt ngang miệng lại, giằng xuống như là đang trói giữ kẻ thù. Bữa đến thì bón cơm, bón bánh, bón cháo. Bù lại anh ăn rất khỏe, ăn khỏe một cách… đáng sợ.

Ngày Tết, chắc bóp mua được con gà, anh ngồi nhá, chị bóc cho anh ăn hết veo, rồi cứ ú ớ  hỏi “có còn không”.

“Tôi mua một cân thịt cắt ra làm hai đĩa, buổi trưa đưa cho một đĩa, nhắm hết, buổi tối đưa cho một đĩa cũng nhắm hết tất. Tôi thương chồng thì tôi cứ bón cho anh ăn, nhưng người ta bảo đó là sự ăn khỏe bệnh lý, rất đáng sợ.

Tôi cũng lấy làm hoang mang, đến mức phải đi xem bói để hỏi cơ mà. Bởi vì suốt thời gian 6 tháng nay, không biết thế nào mà anh Sơn chỉ ăn đồ nếp, tất cả gạo nếp, bánh chưng, bánh rán, bánh giày ăn tất. Và chỉ ăn những đồ đó thôi.

Ăn xong rồi uống sữa, không ăn hạt cơm nào.Tôi cũng chưa gặp ai như chồng tôi, ai lại đi ăn bánh chưng suốt một năm trời bao giờ, ăn toàn đồ nếp, không ăn cơm, ăn cháo gì”.

Cho chồng ăn được, chồng ăn ngon, là chị Hiền mừng lắm, nhưng ngẫm cảnh nghèo, anh ăn đến thâm thủng “ngân sách” thì lại lo đắng lòng. Ăn kiểu “kỳ dị” như vậy là vì sao?

Đưa chồng đi viện, bác sỹ điều trị bảo anh mắc bệnh với các “cơn động kinh cục bộ”.

Anh đi khoa tâm thần ở BV Bạch Mai, anh lại về điều trị mấy tháng ở BV Tâm thần Mỹ Đức (thường gọi là Ba Thá, BV Tâm thần của tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Sở Y tế Hà Nội).

Các bác sỹ cho uống thuốc, điều trị dứt con “quẫy đạp suốt đêm ngày”, anh Sơn ăn được, ngủ được, khá ổn, người ta trả về địa phương với đơn thuốc khá đầy đủ.

Tuy nhiên, vì là hộ nghèo, vì không hiểu biết về bệnh tật, lại không được cán bộ y tế địa phương tư vấn hay cấp thuốc thường xuyên theo cách hiểu và một số quy ước thông thường, nên anh Sơn về nhà ít ngày là bệnh lại tái phát. Nặng hơn trước nhiều lần.

Hãy nghe chị Hiền kể về những ngày nằm viện khổ sở của anh Sơn: “Chữa ở Bạch Mai xong, chả khỏi, rồi gia đình phải đưa anh Sơn sang Ba Thá chữa, ở viện về, anh ấy gầy đến rớt nước mắt, còn gầy hơn lúc đi khỏi nhà.

Các bác sỹ người ta cho anh ấy uống thuốc, còn ăn uống thì ra quán. Nghĩa là quán đắt tiền mà mình thì hết sức nghèo. Cứ 30 nghìn đồng một suất cơm cơm, thời giá lúc ấy, cách đây 5 năm rồi.

Anh ấy ăn suốt hai tháng rưỡi ở đấy, mà ngày nào cũng chỉ dám ăn cơm với lòng xào dưa chua, kèm theo gan với phổi trộn lẫn vào với nhau.

Cái lòng phèo ấy rẻ rúng và mùi kinh lắm. Tưới vào bát cơm cho anh ấy ăn tạm, anh ấy không nuốt nổi. Về nhà chỉ còn da bọc với xương!”.

Theo quy định thì sau khi tạm ngưng bệnh, người “động kinh”, “tâm thần” như thế phải được duy trì chế độ uống thuốc thường xuyên, thậm chí suốt đời.

Nhưng chị Hiền không hiểu, cán bộ y tế địa phương cũng không tư vấn gì, bệnh viện tâm thần cũng mặc, ai đến thì đến ai về thì về.

Tôi hỏi, đã có cán bộ y tế nào ở địa phương, ví dụ trạm y tế đến thăm gặp tư vấn gì chưa, chị Hiền thở dài: “Chưa, chưa có một ai bao giờ”.

Rồi chị kể, trước khi ông Trạm trưởng Y tế xã Chu Minh chết, chị có làm đơn xin được cấp thuốc, được cho anh uống thuốc theo tiêu chuẩn của người tâm thần, hồ sơ đang xét duyệt thì chú ấy chết, thế là mọi chuyện chấm dứt.

Người thay thế là ai, thì đến giờ chị cũng chưa biết.

Và “người cá” lại tiếp tục tung hoành tàn phá cơ thể mình, anh cứ quẫy đạp kinh hoàng trong đói nghèo và tuyệt vọng đến thế, có lẽ anh còn quẫy đạp, còn cắn nát môi mình và uống máu mình cho đến khi không còn… thở nữa.

Bà Nguyễn Thị Tuyên, tôi 55 tuổi, hàng xóm nhà anh Sơn: “Tôi là láng giềng, tôi ở tận bờ sông, thi thoảng tôi đi làm qua tôi thấy nó khổ quá. Tôi nhìn thấy chú ấy cứ quằn quại, suốt ngày suốt đêm mà tôi ứa nước mắt”.

PV: Anh này ngày thì ngày xưa sống như thế nào?

Bà Tuyên: Anh này hiền lành lắm, chịu khó lắm, đi thuyền sông nước nhiều. Ai cũng thương anh ấy, cả xóm thương, sống có tình nghĩa, mỗi tội nghèo.

Bà Nguyễn Thị Lân, 51 tuổi,  láng giềng nhà anh Sơn: “Ngày chú ấy còn đi tiểu tiện được, chú ấy cứ xiêu vẹo ra. Chú ấy còn bổ nhào xuống như con chim chẻo, đầu gần đập xuống dưới đất.

Thấy con gà ngoài sân chú ấy cứ lao ra, uốn lượn rồi kêu oa oa, nói không thành tiếng. Cả vùng này không có ai bị như thế, suốt đời tôi chưa thấy ai khổ như thế”.

Một người hàng xóm bày tỏ mong muốn cả xã hội dhung tay giúp đỡ vợ chồng anh Sơn.
Một người hàng xóm bày tỏ mong muốn cả xã hội dhung tay giúp đỡ vợ chồng anh Sơn.

Nộp 10 triệu đồng cho thầy để giải khỏi cái tội “đánh rắn” cách đây 10 năm!

Hết niềm tin vào thuốc Tây, chị Hiền bèn nghe theo người mê lú, đi chạy chữa phần âm. “Người ta xem bói, bảo là anh Sơn có đánh con rắn nên bị nó trả thù.

Tôi ngồi nhớ mãi, quê tôi lắm cây cối, lắm vở nước, đúng là cách đây 10 năm gì đó, anh có đánh con rắn to bằng ngón chân cái.

Thầy cúng lại bảo, người ta tha thứ mãi cho nhưng gia đình tôi không biết đường chạy chữa. Bây giờ người ta mới mới hành hạ. Tôi hỏi, bây giờ phải làm thế nào, người ta nói kiến giải đôi ông bạch xà lên Đền Quan.

Thầy bảo tôi đưa 10 triệu đồng, tôi đi vay lãi lấy tiền nộp cho thầy, thầy mua vàng mã giải tội, thầy bảo tôi cúng đôi bạch xà (rắn trắng) lên đền.

Tôi đi vay tiền “chạy chữa phần âm” gần chết. Nhưng rồi cũng chả thấy khỏi, bây giờ chỉ đi chạy chữa thuốc thang thôi, chứ còn bây giờ mê tín mãi thì lấy tiền đâu mà ăn!”.

Hiện tòa báo đang liên lạc với các nhà hảo tâm, các bác sỹ tâm huyết và tài năng, ngõ hầu tìm con đường sống cho “người cá’ quẫy đạp cả nghìn ngày chưa ngưng nghỉ kể trên. Chúng tôi sẽ sớm trở lại với câu chuyện này cùng độc giả.

Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21, tòa nhà Hapulico Center Building, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại