Gần trọn tuần lễ, chúng tôi được làm “ngư dân VIP” trên con tàu vỏ thép lưới vây hiện đại bậc nhất miền Trung. Giữa bao la trời biển, con tàu thép Sang Fish 01 mạnh mẽ dàn “trận địa cá” trên từng lớp sóng dập dồn giữa vùng biển Bắc Bộ, Hoàng Sa…
Dàn trận vây cá
Đêm! Thuyền trưởng Lê Văn Sang (30 tuổi, Hải Châu, Đà Nẵng) hướng ánh mắt ra vùng biển khơi, nhấn ba hồi còi báo hiệu.
Con tàu dài hơn 25 m, rộng gần 8 m nhẹ nhàng lách qua dãy dài những con tàu gỗ neo đậu nơi âu thuyền cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) trực chỉ Hoàng Sa.
Điện sáng trưng khắp bốn mạn thuyền. Vừa ra khỏi cửa vịnh, những lớp sóng xô dồn vây hãm, như “thử lửa” tàu thép mới. Thuyền trưởng trẻ lắc nhẹ tay lái đánh mũi tàu xé toạc từng lớp sóng bạc đầu, xuyên đêm đến vị trí toạ độ 17 độ 32 phút Bắc - 108 độ 20 phút Đông, cách Đà Nẵng chừng 84 hải lý.
“Tọa độ vàng”, cá đầy bên dưới đó!”, anh Phan Bé (41 tuổi, Đức Phổ, Quảng Ngãi) đồng chủ tàu Sang Fish 01, chỉ tay về chiếc máy dò cá, lích nhích những vệt vàng báo hiệu luồng cá ở độ sâu chừng 30-45 m.
“Nước chảy xiên, 2 lý giờ, tốt!”- Sang phát lệnh: “Tắt đèn, thả mành, tất cả vị trí sẵn sàng làm nhiệm vụ!”. Lập tức các vị trí trụ tời cẩu, be mạn trái thuyền, thả chì, bủa lưới đều có hơn 20 thuyền viên trực sẵn.
Tàu Sang Fish 01 phô trương “sức mạnh thép” trên lớp sóng xô dồn giữa biển trời đêm, bắt đầu “dàn trận” vây cá.
Hai dàn đèn tắt ngủm. Phùng Vinh Hải (32 tuổi, quê Thăng Bình, Quảng Nam) nhảy gọn vào chiếc mành nhỏ
Gần 30 năm đi biển, ngư dân Hồ Văn Đức (Thăng Bình, Quảng Nam) vui vẻ nói: “Đi biển mà như ở nhà, tàu đầy đủ tiện nghi, thoáng đãng và đặc biệt rất an toàn.
Giá như toàn bộ đội tàu vỏ gỗ của ngư dân mình được chuyển đổi sang vỏ sắt thì ngư dân thực sự yên tâm, bám ngư trường, giữ chủ quyền Hoàng Sa”.
cột chặt phía đuôi. Nhanh thoăn thoắt, anh Hải giật dây, phát điện tạo điểm sáng quy nhất giữa biển đêm. Mọi ánh mắt tập trung về tay chèo của Vinh Hải.
Cánh bạn thuyền đồ anh là “dị nhân” dụ mành, bởi tay chèo chắc và khả năng dụ cá vào gọn trong lưới vây tàu thép ít ai có được.
“Chạy mành cần sức khỏe, dẻo dai đặc biệt là khả năng phán đoán luồng cá linh hoạt. Ăn thua cũng ở lão Hải này”, Sang nói. Hải căng mắt nhìn giữa làn nước xanh đen, phán đoán đúng từng vị trí tăm cá (bong bóng hơi). “Tăm càng dầy, cá càng nhiều”, anh Hải nói.
Hơn nửa tiếng đồng hồ dán mắt theo chiếc mành dụ cá, vừa thấy Hải nhá đèn ra hiệu, thuyền trưởng Sang hụ hồi còi phát lệnh bủa lưới.
Dọc be chắn sóng, các thuyền viên tuần tự thả lưới như dây chuyền tự động. Sải lưới 1 nghìn m, sâu 170 m cứ thế tuôn tràn xuống lòng biển.
Sang nhẹ nhàng rồ ga, đánh mũi tàu khép vòng lưới vây, như một trận địa vây cá khổng lồ, “tả xung hữu đột”. Máy trưởng Tống Văn Tương (Quảng Bình) trực sẵn bộ phận tời chính.
Chiếc ròng rọc kéo căng cứng, tời những sải lưới trĩu nước lên boong thuyền. Cả góc biển đêm sôi động, theo điệu hò kéo lưới, tiếng máy tời rầm rập.
“Tọa độ vàng”
Mưa bất ngờ tạt mạnh, cả tàu miệt mài kéo lưới. Sải lưới cuối cùng dần khép lại, cá nhảy lao xao. một tạ, hai tạ, ba tạ… Con tàu như chao nghiêng theo từng sức nặng mẻ cá. Theo Sang, ở những “tọa độ vàng” này, máy dò báo đến chừng 10-15 tấn.
Con tàu Sang Fish 01 vừa trang bị máy tầm ngư nhập “zin” từ Nhật về với giá 1,6 tỷ đồng thuộc dòng hiện đại nhất so với thiết bị ngư cụ Việt Nam, quét chiều dài mặt biển, đánh giá chính xác trữ lượng cá.
Anh Bé tự hào: “Với tàu vỏ thép này, việc vây cá giữa Hoàng Sa có thể làm cả ngày lẫn đêm. Ban ngày, các ngư dân chỉ cần phát hiện gốc cây lâu năm dập dềnh trên mặt biển sẽ báo hiệu luồng lạch cá bên dưới.
Về đêm, tàu sẽ trong đèn cao áp để dụ cá. “Nghề lưới vây đòi hỏi kỹ thuật đánh bắt công phu, nhịp nhàng giữa sức người và máy móc, đặc biệt là máy tời.
Khá vất vả nhưng là nghề dễ “hái” ra tiền với những chuyến hải trình bạc tỷ”, anh Sang nói. Biển càng lặng, nước chảy nhẹ, đánh lưới vây càng thuận lợi.
Chưa đầy bốn tháng hạ thủy trong năm 2014, con tàu Sang Fish 01 thực hiện nhiều hải trình nghề lưới vây và dịch vụ hậu cần. Sau những mẻ đầu gặp sự cố, con tàu vận hành ổn định hơn.
Thuyền trưởng Sang trực tiếp đánh lái con tàu ngang - dọc khắp các vùng biển Bắc Bộ đến những “tọa độ vàng” Hoàng Sa và ra cả lân cận Trường Sa.
Nhiều ngư dân trúng mẻ 30-40 tấn cá, anh Sang kỳ vọng con tàu vỏ thép Sang Fish 01 lập kỷ lục “săn” mẻ cá 50 tấn trong chuyến biển đầu năm mới.
Ngư dân “VIP”
Người gầy cao, Sang chạy như con thoi khắp các vị trí trên tàu Sang Fish 01 đang hoạt động giữa biển.
Tốt nghiệp trường CĐ về Marketing và quản lý khách sạn ở TP Hồ Chí Minh, Sang từng chọn hướng kinh doanh, mở công ty tổ chức sự kiện nhưng cơ duyên đưa anh về gắn bó với nghiệp ngư phủ truyền thống của gia đình.
Tình cờ theo cha Lê Mến đi biển, Sang quyết định “đánh cược” với biển cả. Sang mạnh dạn nâng cấp tàu cũ, mua thêm tàu cá, đóng tàu mới và trang bị thêm các xe cấp đông, tạo thành mô hình tổ đội hậu cần lần đầu tiên của Đà Nẵng.
Năm 2012, Sang làm cả vùng biển Đà Nẵng kinh ngạc khi hạ thủy con tàu hậu cần ĐNa 90444 gần 1.200 CV (sau nâng cấp 1.300 CV) “khủng” nhất trong các đội tàu hậu cần miền Trung.
Không dừng lại, Sang cùng anh vợ Phan Bé hăng hái đăng ký triển khai tàu vỏ thép, hạ thủy tháng 8/2014.
Con tàu trang bị hệ thống ngư lưới cụ hiện đại: Rada, máy dò, định vị, bộ đàm liên lạc. Các thông số hiển thị cụ thể từng mực nước, hướng sóng, vị trí và tốc độ di chuyển của tàu. Chẳng thiết bị nào,Sang không làu làu tính năng.
“Tàu hiện đại, mình phải làm chủ công nghệ mới có thể phát huy hết hiệu quả được”, Sang nói. Tàu bố trí khoang thuyền viên, thuyền trưởng, nhà ăn, vệ sinh, khu phơi đồ, ngăn trữ cá hiện đại…
Khác hẳn với tàu gỗ, tàu vỏ thép sạch sẽ, thoáng đãng không vương mùi xăng dầu, mùi cá đặc trưng.
Ngư dân Nguyễn Công Nhất (32 tuổi, Thăng Bình, Quảng Nam) hào hứng: “Tàu có nhà vệ sinh thoải mái, anh em không phải “vệ sinh” giữa biển trời, nguy hiểm khó lường”.