Người vợ "tiết lộ" nguyên do chồng tự cắn môi, "uống máu" giữa HN

Bảo Lâm |

"Anh ấy nghĩ thằng con trai mất rồi giờ vợ lại lên bàn mổ. Mổ thì không biết sống chết thế nào, nếu vợ con cùng chết thì mình có tội lớn, thế là anh ấy điên lên, cứ thế cắn môi".

>> Mời xem kỳ trước: Người đàn ông quẫy đạp, tự cắn môi "uống máu" suốt 5 năm giữa HN

Khi chúng tôi đến nơi, dù gặng hỏi rất kỹ, hỏi suốt mấy tiếng đồng hồ, từ trong cõi u u mê mê, cũng chưa thấy lần nào anh Nguyễn Quang Sơn nói được một câu tròn vành rõ tiếng.

Cũng chưa thấy khi nào anh thôi nghiến răng, cắn môi mình, rồi lồng lộn gồng lên cuồng quẫy như con cá vừa bị câu lên khỏi đáy nước thăm thẳm.

Vùng Chu Châu (xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội) là một ốc đảo heo hút, cái sự nghèo quá mức của nhà chị Hiền và danh tiếng “lãnh địa đào vàng sa khoáng nhiều người nghiện” của thôn, dường như đã làm miền cù lao này càng thêm heo hút.

Ông Bí thư chi bộ, trưởng thôn Hán Văn Ty cũng có mặt.

Ông bảo, thằng Sơn nó khổ quá, vợ con nó còn khổ hơn. Bởi Sơn mắc chứng bệnh lạ, cơ thể đau đớn, quằn quại, nhưng vì anh “điên rồ” nên có rất ít cảm giác về cuộc sống. Nó giống sự mất kiểm soát của một kẻ tâm thần.

Còn chị Hiền thì khúc chiết, đến điều, tức là chị biết rõ nỗi đau đến đâu, sự tuyệt vọng ra sao, thảm họa vay nặng lãi 2% để chữa bệnh cho chồng và nuôi con nhỏ sẽ dẫn chị đi về đâu. Người ta đến dọa dẫm, xiết nợ ra sao.

Phát “điên” vì Hà Bá bắt  mất con trai?!

Cả xóm đều hiểu rằng, anh Nguyễn Quang Sơn đau đến ngẩn ngơ, đến phát điên phát dại như bây giờ, là vì sự kiện thằng con trai duy nhất của anh bị chết đuối ngoài sông Hồng.

Anh chị đi đò dọc buôn chuối mấy trăm ki lô mét đường sông từ Lào Cai về tận Hà Nội, có lần từ thượng du về cù lao Minh Châu, thấy nước dâng lên lưng nhà, thằng con ngồi thu lu trên giường tránh “giặc nước”.

Chị Hiền sợ quá, vứt bỏ mấy gánh chuối, lao lên ôm con, van xin “cục vàng cục bạc” tha thứ cho mẹ. Con mà chết ngày hôm nay thì mẹ chết chẳng thể nào nhắm được mắt.

Thế rồi, neo đơn, đói khát, anh chị vẫn phải đi kiếm ăn, để con ở nhà, giao cho nó đi thả bò. Dường như là kiếp phận đã định sẵn, cách đây 7 năm, cháu bé đã “hụt” sông và chết.

Lúc thằng bé chết, cháu 12 tuổi. Bấy giờ, anh chị chỉ có một cô con gái và duy nhất một cậu con trai, với quan niệm trọng nam khinh nữ còn ám ảnh trong đầu, việc mất thằng cu nối dõi tông đường càng làm anh Sơn đau hơn.

Mỗi lần nhìn dòng sông, nhớ con, uất cho thân phận mình, anh chị lại khóc. Anh lại như phát điên.

Để trốn chạy dòng sông oan nghiệt, để cứu chồng khỏi bệnh tật, chị Hiền đã rủ chồng bỏ xứ tha hương, ngược sông lên mãi vùng Ba Vì, tìm vào xã Ba Trại, ven sông Đà để định cư. Để khỏi nhìn thấy con sông Hồng cay nghiệt.

Thế nhưng, vì làm ăn thất bát, kinh tế khó khăn, vì cô đơn cô quả ở nơi đất khách quê người, vì nghĩ anh Sơn đã nguôi nỗi ám ảnh sông Hồng “nuốt” mất cậu quý tử, chị Hiền bèn bàn với chồng trở về thôn Chu Châu “chôn nhau cắt rốn”.

Sau này, con gái lớn, đi học ngành tài chính, lấy chồng, về Hà Nội làm thuê, nhà cô quạnh quá, càng ngẫm càng uất thân nam nhi thiếu thằng “chống gậy”, dù vợ ở tuổi 45 rồi, anh Sơn vẫn bắt chị đẻ thêm một đứa con nữa.

Đẻ bằng được thằng con trai. Chị mang thai, anh bắt đi siêu âm liên tục, siêu âm cẩn thận. Ơn trời, đúng con trai rồi, bác sỹ nói.

Anh phấn chấn lắm. Nhưng, vì chị Hiền “cứng tuổi” và vì vài lý do khác nữa, chị không thể đẻ thường được, mà phải mổ ở BV huyện Ba Vì.

Nghe tin vợ “đứng ở cửa mả” (chửa đẻ), lại phải mổ bụng với máu me be bét, anh Sơn (vì ít hiểu biết) nên đã lâm vào hãi hùng, hoảng loạn.

Nỗi đau đớn của người vợ...

Người vợ chống chọi nỗi đau với chồng.

Anh nghĩ là vợ sẽ chết, con trai trong bụng vợ sẽ chết. Anh rơi vào một cơn sang chấn tinh thần kỳ dị.

Đúng đêm ấy, anh phát thứ bệnh kinh khủng kia. Từ bấy chỉ nghiến răng, “ăn môi mình” và quẫy đạp như con cá trong máu me. Quẫy đạp cả nghìn ngày chưa nghỉ.

>> Mời xem clip:

 

Bỏ xứ trốn lên rừng, mà vẫn không thoát khỏi “bàn tay số phận”

Chúng tôi hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Hiền về “sự kiện” này:

PV: Chắc là anh ấy tiếc thằng con trai quá nên mới phát bệnh “co giật” điên khùng thế này, đúng không?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Tiếc thì trước kia cũng tiếc lâu rồi, 7 - 8 năm rồi kể từ ngày con tôi bị “hụt” mất ở ngoài sông. Nhưng mà nặng nhất là suy nghĩ sợ hãi của anh Sơn đúng cái hôm tôi mổ đẻ.

Anh ấy nghĩ, thằng con trai mất rồi bây giờ vợ lại lên bàn mổ. Mổ thì không biết sống hay chết thế nào, nếu vợ và con cùng chết thì mình có tội lớn. Mình sống với ai.

Thế là anh ấy điên lên, cứ thế là cắn vào môi, cho đến sáng đưa lên bệnh viện toét hết miệng, môi. Toàn máu me.

Tôi nằm trên bàn mổ nhìn ra mà không thể nào nằm yên được. Trông anh ấy điên dại và thê thảm lắm! Nằm yên thế nào được, cả 4 người nhà tôi đều ở trên bệnh viện tất.

Ở Bệnh viện huyện Ba Vì xong lại chuyển xuống Bệnh viện thị xã Sơn Tây. Nằm vài hôm, bệnh viện trả anh ấy về, anh nằm cho đến bây giờ, không làm được việc gì. Thằng cu tôi đẻ ra hôm ấy, nó đã hơn 4 tuổi đầu rồi cơ mà.

Cái hôm anh cắn vỡ môi mình đấy là lần “ăn thịt mình” nặng nhất đúng không?

Không, hôm đấy chưa là cái gì, hôm trước Tết Nguyên Đán 2015 vừa rồi, anh ấy cắn và quẫy đạp mà bốn người đè lên người không nổi.

Phải lấy khăn ghè (nhét) vào mặt, miệng để khỏi cắn đứng lưỡi vỡ môi. Thi thoảng lại lên cơn lớn như thế, còn bình thường thì cứ quẫy đạp chân tay liên tục thế kia.

Máu chảy ra thì phải làm sao?

Máu chảy ra khăn, cứ thấm hết khăn này lại đến khăn khác, có khi một lúc buổi tối mà ướt hết 5 cái khăn vuông toàn máu.

Thế thì người nó mới gầy chứ, còn anh ấy ăn thì… khỏe lắm. Ăn cả chiếc bánh chưng to đùng, ăn một lèo, khi nào cũng hết luôn.

Ăn khó nhọc, nhai rất vất vả, vì cái hàm bị cứng, môi bị cắn bung hết, nhìn thảm thương lắm, nhưng bù lại, sức ăn tốt lắm, không biết bệnh tật kiểu gì.

Cơn lên, anh ấy cứ cắn, không làm chủ được tẹo nào, không dừng được. Từ hôm trong Tết đến giờ,  6 - 7 tháng  liền, tôi cứ ở nhà trông anh ấy, không làm được việc gì.

Có lần nào anh ấy phá cái gì nữa không?

Không phá cái gì, chỉ nằm ở quanh giường tự phá cơ thể mình thôi. Quần áo rách tươm ra. Suốt cả mùa rét cũng thế. Mặc vào là đạp rách hết quần áo, không đánh ai, không chửi ai, cứ nằm thế và giãy!

Ngày xưa anh chị làm nghề gì để kiếm sống?

Ngày xưa buôn chuối dọc sông, sau đó về, bỏ đứa con 5 tuổi trong nhà để đi ngược. Hai vợ chồng đi, mua được chuối đầy thuyền xong, rồi về trả được một món nợ, từ đó ở nhà trông con, cho nó đi học.

Mua được hai con bò, về chăn nuôi, về thì con trai mới đi thả bò, có nửa tiếng đồng hồ, con nó rơi xuống “ngụm” nước ngoài sông, chết.

Thế là hết chồng đến vợ nghĩ ngợi, buồn bã, không làm ăn gì được, bỏ bò chết đói luôn, không muốn gì trên đời nữa. Uất quá, chúng tôi mới đi vào đồi ở một năm cho nó khỏi nhìn thấy sông nước nữa.

Anh chị phải trốn khỏi dòng sông này, lên núi ở để tránh nỗi đau mất con?

Lên đồi lên núi ở để cho khỏi nhìn thấy sống nước, chứ cứ nhìn là lại nhớ con nó chết chìm, cứ nhìn thấy sông nước là hoảng, cả 2 vợ chồng đều hoảng. Nhìn thấy nước là sợ.

Vào đồi ở được một năm, nhưng mà làm ăn nó khó quá, làm suốt ngày đến 12 giờ đêm vẫn ngồi xao chè, nó cũng không đủ cơm ăn. Đói quá nghĩ, thôi bây giờ về nhà mình thôi, ở đó người ta sống được thì mình cũng sống được.

Chứ cứ đi hái chè thuê, tối về xao chè 12 giờ đêm không được đi ngủ, cả vợ chồng con cái gầy giơ xương ra thế này thì cũng chết.

Đúng dịp ấy hai vợ chồng đều ốm, đói khát, nằm nửa năm trời, bò lổm ngổm quanh giường tự cứu nhau, chứ chẳng ai người ta đến giúp. Về quê còn có chòm xóm anh em. Chúc tôi ôm nhau khóc, đi về nhà mình thôi, ở đây chết mất.

Về đến quê hương Chu Châu này, thấy tinh thần phấn chấn, hai vợ chồng động viên nhau, tôi đã 45 tuổi rồi, già thì già thật, nhưng con nó “hụt” (chết) mất ngoài sông rồi thì đẻ một đứa nữa.

Mời xem kỳ cuối: Nỗi tuyệt vọng và cay đắng của một người nghèo lâm bệnh hiểm!

Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21, tòa nhà Hapulico Center Building, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại