Ngày 6-10-2014, bà Lê Thị Nghi (64 tuổi, ngụ phường Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi) bị đau khớp, đi lại khó khăn. Nghe một số người giới thiếu, bà đến nhà ông Phạm Nên (63 tuổi, ngụ thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bốc 9 thang thuốc nam. Sau khi uống, bà Nghi có biểu hiện khó thở, chóng mặt. Vài ngày sau bà bị nặng hơn và được gia đình đưa đi Đà Nẵng chữa trị. Tại đây, bà Nghi được các bác sĩ chẩn đoán bị suy gan trầm trọng. Đến ngày 11-10, bà tử vong.
Ngày 6-10-2014, bà Lê Thị Nghi (64 tuổi, ngụ phường Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi) bị đau khớp, đi lại khó khăn. Nghe một số người giới thiếu, bà đến nhà ông Phạm Nên (63 tuổi, ngụ thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bốc 9 thang thuốc nam. Sau khi uống, bà Nghi có biểu hiện khó thở, chóng mặt. Vài ngày sau bà bị nặng hơn và được gia đình đưa đi Đà Nẵng chữa trị. Tại đây, bà Nghi được các bác sĩ chẩn đoán bị suy gan trầm trọng. Đến ngày 11-10, bà tử vong.
May mắn thoát chết trong gang tấc, bà Nguyễn Thị Hường (49 tuổi, ngụ TP.Quảng Ngãi) vẫn không thể tin mình dại dột uống thuốc của thầy lang vườn mà không cần biết ông ta có chứng chỉ hành nghề. “Tôi bị đau khớp hơn chục năm nay nhưng chữa hoài không khỏi nên nghe ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay là tìm đến thôi, chứ không quan tâm người ta có chứng chỉ hành nghề hay không. Giữa tháng 9 vừa rồi tôi tìm đến thầy lang Vân bốc thuốc uống nhưng ngay sau đó phải nhập viện”, bà Hường chua xót kể lại.
Ngoài bà Hường còn có bà Trần Thị Hải (50 tuổi, ngụ TP.Quảng Ngãi) cũng phải nhập Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng sau khi dùng thuốc thầy lang Đỗ Văn Vân (ngụ xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi). Ngoài ra còn một số người khác cũng được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi sau khi dùng thuốc của thầy lang Vân. Cả bốn người này sau khi dùng thuốc đều có dấu hiệu sốt cao, ăn uống kém, khó thở, chướng bụng, men gan tăng cao bất thường... Một số người lục phủ ngũ tạng bị nhiễm những chất lạ, lọc máu của gan rất kém, da khắp người nổi mẩn đỏ...
Cả hai thầy lang Phạm Nên và Đỗ Văn Vân đều không được đào tạo qua trường lớp y học hay có chứng chỉ hành nghề, chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân đã bốc thuốc cho nhiều người trong thời gian dài. Đặc biệt, tại cơ sở bốc thuốc của ông Vân (khiến 4 người nhập viện) bán đủ các loại thuốc thang, cao dán...
Ở Quảng Ngãi, không quá khó để tìm ra một cơ sở hành nghề y tại gia mà không hề có chứng chỉ hành nghề. Phải thừa nhận rằng các cơ sở này có thể tồn tại lâu dài được là do sự cả tin của nhiều người với những lời đồn thổi. Ông Nguyễn Thái Sơn, Chánh Thanh tra Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: Căn cứ vào Nghị định 176 của Chính phủ về quản lý hành nghề y dược, cơ sở của ông Phạm Nên và Đỗ Văn Vân đã vi phạm hành vi hoạt động không có chứng chỉ hành nghề. Do đó, chúng tôi đã xử phạt hành chính mỗi cơ sở 30 triệu đồng.
Sở y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng y tế ra quân kiểm tra, xử phạt các cơ sở hành nghề y tự phát; đồng thời khuyến cáo người dân cần đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị, tránh nghe theo lời đồn thổi về phương pháp chữa bệnh không khoa học hoặc tìm đến những địa chỉ thiếu tin cậy, có thể rước họa vào thân.