Mấy năm nay, đã dăm bảy lần qua lại đường mòn Hồ Chi Minh, tôi đều vô cùng ấn tượng với quang cảnh đoạn qua huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Tôi có cảm giác như đi qua vùng cao nguyên của Mỹ.
Những cánh đồng cỏ, ngô, cao lương, hướng dương… bát ngát mênh mông đến nỗi xe chạy mãi không hết.
Từ quốc lộ, nhìn xuống thung lũng, và những triền đồi hút tầm mắt, tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều “tháp Eiffel” đổ chổng ngửa giữa nền xanh thẫm của cánh đồng. Tôi lái xe rẽ xuống sườn đồi và kinh ngạc nhận ra, đó là những cánh tay tưới tự động khổng lồ, trông như vật ngoài hành tinh.
Xe chạy mãi, xuyên qua cánh đồng cỏ, đồng ngô, cánh đồng hướng dương bát ngát… nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy bóng người. Hình ảnh vắng vẻ rất khác ở những cánh đồng Bắc Bộ, nơi “chồng cày, vợ kéo, con trâu đi bừa”.
"Hai năm nữa, khi dự án thành công, hãy giết tôi"
Đang không biết hỏi ai, thì gặp một người đàn ông dáng nhỏ nhắn, mau miệng. Anh giới thiệu là Hoàng Văn Tạo, vốn là giám đốc của cái nông trường rộng tới 2.000 héc-ta, bao năm làm ăn… thua lỗ.
Anh Tạo kể rằng, nông trường 19-5 vốn nằm trên mảnh đất, mà các cụ có câu “Nam Đắk Lắk, Bắc Phủ Quỳ”, ý nói là đất rất tốt, toàn đất đỏ bazan rất dày, vốn do núi lửa hàng trăm triệu năm trước tạo thành.
Thế nhưng, nông trường đã trồng đủ các loại cây, nhưng rốt cục, đều thất bại. Cam Vinh trồng ở Nghĩa Đàn đã tạo nên thương hiệu cộm cán, nhưng rồi, giống cam quen đất, cứ suy thoái dần, cho đến ngày chết lụi, chua loét. Nông trường nhiều chỗ bỏ hoang.
Hồi anh Tạo quyết tâm đề xuất với lãnh đạo tỉnh chuyển đất nông trường cho trang trại bò sữa TH true MILK, nhằm biến nông trường thành những trang trại kiểu Mỹ, người dân vốn được nông trường giao đất đã viết “tâm thư” rải như truyền đơn dọa giết, ném xác anh xuống sông Sào.
Và, trước cả ngàn hộ dân, vốn gắn bó với anh như người nhà, anh tuyên bố: “Bà con có thể giết tôi, nhưng tôi chỉ xin hai điều: Một là, hai năm nữa khi dự án thành công hãy giết tôi . Hai là, sau khi giết, đừng ném xác tôi xuống sông Sào, mà hãy để gia đình đưa tôi về quê Yên Thành mai táng”.
Tôi hỏi anh Tạo: “Thế tình hình sau đó thế nào hả anh?”. Anh Tạo chỉ tay về hướng những cánh đồng mênh mông, bảo: “Chỉ mấy năm thôi, cái nông trường hoang hóa này đã biến thành trang trại hiện đại nhất thế giới.
Thay vì hàng ngàn công nhân làm việc, mà vẫn lỗ, vẫn không đủ ăn, thì bây giờ chỉ cần vài chục người làm việc, cùng hệ thống máy móc tự động, đã cho hiệu quả rất cao.
Nói ra thì khó tin, nhưng mỗi héc-ta cỏ, ngô, cũng cho doanh thu từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng mỗi năm đấy nhà báo ạ. Chuyện này đúng là trong mơ, chứ không phải ngoài đời thực nữa”.
Tôi lại hỏi: “Thế công nhân nông trường và nhân dân mất đất thì sống ra sao?”. Anh Tạo bảo: “Thì họ vẫn được dành ra một khoảnh đất rộng để ở, lại có tiền đền bù mua chỗ khác rộng hơn, xây nhà khang trang hơn và thành công nhân nuôi bò, làm sữa, đâu phải vất vả nắng mưa nữa chứ”.
Đi sâu vào cánh đồng rộng vài trăm héc-ta có cánh tay tưới khổng lồ, tôi gặp một cán bộ trẻ, giới thiệu là Đinh Bá Hùng, nhân viên vận hành cánh tay tưới.
Anh Hùng bảo: “Trước đây, để tưới cho vài chục ngàn héc-ta ngô, cỏ, cao lương, cần tới cả ngàn người làm việc, nhưng ở đây chỉ cần mỗi mình em thôi.
Mà em ở đây, hay ngồi Hà Nội uống cafe với anh, thậm chí ở bên Mỹ, chỉ cần có điện thoại kết nối Internet, em vẫn vận hành được cả hệ thống máy móc tưới chuẩn mực cho hàng ngàn héc-ta cao lương, ngô, cỏ mombasa…của trang trại”.
Điều anh Hùng nói là sự thực hiện hữu trước mắt, mà tôi ngỡ như trong phim viễn tưởng.
Mỗi cánh tay tưới có chiều dài tới 500m, gồm nhiều đoạn khớp nối. Mỗi đoạn khớp có hai bánh xe, to như bánh xe ô tô tải, cùng một mô tơ vận hành và hệ thống vi tính truyền dữ liệu.
Hệ thống vi tính sẽ tính toán độ ẩm và tiến hành phun nước. Thậm chí, nếu bánh xe gặp vật cản, cánh tay sẽ co lại, hoặc nâng lên và vòi phun từ cánh tay bên cạnh sẽ điều hướng nước về phía cánh tay bị liệt để tưới giúp.
Với cánh tay dài 500m, quay một vòng 360 độ, sẽ tưới được cả triệu mét vuông, tương đương với 100 héc-ta đồng ruộng, thay thế cho cả trăm người làm việc đổ mồ hôi trong cái nắng chang chang xứ Nghệ.
Anh Hoàng Văn Tạo càng khiến tôi kinh ngạc hơn, khi bảo rằng, toàn bộ trang trại rộng cả chục ngàn héc-ta ở Nghĩa Đàn, đều được vận hành bằng máy móc, trồng theo phương pháp sạch, an toàn tuyệt đối của đất nước Israel, không phải để nuôi người, mà là để… nuôi bò.
Nói rồi, anh Tạo rủ tôi vào trang trại bò sữa TH true MILK, cách đó không xa. Anh dẫn tôi vào gặp chuyên gia dinh dưỡng người nước ngoài, để tìm hiểu về giống bò sướng như hoàng đế, ở đất nước còn nghèo này.
"Hoàng hậu" ăn 850 tấn thức ăn/ ngày
Ngôi nhà nhỏ, khá khiêm tốn, nằm ngay cạnh những tòa ngang dãy dọc là trung tâm chỉ huy, giám sát việc chế biến thức ăn. Chuyên gia dinh dưỡng Hanan Saggi, người Israel, là chuyên gia hàng đầu thế giới về thức ăn cho bò, khá gần gũi, hay chuyện.
Hanan Saggi đã ở Việt Nam được 4 năm. Hồi 26 tuổi, ông đã là giám đốc một trung tâm thức ăn cho bò ở Israel, nên đến nay, đã có mấy chục năm kinh nghiệm.
Cách đây 4 năm, Hanan Saggi đang quản lý nhà máy chế biến thức ăn cho bò sữa ở Thái Lan, thì nghe nói ở Việt Nam có một dự án nuôi bò sữa và người Việt Nam có khát vọng biến nó thành dự án hàng đầu thế giới.
Mặc dù khi đó, chưa biết Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới, nhưng Hanan Saggi đã tình nguyện là người mở đường.
Đến Nghĩa Đàn, Hanan Saggi vẫn không hết kinh ngạc, thậm chí có chút sợ hãi, bởi ông chưa bao giờ vận hành một trang trại lớn như vậy, hàng mấy chục ngàn héc-ta, với vài chục ngàn con bò sữa và tương lai là hàng trăm ngàn con.
Mặc dù ở Israel, Thái Lan, chỉ có những trang trại nhỏ, chỉ bằng một phần nhỏ trang trại TH, nhưng Hanan Saggi vẫn rất tự tin, bởi ông có quá nhiều kinh nghiệm quản lý, chế biến thức ăn cho bò. Ngoài ra, đất đai Việt Nam màu mỡ hơn Israel cả trăm lần, nên không có lý gì mà không thành công.
Hanan Saggi mời tôi vào phòng điều khiển tự động. Thật ngạc nhiên khi việc chế biến thức ăn cho bò cũng… tự động. Thật khác xa so với kiểu chăm trâu, bò ở Việt Nam, là chỉ cần thả chúng ra đồng cho tự kiếm ăn, hoặc nhốt chúng vào chuồng, rồi tống cho bó cỏ, bó rơm, như hàng ngàn năm qua.
Có tới 12 loại khẩu phần thức ăn cho bò, được máy tính tự động phối trộn. Bò mới sinh, bò đang trưởng thành, bò đang cho sữa, rồi mỗi mùa… là một khẩu phần ăn khác nhau. Có 3 loại thức ăn chính, gồm nhóm thô xanh (cao lương, ngô, rơm, ngọn mía, cỏ mombosa, cỏ alfalfa nhập khẩu…), tinh bột và khoáng chất.
Các loại thức ăn này sẽ được máy móc thu gom từ cánh đồng, đưa vào xưởng và được nghiền, cắt tại chỗ. Máy xúc sẽ đổ các loại thức ăn vào máy trộn khổng lồ.
Những chiếc máy trộn cũng là một chiếc máy tính khổng lồ, tính toán chính xác gần như tuyệt đối hàm lượng các loại. Chỉ khi các thông số về hàm lượng nguyên liệu đầu vào chính xác nó mới vận hành, còn không chính xác, nó báo về trung tâm và chỉ rõ nguyên nhân, tìm ra người làm sai quy trình.
Chuyên gia Hanan Saggi dẫn tôi vào hệ thống xưởng chế biến thức ăn. Có lẽ, dù trí tưởng tượng phong phú nhất, tôi cũng không thể mường tượng ra cảnh chăm sóc bò lại cầu kỳ như vậy.
Cả một chuỗi hệ thống máy móc chế biến, để thức ăn được dồn về khu vực phối trộn, ủ chua. Có rất nhiều “căn buồng” khổng lồ, rộng cả ngàn mét vuông, chứa đống thức ăn to như quả núi. Những “quả núi” thức ăn được ủ kín bằng tấm bạt khổng lồ, che mưa, nhưng hấp thụ nhiệt, để lên men cho thức ăn.
Hanan Saggi bốc một nắm thức ăn trộn mật mía, đã lên men, đưa lên mũi ngửi, thậm chí nhấm nháp một ít và gật gù ra vẻ hài lòng. Giời ạ, thức ăn cho bò mà cầu kỳ đến như thế, thì bò khác gì hoàng đế.
Hanan Saggi bảo: “Chỉ cần nắm cỏ, là con bò có thể sống được, thậm chí cho sữa, nhưng để chúng ra nhiều sữa và sữa sạch, chất lượng cao, thì thức ăn cho chúng phải được sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật. Thức ăn chiếm tới 70% chi phí và nó quyết định sự thành bại của dự án.
Chính vì đảm bảo và tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất thức ăn và chăm sóc bò của Israel, nên ngay năm đầu tiên, đàn bò ở trang trại TH đã cho 10.000 lít sữa/năm (trung bình 30 lít sữa/ngày), gần đạt sản lượng yêu cầu.
Tôi hỏi: “Mỗi ngày đàn bò gần 45.000 con ăn hết bao nhiêu thức ăn?”, chuyên gia Hanan Saggi cung cấp một thông tin kinh ngạc hơn nữa: “Mỗi ngày chúng tôi phải cung cấp đúng 850 tấn thức ăn.
Chính vì lượng thức ăn tiêu thụ khổng lồ như thế, nên chỉ có thể áp dụng một phần mô hình phối hợp với người nông dân thôi. Nguyên liệu đầu vào, chúng tôi phải đảm bảo tự chủ 90% và phải lên kế hoạch chi tiết trước hàng năm trời.
Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi phải xây dựng những nông trang trồng cỏ, lương thực rộng tới hàng chục ngàn héc-ta và tương lai là hàng trăm ngàn héc-ta”.
Hanan Saggi cũng tiết lộ thêm rằng, chỉ riêng tiền chi cho việc mua rơm của nhân dân quanh vùng, để bổ sung vào thức ăn cho bò, cũng lên đến 20 tỷ đồng mỗi năm. Sau này, ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch huyện Nghĩa Đàn tiết lộ một thông tin thú vị, ấy là, riêng tiền nông dân bán rơm cho đàn bò, cũng bằng một nửa nguồn thu ngân sách của huyện!
Từ chiếc máy phối trộn thức ăn tự động, thức ăn được đưa vào những chiếc xe đặc biệt, mà cái bánh của nó, cũng phải cao gấp rưỡi người lớn. Cả Việt Nam chỉ có vài chục chiếc ở đây, phục vụ đàn bò. Thùng đựng thức ăn và buồng lái xe cũng được kết nối điện tử.
Hanan Saggi cho biết, đây là xe rải thức ăn. Chiếc xe sẽ tự động phân phối thức ăn cho đàn bò theo điều khiển của trung tâm. Nếu lái xe đi nhầm luồng, tức không đúng đối tượng phục vụ, máy tính sẽ tự động khóa vòi xả thức ăn và thông báo đến lái xe. Công nghệ hiện đại nhất thế giới, có lẽ cũng chỉ đến mức thế này mà thôi.
Chỉ ước chồng chăm mình như mình đã chăm... bò
Rời trung tâm sản xuất thức ăn thức ăn, Hanan Saggi dẫn chúng tôi đến nhà máy sản xuất nước cho bò. Tiếp đón chúng tôi, là Micheal David, kỹ sư đẹp trai như tài tử điện ảnh.
Nhà máy nước khá nhỏ, nhưng công suất lên đến 3.000 mét khối/ngày. Những chiếc máy chạy ro ro, hút nước từ đập chứa nước của sông Sào để lọc thành nước tinh khiết.
Micheal David cho biết, hồi được giao nhiệm vụ sản xuất nước sạch, anh đã đi khắp Việt Nam để tìm công nghệ. Anh đã lấy nước tinh khiết nhất, mà người Việt dùng để uống trực tiếp, đem đi phân tích, song vẫn không đạt chất lượng.
Không có cách nào khác, Micheal David buộc phải làm công việc cực chẳng đã, đó là bê nguyên hai nhà máy nước, mỗi cái trị giá cả triệu USD từ Israel sang Việt Nam.
Nhà máy nước mi ni này sử dụng công nghệ lọc nước Amiad hiện đại nhất thế giới. Nước từ nhà máy chảy ra, mọi người hứng uống trực tiếp, không cần đun sôi.
Hai nhà máy nước này có nhiệm vụ sản xuất nước để… tắm cho bò! Cứ cái tiêu chuẩn ấy mà suy ra, thì đàn bò ở trang trại TH được tắm táp bằng thứ nước sạch hơn cả nước máy dùng để ăn uống của người dân Việt Nam sống ở đô thị!
Chúng tôi lên xe, chạy theo chiếc xe khổng lồ chở thức ăn cho đàn bò. Hanan Saggi bảo, cứ đúng giờ đã định, các xe chở thức ăn phải có mặt ở chuồng bò. Thức ăn được rải cho bò phải chính xác từng phút, thậm chí là từng giây. Nếu lái xe chậm 2 phút so với quy định, sẽ bị phạt nặng, thậm chí bị đuổi việc. Đàn bò ăn sai giờ, sẽ ảnh hưởng tới sản lượng sữa.
Con đường nhựa nhấp nhô trên những triền đồi, dẫn chúng tôi đến những khu chuồng trại khổng lồ, nằm dưới những thung lũng mướt mát cỏ voi, mía mật.
Xe dừng ở Trại bò sữa số 3 của Cụm trại số 1. Trại bò sữa số 3 có 15 chuồng, với khoảng gần 6.000 con bò sữa. Mỗi chuồng có đúng 500 con.
Một chị công nhân chăm bò bảo: “Ngày trước, thấy một trại có 501 con, vị chuyên gia Israel đã nhất nhất yêu cầu phải dắt một con ra ngoài. Chưa có trại mới, con bò phải đứng ngoài trời phơi nắng, phơi mưa, nhìn thương rớt nước mắt.
Em nghĩ, trại rộng cả chục ngàn mét vuông, có thêm một con hay chục con nữa cũng không chật chội gì, nhưng người nước ngoài là vậy, họ cứ đúng nguyên tắc mà làm. Làm việc với họ, ngoài kiến thức chuyên môn, còn học được tính nguyên tắc tuyệt đối”.
Điều thú vị nữa, là từ những chiếc loa hiện đại trên các cột sắt, phát ra tiếng nhạc cổ điển réo rắt, du dương. Những bản nhạc của Beethoven, Mozart khiến đàn bò có vẻ hưng phấn, thân thể đu đưa theo tiếng nhạc.
Anh Lưu Hoài Nam - Trại trưởng trại bò số 3 bảo: “Các chuyên gia Israel đã nghiên cứu kỹ và phát hiện ra rằng, nếu được nghe một số bản nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới, bò sẽ cho sữa nhiều hơn vài phần trăm”.
Bò sữa của trang trại TH được nhập khẩu từ những quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới như Úc, NewZealand, Mỹ… và đều có phả hệ rõ ràng. Và để chúng cho sữa, thì bò cái phải mang bầu và sinh đẻ quanh năm. Vì thế, tinh trùng cũng phải nhập khẩu từ giống bò cao sản.
Bọn bò sữa ở các trại được công nhân và máy móc chăm sóc chả khác gì thượng đế. Chúng được tắm táp sạch sẽ, được sấy khô, được chải lông óng mượt. Điều đặc biệt, công nhân chăm sóc bò phải ân cần, chu đáo, không được làm chúng hoảng sợ, thậm chí không được cáu gắt, mắng mỏ chúng.
Chị Lê Thị Đàn, công nhân trại bò nói vui: “Bọn em vẫn nói đùa với nhau rằng, nhìn cảnh chăm sóc đàn bò mà thấy… tủi thân. Chỉ ước được một ngày chồng chăm bẵm mình như mình chăm bò mà thôi”.
Hệ thống chuồng trại lúc nào cũng phải đảm bảo sạch bóng, không được có mùi hôi thối của phân. Hệ thống điều chỉnh nhiệt độ cũng là tự động, làm mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.
Cũng theo anh Lưu Hoài Nam, mỗi con bò được gắn một con chíp ở chân để nhận dạng, đồng thời kiểm soát các hoạt động hàng ngày. Con chíp này sẽ phát hiện ra bệnh, đặc biệt là bệnh viêm tuyến vú, bệnh thường gặp ở bò, có sức lây lan rộng và nhanh. Con chíp sẽ thông báo đến máy tính và lập tức cách ly bò bệnh khỏi đàn.
Các con chíp truyền dữ liệu liên tục về trung tâm quản lý. Hệ thống quản lý điện tử tự động sẽ cập nhật, tổng hợp, phân tích và giúp các chuyên gia đưa ra chiến lược chăn nuôi, phỏng đoán trước sản lượng sữa của bò, kế hoạch luân chuyển và kế hoạch dinh dưỡng lâu dài cho từng con bò.
Những chú bò mà thường ngày tôi chỉ nhìn thấy trên tivi, rất ngộ nghĩnh, rất biết vâng lời, khi rồng rắn đi vào hệ thống vắt sữa tự động, sau khi được tắm mát, sấy khô, lau sạch. Tiếng nhạc khiến chúng đung đưa cơ thể, tiếng máy vắt sữa chạy ro ro, hút 30-40 lít sữa từ bầu vú bò cái bơm vào hệ thống ống lạnh để chuyển ngay đến nhà máy.
Người Việt được dùng sản phẩm sữa sạch, nguyên chất tuyệt đối – đó là mong ước của người đàn bà quyền lực và bí ẩn Thái Hương, bà chủ của Ngân hàng Bắc Á và Dự án bò sữa TH true MILK.
Tổng diện tích dự án trang trại bò sữa TH ở Nghệ An là 37.000 ha. Tổng số lượng bò là 45 ngàn con (2014), tăng lên 137 nghìn con vào năm 2017, cung cấp khoảng 50% nguồn nguyên liệu sữa tươi của cả nước. Đến năm 2020 dự kiến đạt 203 ngàn con.
Hiện, trang trại bò sữa, trang trại nguyên liệu của TH, có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á. Trang trại TH là điển hình và mẫu mực về việc áp dụng công nghệ tự động vào sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm.