Máy bay Hãng AirAsia mất tích: Chuyên gia khuyên gì cho hàng không Việt?

Hoàng Đan |

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Đình Bá, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, vụ tai nạn của hãng hàng không AirAsia chính là một bài học sâu sắc cho chúng ta.

Liên quan đến vụ việc chiếc máy bay Airbus A320 - 200 mang số hiệu QZ 8501 của hãng hàng không AirAsia mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu, trao đổi với chúng tôi, phi công Nguyễn Thành Trung cho biết, ông đang theo dõi liên tục các thông tin.

"Đến giờ này, các thông tin cụ thể về chiếc máy bay vẫn chưa rõ ràng nên tôi không thể nói gì hơn ngoài gửi lời chia sẻ đến thân nhân và cầu chúc sự bình an đến hành khách, phi hành đoàn" - nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines bày tỏ.

Là một bài học để chúng ta rút kinh nghiệm

Cùng quan điểm đó, ông Trần Đình Bá, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho biết, ông đã nghe về thông tin máy bay mất tích và cảm thấy rất buồn.

Ông chia sẻ: "Liên tục trong thời gian qua, các sự cố xảy ra đối với ngành hàng không từ MH17, MH370... đã khiến không chỉ tôi mà mọi người đều cảm thấy đau xót.

Giờ đây, khi nghe tin về việc lại một máy bay của hãng AirAsia mất tích càng làm cho tôi cảm thấy buồn hơn".

Cũng theo ông Bá, hiện các thông tin cụ thể về sự mất tích của chiếc máy bay cùng hành khách, phi hành đoàn đang được lực lượng chức năng của các nước tiến hành làm rõ.

Ở đây, chúng ta cũng chưa thể nói được điều gì cũng như đưa ra bất cứ nhận định nào cả. Mọi vấn đề sẽ phải cần thời gian để các cơ quan chức năng điều tra cụ thể.

Chúng ta chỉ có thể gửi lời chia sẻ, động viên đến thân nhân các hành khách và mong sao mọi sự tốt đẹp sẽ đến.

TS Trần Đình Bá.

Ông Trần Đình Bá.

Đồng thời, ông Bá cũng nhìn nhận, với hàng không Việt Nam, tuy chưa để xảy ra các sự cố lớn nhưng vụ việc này cũng là một bài học để chúng ta cần phải rút kinh nghiệm.

"Vấn đề an toàn hàng không là vấn đề luôn luôn phải được đảm bảo hàng đầu. Trong đó, vấn đề về chất lượng máy bay, giờ bay luôn được quốc tế coi trọng.

Qua sự cố này, Việt Nam chúng ta cũng cần rút ra bài học về việc đảm bảo an toàn hàng không, thường xuyên kiểm tra các máy bay.

Đồng thời, phát triển các phương tiện bay để đảm bảo máy bay luôn mới và giờ bay phải an toàn" - ông Bá nhấn mạnh.

Gia đình của các hành khách trên chuyến bay QZ 8501 của AirAsia chờ đợi tin tức của người thân tại sân bay Juanda ở Surabaya (Indonesia) - Ảnh: Reuters

Gia đình của các hành khách trên chuyến bay QZ 8501 của AirAsia chờ đợi tin tức của người thân tại sân bay Juanda ở Surabaya (Indonesia) - Ảnh: Reuters

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam chưa nhận được yêu cầu hỗ trợ nào từ phía Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Indonesia và Singapore.

Tuy nhiên, phía hàng không Việt Nam sẽ sẵn sàng công tác hỗ trợ tìm kiếm máy bay AirAsia mất tích bất cứ khi nào có yêu cầu.

Ông Thanh cũng cho hay, vì thông tin vụ việc còn đang được các nước tiến hành điều tra, làm rõ, nên chưa thể nói qua đây rút ra được bài học gì cho hàng không Việt Nam.

"Tuy nhiên, trong năm qua, chúng tôi đã và đang tiếp tục tiến hành rất mạnh mẽ công tác đảm bảo an toàn, đảm bảo kỹ thuật đối với ngành hàng không. Đây là yếu tố đầu tiên của việc đảm bảo chất lượng dịch vụ" - ông Thanh nói.

Theo Bộ Giao thông Indonesia, trên máy bay mất tích của hãng hàng không AirAsia sáng sớm 28/12, có tổng cộng 162 người.

Trên chuyến bay có 2 phi công, 4 tiếp viên và 1 kỹ sư trên máy bay, 155 hành khách gồm 138 người lớn, 16 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh.

Trong đó có 156 người Indonesia, 3 người Hàn Quốc, 1 người Singapore, 1 người Malaysia và 1 người Anh. Cơ trưởng của chuyến bay này đã thực hiện 6.100 giờ bay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại