Nên thay giám sát trên công trình đường sắt trên cao Hà Nội

LÊ PHƯƠNG |

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Anh Thơ – Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) trong cuộc trả lời phỏng vấn PV Lao Động hôm qua (10.3).

Sau khi đọc kỳ 1 loạt bài điều tra “Công trình đường sắt trên cao Hà Nội: Thiếu an toàn, nhiều sai phạm”, ông Thơ khẳng định: Không ký hợp đồng lao động; không đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động…, công trình đường sắt trên cao với tiến độ “siêu rùa” không chỉ gây bức xúc cho nhân dân – những người tham gia giao thông mà cho cả cơ quan chức năng.

Ông Thơ cho biết: Năm 2015, Thanh tra Bộ đã tổ chức 7 đoàn thanh tra tại các dự án xây dựng.

Qua thanh tra tại 110 doanh nghiệp phát hiện 1.054 hành vi vi phạm (bình quân khoảng 10 vi phạm/1 doanh nghiệp), xử phạt vi phạm hành chính 7 doanh nghiệp với tổng số tiền là 317,625 triệu đồng.

Trong đó, có tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại 18 doanh nghiệp thi công công trình đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông. Những sai phạm được chỉ ra chủ yếu là vi phạm ATLĐ.

Về nguyên nhân của sai phạm, chủ yếu do ý thực chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng cũng như người lao động trên công trường còn hạn chế;

Trình độ chuyên môn về công tác an toàn của cán bộ an toàn tại doanh nghiệp còn hạn chế nên chưa phát hiện đầy đủ để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm của tổ đội thi công;

Quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực xây dựng chưa được hoàn thiện, còn tản mạn trong nhiều văn bản gây khó khăn cho việc tìm hiểu để thực thi.

Một số quy định về an toàn vệ sinh lao động như quy định về việc huấn luyện an toàn lao động, quy định về đo, kiểm tra môi trường lao động. không phù hợp với đặc thù của ngành;

Chi phí cho công tác an toàn, vệ sinh lao động không được tính vào đơn giá xây dựng công trình, do đó doanh nghiệp chưa chú trọng, đầu tư để nâng cao công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Thưa ông, các sai phạm như không ký hợp đồng lao động, không đảm bảo điều kiện an toàn – vệ sinh lao động,… của các nhà thầu đã vi phạm các điều khoản nào của Luật Lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động?

- Nếu các doanh nghiệp thi công tại công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông không kí hợp đồng với người lao động theo các hình thức giao kết bằng văn bản hoặc bằng lời nói nếu công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng sẽ vi phạm Điều 17, 18 Bộ Luật Lao động.

Cũng theo Điều 18, Bộ Luật Lao động, trong trường hợp công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người.

Hợp đồng lao động do người được ủy quyền giao kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động.

Về tình trạng vi phạm điều kiện an toàn - vệ sinh lao động tại công trình đường sắt cát Linh - Hà Đông, đã xảy ra vụ tai nạn, có cả những vụ tai nạn gây chết người.

Điều này các doanh nghiệp đã Vi phạm các Điều 137, 138 của Bộ Luật Lao động, trong đó quy định rõ: khi xây dựng chủ đầu tư, người sử dụng lao động phải lập phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động và môi trường và trách nhiệm cùa người sử dụng lao động phải Bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Cục An toàn lao động có kiến nghị gì với những sai phạm lặp lại, kéo dài tại công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông?

- Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư, các ban quản lý dự án phải tổ chức đánh giá đầy đủ, đúng Điều kiện về năng lực của các chủ thể tham gia xây dựng công trình, đảm bảo triển khai đầy đủ các biện pháp an toàn trên công trường mới cho phép thi công.

Tập trung kiểm tra hoạt động kiểm định đối với các thiết bị nâng hạ trong các công trình; thanh tra, kiểm tra việc sử dụng lao động đúng điều kiện, tiêu chuẩn, đào tạo, huấn luyện đối với người vận hành và kiểm tra các biện pháp thi công có đảm bảo tuân thủ các quy định an toàn đã quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật an toàn.

Với các nhà thầu thi công, phải tổ chức lập biện pháp quản lý rủi ro trong suốt quá trình thi công, thi công phải đảm bảo an toàn cho cả người lao động và người dân xung quanh.

Các bộ quản lí chuyên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát và các chủ đầu tư và xử lý các sai phạm các quy định về an toàn thi công, an toàn lao động tại các công trình.

Về địa phương, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra và cương quyết xử lý những sai phạm về công tác an toàn thi công, an toàn lao động tại các công trình một cách nghiêm khắc hơn.

Chúng tôi kiến nghị với Chính phủ cần thiết có quy định các cơ quan quản lý có thể chỉ định các cán bộ quản lý nhà nước hoặc các tổ chức khác có đủ điều kiện thay mặt giám sát an toàn thi công trên các công trình có nguy cơ cao về các tai nạn, sự cố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại