Ngày 3/9, Bộ Công thương đã tiến hành cuộc họp giao ban.
Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, việc chênh lệch tỷ giá đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc TKV cho biết, trong tháng 8 do ảnh hưởng của mưa lũ đến sản xuất và chênh lệch tỷ giá đã làm phát sinh khoản lỗ 1.200 tỷ đồng cho tập đoàn.
TKV kiến nghị Bộ Công thương xem xét cho phân bổ khoản lỗ 1.200 tỷ đồng vào giá thành điện.
Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, khả năng mức lỗ của EVN có thể gấp hơn chục lần con số 1.200 tỷ do TKV thống kê.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN cũng cho hay, điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chỉ tiêu tài chính của đơn vị.
Hình minh họa
Trước động thái này của các nhà đèn, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra không đồng tình.
Bởi lẽ, khi tỷ giá thay đổi sẽ tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên thị trường, việc hạch toán rõ ràng để tính vào giá thành là điều hợp lý.
Thế nhưng, ngành điện trong nước đang độc quyền, điều chỉnh tính khoản lỗ trên vào giá thành cho người tiêu dùng thì người dân sẽ là những người chịu thiệt.
Chia sẻ trên tờ Người Lao động, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết:
“Người dân mùa hè vừa qua đã phải chịu giá điện cao vì bậc thang chưa hợp lý rồi. Cuối năm, kinh tế còn khó khăn mà giá điện lại được đề xuất tăng không thuyết phục thì không ổn”,
Đồng quan điểm đó, tờ Infonet dẫn lời chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, chỉ ra điểm bất cập: “Một khi đã kinh doanh, bất cứ ngành nào cũng cần phải lường trước những rủi ro và có kế hoạch dự trù để có thể ứng phó kịp thời.
Không thể để rơi vào tình trạng bị động, kinh doanh bị thua lỗ rồi lại xin bù vào giá thành, bắt người dân phải gánh chịu. Điều đó là rất vô lý”.
Trước những kiến nghị bù lỗ trên, đại diện Bộ Công thương cho biết đã yêu cầu các đơn vị tính toán lại thiệt hại, sẽ cân đối khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến giá bán lẻ như thế nào.
Sau đó Bộ sẽ thảo luận với Bộ Tài chính, tổng hợp và gửi ý kiến trình Chính phủ để có hướng giải quyết cụ thể.
Tháng 10/2013, EVN đã gây sốc dư luận, bị Thanh tra Chính phủ phanh phui việc gửi giá biệt thự, giá sân golf vào trong giá thành điện.
EVN tính hạch toán một số hạng mục xây dựng bể bơi, sân quần vợt 595 tỷ đồng vào chi phí đầu tư của sáu dự án nguồn điện.
(Tổng hợp)