Giấc mơ xe rẻ: Xa vời!
Khi gia nhập TPP, nhiều người tiêu dùng Việt háo hức sẽ mua được ô tô ngoại giá rẻ nhưng trên thực tế không phải như thế!
Theo phân tích của các chuyên gia: Điều trước tiên, người dùng nên biết là TPP chỉ đưa thuế suất nhập khẩu về 0 đối với hàng hóa nhập từ các nước tham gia hiệp ước như ô tô từ Mỹ và Nhật chẳng hạn.
Tuy nhiên, quy định các loại thuế khác trong nước vẫn là quyền của từng chính phủ, căn cứ vào điều kiện cụ thể của quốc gia mình.
Tại Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt đã được tính toán lại như trong Nghị định 108/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt vừa mới được ban hành.
Trong đó có quy định mới về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt chính thức có hiệu lực. Ô tô Việt sẽ lại phải đối mặt với nguy cơ tăng giá ngay từ đầu năm 2016.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tp.Hà Nội cho biết: Trước đó, Nhà nước đánh thuế theo 2 mảng khác nhau: Mảng nhập khẩu và mảng bán xe.
Những đơn vị khập khẩu nguyên chiếc, lãi rất cao còn những doanh nghiệp lắp ráp trong nước chịu nhiều thứ thuế khác nhau nên khi bán ra, phần lãi rất ít.
Theo cách tính mới của Nghị định 108, xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ được tính lại thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trước thuế này được tính trên giá CIF cộng với thuế nhập khẩu thì nay khi lộ trình về 0 sẽ là giá CIF, cộng với thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, chi phí quảng cáo, lợi nhuận … rồi mới tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Do đó, theo tính toán sơ bộ, giá bán lẻ của nhiều loại ô tô có khả năng sẽ tăng thêm 15-30%.
“Bây giờ sẽ đánh đồng, thuế VAT đánh theo giá bán trong nước chứ không căn cứ vào giá nhập khẩu nữa vì tới đây, khi gia nhập TPP, thuế nhập khẩu sẽ tiến dần tới 0.
Điều này đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp và khuyến khích, thực hiện chiến lược phát triển ô tô trong nước” – ông Liên nói.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tp.Hà Nội cho rằng: Nghị định này được dư luận đồng tình.
Bởi “không có kiểu nhập khẩu nguyên chiếc bán lãi và đánh thuế ít còn trong nước thì cao. Các nhà sản xuất ô tô trong nước rất hoan nghênh” – ông nhấn mạnh.
Với việc tăng thuế này, Bộ Tài chính sẽ có thêm một nguồn thu không nhỏ vào ngân sách nhà nước.
“Đây là sự điều tiết về kinh tế đối với các thành phần thu nhập khác nhau, để đảm bảo thu nhập cho nhà nước phục vụ cho cộng đồng.
Đây cũng là một biện pháp về kinh tế nhằm điều tiết mật độ giao thông vì không khuyến khích tăng số lượng ô tô cá nhân” – ông Liên nhấn mạnh.
Ông dự đoán: Tới đây, không chỉ thuế tiêu thụ đặc biệt, Nhà nước có thể sẽ còn đánh thuế hạ tầng, đi vào nội đô, đi vào nơi chật hẹp, thuế sẽ rất cao.
“Tôi nghĩ ô tô gia đình, ô tô con là dành cho người thu nhập cao…
Tôi cho rằng, giấc mơ của người Việt nên là: Làm thế nào để năng suất lao động cao để thu nhập của người dân tăng lên chứ chưa nên tiêu xài như những nước có năng suất lao động tốt, làm ra của cải vật chất nhiều.
Giấc mơ về ô tô là hão huyền thôi”.
Theo ông Liên, không nên biến “giấc mơ của người giàu” thành giấc mơ chung của đại đa số người Việt bởi nó quá cách xa với thu nhập của người dân hiện nay.
Hoãn giảm thuế tiêu thụ, giá ô tô vẫn cao
Theo số liệu khảo sát từ Bộ Tài chính, so với 9 nước Asean, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 ở Việt Nam là 45%.
Con số này cao hơn so với mức trung bình của 4 nước: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan.
Trước đó, Bộ Tài Chính đã trình Chính phủ phương án giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt từ 20-25% so với mức hiện hành đang áp dụng là 45% đối với các dòng xe ưu tiên phát triển có dung tích thấp dưới 2.000 cm2.
Đồng thời, đề xuất tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với những xe có dung tích 2.000 - 3.000 cm3 lên 55-60% và trên 3.000 cm3 lên 110-130%.
Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe dung tích nhỏ và tăng thuế với các “siêu xe” nhiều lần được lãnh đạo Bộ Tài chính lý giải là nhằm mục đích người dân có thu nhập trung bình cũng có điều kiện mua xe và tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Cùng với việc TPP được ký kết, mốc 2018 đến gần với viễn cảnh thuế nhập khẩu xe hơi trong khu vực ASEAN về mức 0%, nhiều người dân Việt đã khấp khởi mừng thầm vì có thể mua ô tô ngoại giá rẻ.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Ước mơ xe của người dân Việt Nam vẫn rất xa vời. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, trong chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII mới được Văn phòng Quốc hội điều chỉnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế đã không còn nằm trong danh sách biểu quyết thông qua tại kỳ họp lần này.
Dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp năm sau vào tháng 3/2016.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính chia sẻ: Tháng 10 vừa rồi, dự định Quốc hội sẽ thông qua một số điều về thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô nhưng cuối cùng lại hoãn.
Như vậy, giá ô tô trong nước vẫn “án binh bất động”, giá ô tô nhập khẩu vẫn tăng.
“TPP 2 năm sau mới có hiệu lực. Người Việt Nam không bao giờ dám mơ: Giấc mơ xe rẻ. Hạ tầng như vậy, thuế như vậy mà chiến lược phát triển công nghệ ô tô như thế.
Ít nhất dung lượng phát triển hàng triệu xe/năm mới sản xuất được hàng phụ trợ, còn ở Việt Nam, hàng năm chỉ sản xuất được 100.000-200.000 xe thì không có nghĩa lý gì” – chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.
Vị này nhấn mạnh: “Ước mơ xe của người dân Việt Nam vẫn rất xa vời vì lời nói không đi đôi với việc làm. Hơn nữa, hiện nay, Nhà nước chưa khuyến khích sử dụng xe ô tô.
Trong hiệp định, hướng phát triển chiến lược ô tô khuyến khích sử dụng xe dung tích thấp, có nghĩa là dưới 2.0.
Sắp tới hội nhập, thuế nhập khẩu sẽ bỏ (tức là trở về 0%), bây giờ Nhà nước chỉ còn đánh vào thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vấn đề chính hiện nay là: Các doanh nghiệp liên doanh dọa sẽ không mua của Việt Nam nữa, chủ yếu là để nhập. Trong khi, nhập mà đánh thuế ấy thì lại vấn đề khác nữa!” – ông Long lưu ý.
Nhiều ý kiến thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng cho rằng, đề xuất giảm mạnh thuế như trên của Bộ Tài chính có thể giết chết ngành công nghiệp ô tô trong nước khi tạo cơ hội lớn cho xe nhập khẩu tràn vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc giảm sâu thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe dưới 9 chỗ có thể khiến tiêu dùng bùng nổ trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế.
Thêm vào đó, nhiều Đại biểu cũng đề nghị không nên chia nhỏ để áp thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe ôtô có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống và dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3.
Đồng thời, các Đại biểu còn đề nghị áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thống nhất đối với dòng xe này.