Dân quây bệnh viện: Giáo sư danh tiếng nói về cơ chế "phong bì"

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - "Khi xã hội phát triển, để người bệnh được ưu tiên, người nhà bệnh nhân chỉ còn phương thức duy nhất mà họ thường sử dụng là... phong bì cho bác sĩ", giáo sư Đệ nói.

Đưa phong bì cho bác sĩ để được ưu tiên

Trước tình trạng ngày càng nhiều sự việc người dân quây bệnh viện, hành hung bác sĩ xảy ra, GS.BS Đặng Hanh Đệ - Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch & lồng ngực Việt Nam đã dành thời gian kể nhiều hơn chuyện đời, chuyện nghề của mình. Bởi lẽ, ngày trước, thế hệ những bác sĩ như giáo sư, khái niệm “phong bì” còn quá xa lạ. Cùng lắm, các bác sĩ ngày đó nhận được một vài cân gạo do người nhà bệnh nhân gửi biếu. Nhưng cơ chế thị trường đã “bóp méo” nhiều thứ, trong đó có cả vấn đề y đức. Chỉ có cái tâm của người bác sĩ mới dám nhìn thẳng và bóc mẽ sự thật ấy.

Tuy vậy, theo giáo sư, trong sự “bóp méo” ấy cũng phải xét từ hai phía: cả người nhà bệnh nhân và đội ngũ y, bác sĩ. Cũng giống như câu nói: “Có cung thì mới có cầu”, đôi khi chính người nhà bệnh nhân đã làm “hư” bác sĩ.

Ngày trước, trong điều kiện vật chất khó khăn, chúng tôi chỉ biết trách nhiệm của mình là phải cố gắng hết sức để cứu sống người bệnh. Thậm chí một vài đối tượng đặc biệt còn được ưu tiên. Nhưng khi xã hội phát triển, để người bệnh được ưu tiên, người nhà bệnh nhân chỉ còn phương thức duy nhất mà họ thường sử dụng là... phong bì cho bác sĩ. Vô hình chung điều ấy tạo ra tiền lệ và phát triển thành thông lệ”, GS Đặng Hanh Đệ trải lòng.

GS, BS Đặng Hanh Đệ - Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật Tim mạch & Lồng ngực Việt Nam

GS, BS Đặng Hanh Đệ - Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật Tim mạch & Lồng ngực Việt Nam

Trong cuộc đời cầm dao, kéo mổ của mình, GS Đặng Hanh Đệ cũng đã từng bị kiện vì không lo chu đáo cho hậu sự của người bệnh. Ông phải nhờ tới lực lượng an ninh can thiệp khi người nhà bệnh nhân vì nóng giận mà có hành động quấy rối điện thoại vào ban đêm, hay tới tận nhà người bệnh để giải thích nguyên nhân tử vong của người bệnh... Nhưng tất cả những sự việc đó, giáo sư đều giải quyết bằng chữ “tâm” của người bác sĩ để “dĩ hòa vi quý” khiến người nhà bệnh nhân “tâm phục khẩu phục”.

“Trong mọi tình huống tôi đều có đồng nghiệp đi cùng để mình không đơn độc trên mọi chiến tuyến và tiếng nói ấy không phải là của cá nhân mình”, GS Đặng Hanh Đệ tâm sự.

Theo GS, sự không đồng đều về trình độ của đội ngũ y, bác sĩ cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự lệch chuẩn của vấn đề y đức ngày nay.

Đi sâu hơn về thực trạng của ngành y hiện nay, GS chia sẻ: Phụ sản và Nhi là 2 lĩnh vực “nhạy cảm” và dễ gây “sóng” nhất của ngành y. Ngày còn là sinh viên trực ở khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đã có thời điểm, trong một đêm, GS Đặng Hanh Đệ phải kí giấy tử cho 6 trường hợp. “Mà đó chỉ mới là một khoa. Vì thế, các bác sĩ trong lĩnh vực này càng cần đặt vấn đề “lương y” lên hàng đầu. Trong lĩnh vực tim mạch của mình, trước mỗi ca mổ, tôi đều dặn dò rất kĩ các học trò của mình để hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro xảy tới với người bệnh”, giáo sư nói.

Năm 1996, Bộ Y tế ban hành 12 điều y đức hay “12 tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế”. Kể từ đó đến nay, 12 điều y đức được lồng kính và trịnh trọng treo ở các bệnh viện , trung tâm y tế, nhưng theo GS Đặng Hanh Đệ: “Có lẽ ít người thuộc, và càng ít hơn số người thực hiện 12 điều y đức đó. Tôi cho rằng, chữ “Tâm” của người bác sĩ chính là yếu tố xuyên suốt 12 điều đó. Có chữ “tâm” nghĩa là người bác sĩ đã thực hiện đúng và đủ cả 12 điều y đức”.

Và câu chuyện “phong bì”, những sự hời hợt của nhiều y, bác sĩ ngày nay gây nên cái chết thương tâm cho người bệnh, đó là điều khiến GS Đặng Hanh Đệ đau lòng hơn cả.

Tình người bị đồng tiền chi phối

3 năm ròng rã đi tìm công lý cho những chàng trai không quen biết: Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Kiên ở Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) trong “kì án hiếp dâm” từng gây xôn xao dư luận, sự “lì lợm” của lương y Phạm Thị Hồng khiến nhiều người ngạc nhiên.

Cho tới hôm nay, người lương y ấy vẫn giữ cho mình được sự “lì lợm” cùng quan niệm mà bố của bà truyền lại: “Nhân nghĩa là lẽ sống”.

Đứng trước một thực tế của ngành y đang khiến nhiều người “đau đầu” là “người nhà vây bệnh viện, hành hung y, bác sĩ”, lương y Hồng đã lo lắng rất nhiều bởi áp lực sẽ “đè” lên đội ngũ y, bác sĩ và những người làm công tác trong ngành y.

Lương y Phạm Thị Hồng
Lương y Phạm Thị Hồng

Nguyên nhân dẫn tới sự việc căng thẳng đó, theo lương y Hồng là do bác sĩ kém về y đức nên gây bức xúc cho bệnh nhân. Thêm vào đó lại gặp người nhà bệnh nhân với tính cách nóng vội, không kiềm chế được cảm xúc của mình để phản ánh lên bộ máy lãnh đạo của bệnh viện. Người bệnh tử vong, người nhà luôn thường trực suy nghĩ: bác sĩ ăn tiền và chỉ ăn tiền mới làm việc. Những điều đó cộng gộp lại khiến họ bức xúc và dẫn tới những sự việc hành hung y, bác sĩ của bệnh viện.

Người nhà tập trung đông ở bệnh viện
Người nhà tập trung đông ở bệnh viện

“Những sự hiểu lầm nhau cũng rất nguy hiểm. Nguyên nhân của mọi sự việc bao giờ cũng xuất phát từ hai phía. Trong trường hợp này, trình độ văn hóa cũng như tình người của cả hai bên cần xem xét lại”, lương y Hồng nêu quan điểm của mình.

Lương y Hồng cũng đặt ra phép so sánh: Điều kiện vật chất của ngành y bây giờ khá hơn nhưng tình người lại không bằng ngày xưa. Ngày nay, tình người đang bị những mặt trái của đồng tiền chi phối.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại