Sau khi cứu thành công các công nhân trong hầm, Trung úy Nguyễn Văn Tiền kể lại: Khi đào hầm cứu nạn được khoảng 14m, chúng tôi đào tiếp 1 đoạn dẫn rộng đủ 2 người chui lọt rồi khoét 1 lỗ chui vào.
Tôi là người duy nhất đã chui qua lỗ thông ấy đi vào đoạn hầm chính bị chia cắt. Sau khi vào, tôi gọi to: “Có ai trong đó không?”.
Lúc đầu không thấy ai trả lời, tôi liền gọi thêm nhiều tiếng nữa thì nghe có tiếng kêu cứu.
Vào một đoạn nữa tôi phát hiện thấy nhóm công nhân đang đứng trên thanh ghi bằng sắt kêu cứu, một số đang bơi về phía tôi. Lúc này nước trong hầm đang dân cao.
Tôi trấn an họ, sau đó hướng dẫn, đưa mọi người đi về phía của hầm cứu nạn để anh em chuyển ra ngoài.
Kíp cuối cùng đã đào thông hầm cứu nạn và đưa các nạn nhân ra ngoài gồm có 15 đồng chí.
Thượng tá Lê Đình Hùng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 293 chỉ huy chung. Trung úy Nguyễn Văn Tiền chỉ huy trong hầm cứu nạn.
Binh nhất Hoàng Văn Thảo chính là người có mặt tại cửa từ hầm cứu nạn thông với đoạn hầm chính bị chia cắt để đưa công nhân ra ngoài.
Khi hầm cứu nạn thông, Trung úy Nguyễn Văn Tiền là người đầu tiên và duy nhất đi vào đoạn hầm chính kêu gọi, hướng dẫn, hỗ trợ công nhân ra khu vực cửa hầm cứu nạn.
Được biết, Trung úy Nguyễn Văn Tiền, sinh năm năm 1990, quê Nam Đàn-Nghệ An, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh, về đơn vị công tác từ năm 2011 với chức vụ Trung đội trưởng.
Năm 2013 được đề bạt giữ chức Phó Đại đội trưởng về quân sự.
Theo Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 32: Trung úy Nguyễn Văn Tiền là cán bộ trẻ nhiệt huyết, trách nhiệm và có năng lực tốt.
Nói về hành động của mình, Trung úy Nguyễn Văn Tiền tự hào cho biết: “Tôi rất tự hào, hạnh phúc khi đã cùng với mọi người cứu được các công nhân. Tôi nghĩ đó là thành tích chung của tất cả mọi người”.