Đổ máu cũng vì… nghề
Trong các quán bar, những chàng trai/cô gái bartender thường được chú ý như “vũ công” đặc biệt với các đạo cụ là rượu, rượu và rượu. Màn tung hứng đẹp mắt của họ khiến không ít người ồ lên thích thú. Thế nhưng, để đổi lấy ánh mắt ngưỡng mộ ấy của thực khách, họ đã phải đổ máu…
Báo mạng Infonet dẫn trường hợp của Trần Ngọc Trân, một bartender từng nhiều năm trong nghề. “Dáng người nhỏ nhắn, tưởng chừng như yếu ớt nhưng khi nhìn Trần Ngọc Trân tung 3-4 chai rượu cùng dụng cụ lắc rượu tung hứng lên cao rồi lại vòng tay ra sau bắt lấy nhẹ nhàng, thoăn thoắt xoay chuyển các vỏ chai trên cổ tay… trong vòng 15 phút khiến nhiều người phải ồ lên thích thú.
Trước đó, một nhóm gồm 4 bạn trẻ cũng biểu diễn tung hứng cùng các dụng cụ này nhưng không may mắn như Trân, các chai rượu khi bị tung lên đã rơi xuống và vỡ tan thành từng mảnh khiến cả 4 bạn lúng túng. Sau khi tiếp tục lấy thêm các chai rượu đặt trên bàn để diễn tiếp thì những chai rượu lại tiếp tục bị rơi xuống đất khiến nhiều người đứng gần sợ hãi, dạt sang một bên để tránh những mảnh thủy tinh bắn vào người.”
Nói về nghề đầy đầy hiểm nguy của mình, Trân chỉ vào những vết sẹo chằng chịt trên cánh tay, nói: “Đây là kết quả của những tháng ngày tập tung chai thủy tinh và bị rơi trúng vào người. Em vẫn còn là may, nhiều đứa trong nhóm em bị thủy tinh vỡ cứa vào mặt, mắt, vai, lưng. Chính vì nguy hiểm như thế nên mới đầu nhóm hơn 30 đứa nhưng sau chỉ còn em là chịu được nghề này cho đến bây giờ”.
Cạm bẫy bủa vây
Làm việc ở những quán bar, nhà hàng sang trọng, tiếp xúc với những “thượng đế” sành điệu, đẳng cấp và chịu chơi, dù muốn hay không, bartender không tránh khỏi đối mặt với những cám dỗ muôn hình vạn trạng.
Báo điện tử Vietnamnet ví bartender giống như… “miếng pho mát trong bẫy chuột”. Bởi, “nhìn qua môi trường hành nghề của bartender, không cần tinh ý lắm cũng có thể nhận ra môi trường đó không hề đơn giản. Bartender cũng có dăm bảy loại với môi trường làm việc hoàn toàn khác nhau: khách sạn, nhà hàng, quầy bar… nhưng hầu hết đã theo nghề, bartender luôn phải hòa mình trong môi trường khá trẻ trung và sôi động. Và đương nhiên không thiếu những cạm bẫy.”
Không ít bạn trẻ trải lòng về những thử thách nghề mà họ đã phải trải qua, thậm chí là bỏ cuộc: “Đây là môi trường đầy cám dỗ. Nếu là một bartender thì việc bị đề nghị cắn thuốc hoặc những lời mời khiếm nhã cũng không phải là hiếm. Cái căn bản là bạn có muốn vượt qua chúng hay không”. Nguyễn Hiến Chương chia sẻ trên Vietnamnet.
Một trong số những bóng hồng ít ỏi của nghề, Lê Hà Phương chia sẻ: “Môi trường xấu hay tốt đương nhiên là đều có ảnh hưởng nhưng điều quan trọng nhất là ở bản thân mỗi con người. Mấy chị cùng làm với mình thường xuyên bị khách mời uống rượu. Các chị ấy vì vui, vì nể nên cũng uống đến say mềm nhưng đâu phải cứ say là “đi khách” như mọi người nghĩ. Họ có thể say song vẫn còn nhiều đồng nghiệp bên cạnh mà. Chỉ trừ khi bartender nữ tự đánh mất chính mình, còn hoàn cảnh chẳng thể nào chi phối được điều ấy”.
Bartender là danh từ để chỉ những người pha chế (chủ yếu là cocktail) ở quầy bar. Một bartender điển hình thường làm việc với rượu, hoa quả, chai, bình lắc rượu và ly. Nói là nghề pha chế, nhưng một bartender thường phải thành thục các ngón nghề biểu diễn bình shaker – một loại dụng cụ được coi là “vật bất ly thân” với bartender.
Bartender giỏi là người có thể thuộc nằm lòng các công thức pha chế chuẩn nhiều loại cocktail, “diễn” quá trình pha thành một cuộc chơi tung hứng đầy nghệ thuật và bắt mắt với những chiếc ly, chai và cốc… Ngoài ra, bartender còn phải nhớ sở thích của các khách hàng khác nhau và phải biết cách tạo bầu không khí vui nhộn, biết cách giao tế khéo léo với khách hàng tại quầy bar.