Kho báu giữa xóm nghèo
Cách đây vài năm, nhân một chuyến công tác, tôi ghé thăm gia đình bà Nguyễn Thị Đào - Hậu duệ của vua Pôklong Mơh Nai, vị vua cuối cùng của Vương quốc Chăm Pa.
Ngôi nhà hai tầng của bà Đào (nằm sát Quốc lộ 1A, thuộc thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) cũng đơn sơ không khác biệt so với những căn nhà khác của người Chăm ở đất này.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, căn nhà này đã trở thành một địa chỉ nổi tiếng được nhiều người biết đến, bởi đây là nơi cất giữ và trưng bày những bảo vật quý giá của Hoàng tộc Chăm được truyền lại từ thế kỷ18.
Hoàng bào của vua và hoàng hậu Chăm.
Năm đó bà Đào 67 tuổi, bà bị bệnh tiểu đường biến chứng sang tim, khớp nên sức khỏe rất yếu. Chồng bà là ông Lư Thái Thuổi (71 tuổi) tiếp chuyện chúng tôi.
Khi tôi thắc mắc tại sao bà Đào người Chăm mà lại mang họ Nguyễn, ông Thuổi giải thích, thời vua Gia Long (TK 16 - 17), nhà Nguyễn bắt tất cả người trong hoàng triều Chăm phải theo họ chúa Nguyễn.
Theo truyền thống mẫu hệ của người Chăm, con gái là trụ cột chính trong gia đình, con gái út có quyền rất lớn, là người được thừa kế từ đường và có thể được truyền ngôi vua.
Bà Đào được “thừa kế” kho báu khổng lồ của hoàng tộc Chăm từ năm 1995. Trước đó, kho báu này được Công chúa Nguyễn Thị Thềm trông nom. Nhưng vì không có con nên trước khi chết, bà Thềm giao việc gìn giữ kho báu cho bà Đào, cháu gái út của mình.
Bà Đào là con gái út của bà Nguyễn Thị Ngôi, em gái út của bà Thềm. Bà Ngôi mất sớm nên bà Đào được bà Thềm nuôi dưỡng và coi như con đẻ.
Bà Nguyễn Thị Thềm, công chúa cuối cùng của hoàng tộc Chăm, người truyền kho báu cho bà Đào.
Lịch sử Việt Nam hiện đại đã từng nhắc đến bà Thềm khi năm 1946, hưởng ứng "Tuần lễ vàng" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, bà đã đem hiến cho quốc khố một bộ vương miện vua và hoàng hậu Chăm cùng nhiều hiện vật bằng vàng rất có giá trị.
Ngôi nhà được bà Thềm xây dựng từ năm 1964 với mục đích làm nơi lưu giữ bảo vật của dòng tộc. Ngày xưa hiện vật có khoảng 200 loại, nhưng do chiến tranh và sau nhiều lần di chuyển, cất giấu đã mất đi khá nhiều.
Trong phòng trưng bày ở tầng hai chúng tôi thấy có bộ sưu tập 2 vương miện của vua được chạm khắc tinh xảo, 3 vương miện hoàng hậu cùng vòng, xuyến, bông tai (đều bằng vàng) có niên đại hơn 400 năm.
Áo hoàng bào của vua và xiêm y của các hoàng hậu, công chúa và hoàng tử, đao kiếm, mũ vệ binh và 3 cái chiêng của hoàng tộc Chăm xưa cũng hiện hữu trong căn phòng giản dị này.
Ngoài ra tại đây còn một số trang phục, đồ dùng trong cung đình như bát đĩa, bộ khay khảm xà cừ, bộ đồ đựng trầu cau bằng bạc trạm trổ tinh vi và nhiều hiện vật khác.
Sống cực khổ bên “kho báu triệu đô”
Tôi nhìn quanh căn nhà tuyềnh toàng và thấy đồ đạc thời hiện đại thì không có thứ gì đáng giá. Tuy nhiên, những cổ vật thì không nói ai cũng biết chúng giá trị thế nào.
Theo lời kể của ông Thuổi, thời trẻ ông là giáo viên cấp 2, bà Đào làm y tá xã, sau giải phóng bà nghỉ việc và hầu như không có nguồn thu nhập nào.
Tuy sống cùng kho báu khổng lồ nhưng vợ chồng bà Đào vô cùng nghèo khổ.
Ông bà có tới 9 đứa con nên đời sống vô cùng khó khăn. Lớn lên những người con đều phải vất vả mưu sinh và có cuộc sống đạm bạc nên cũng chỉ có thể giúp cha mẹ ở mức hạn chế.
Mấy anh con trai, người là kỹ sư nông lâm, người là kỹ sư kinh tế, nhưng ra trường đều thất nghiệp phải đi làm thuê, lái xe cho tư nhân.
Chỉ có anh Lư Quốc Thiện (SN 1973) học ngành Bảo tàng Đại học Văn Hóa, hiện là viên chức nhà nước làm việc tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, huyện Bắc Bình.
Ngoài trông giữ kho báu mà chủ nhân đích thực của nó là vua Pôklong Mơh Nai, gia đình bà Đào còn có trách nhiệm trông nom, bảo quản khu di tích Đền thờ của vua cách đó 15 km.
Vào dịp tết Kate hàng năm, hoặc lễ cúng cầu an (6 năm một lần), nhà bà Đào tấp nập đông vui khách trong họ ngoài làng đến chúc mừng.
Theo phong tục, đây cũng là dịp bắt buộc phải rước toàn bộ hiện vật lên đền thờ Pôklong Mơh Nai để làm nghi lễ cúng tế; tượng vua và hai hoàng hậu trong đền (một hoàng hậu người Việt) phải được mặc quần áo y như thật.
Quá trình cúng tế rất vui nhưng cũng rất tốn kém và dễ hư hại hiện vật, đồng thời cũng trở thành nỗi lo thường trực của gia đình.
Khó khăn nhất là làm sao giữ được an toàn cho các bảo vật trong lễ rước suốt 15 km, lực lượng an ninh quá mỏng, chỉ gồm 2 công an huyện và 2 công an xã nên gia đình phải huy động dân làng tham gia vào việc canh giữ, bảo vệ.
Trải qua bao năm phải vật lộn với cuộc sống khó khăn túng thiếu, nhưng gia đình bà Đào vẫn giữ gìn được nguyên vẹn kho báu của dòng tộc.
Ông Thuổi, chồng bà Đào cũng vô cùng nâng niu những báu vật mà vợ mình được kế thừa gìn giữ.
Tận mắt thấy những báu vật mà vợ chồng bà Đào đang cất giữ, nhiều người sành cổ vật bảo, chỉ cần bán đi vài món thì có thể thu về cả triệu Mỹ kim. Tuy nhiên, việc đó sẽ không bao giờ xảy đến.
“Có người bảo tôi, chỉ cần bán đi một cái bát cái đĩa trong số bảo vật là có cả đống tiền, thích gì chả được. Nhưng vợ chồng tôi nhất quyết không bán một thứ gì, tiếc lắm. Bán đi là có tội với tổ tiên”, ông Thuổi nói.
Vợ chồng bà Đào chấp nhận sống trong cơ hàn để giữ kho báu cho hậu thế. Bởi quyết tâm ấy mà đến ngày bà Đào nhắm mắt xuôi tay, cặp vợ chồng già vẫn chưa thực hiện được mơ ước nhỏ nhoi của mình.
Ông bà mong một lần trong đời được đến thăm Thánh địa Mỹ Sơn, nơi cội nguồn dân tộc Chăm. Chuyến đi này, theo ông Thuổi dự tính thì chỉ tốn vài triệu đồng.
Thanh thản về trời
Ngày 13/7/2015, bà Đào đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 72 tuổi.
Khi biết tin bà Nguyễn Thị Đào qua đời, tôi gọi điện chia buồn với gia đình. Anh Lư Quốc Thiện nghẹn lời: “Mẹ em bệnh nặng mấy năm rồi, từ tiểu đường chuyển qua tim mạch rồi xương khớp...
Ba em đã 77 tuổi, từ ngày mẹ mất ba suy sụp hẳn, ông trở nên lẩn thẩn, lẫn lộn, lúc nhớ lúc quên”.
Anh Thiện gửi cho tôi cuốn video ghi lại toàn bộ lễ tang bà Đào được tổ chức theo nghi lễ Hoàng tộc, kéo dài trong 3 ngày (ngày thứ nhất tẩm liệm, ngày thứ hai làm nhà mồ, ngày thứ ba hỏa táng).
Hàng nghìn bà con người Chăm từ khắp nơi đổ về tiễn đưa vị công nương mà họ hằng kính trọng.
Bởi có công gìn giữ những báu vật vô giá nên bà Đào được người trong dòng tộc kính trọng.
Lễ hỏa táng được tiến hành ở một địa điểm kín đáo, cách biệt với khu dân cư và chỉ có người thân mới được phép chứng kiến, nhưng tất cả phải đứng cách xa khoảng nửa cây số với nơi đặt giàn thiêu xếp bằng củi cao 1,5m.
Chỉ có các vị chức sắc Bàlamon giáo và đội nghi thức mới được đến gần giàn thiêu để thực hiện nghi lễ. Theo quan niệm của đạo Bàlamon, hỏa táng là nghi thức tượng trưng cho quy luật sinh tồn, đánh dấu ngày linh hồn đầu thai vào kiếp khác.
Đây cũng là ngày con cái từ chối, không còn quan hệ gì với mẹ của mình để bà thanh thản siêu thoát và không bao giờ còn quay về nhà được nữa.
Có thể nói đám tang bà Nguyễn Thị Đào là sự thể hiện sống động những giá trị văn hóa phi vật thể của người Chăm. Cuốn phim video đó cũng là một di sản quý báu rất cần được trân trọng và lưu giữ.
Báu vật kêu cứu!
Phòng trưng bày bảo vật Hoàng tộc Chăm tại gia đình bà Đào tuy được xếp hạng Di tích quốc gia, nhưng sự hỗ trợ đầu tư quá ít ỏi.
Căn nhà hiện đã xuống cấp, hư hỏng nặng, không đủ điều kiện để bảo quản hiện vật và đón khách tham quan, có khả năng sẽ phải đóng cửa.
Một vài doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia "xã hội hóa" công tác bảo tồn, có ý định đầu tư để Phòng trưng bày trở thành một "Bảo tàng gia đình" - đó cũng là mong muốn cháy bỏng của gia đình bà Đào, nhưng do vướng mắc về cơ chế nên không thực hiện được.
Mới đây Đại biểu quốc hội, sử gia Dương Trung Quốc ghé thăm gia đình, ông hứa sẽ lưu ý và sớm đề xuất những biện pháp giúp đỡ.