Liên quan đến sự cố kỹ thuật tại Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài tại Tp Hồ Chí Minh vào ngày 20/11, trả lời tại buổi họp báo vào chiều 21/11, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng. Sự cố này xảy ra lúc 11 giờ 5 phút dẫn đến Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh) mất năng lực cung cấp dịch vụ bay.
"Đây là sự cố kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Tại thời điểm xảy ra sự cố có 54 tàu bay trong khu vực chịu trách nhiệm của ACC/HCM trên tổng số 92 tàu bay bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra sự cố. Nhiều tàu bay trong Vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh và các Vùng thông báo bay Hà Nội, Sanya, Pnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn cất cánh tại sân, quay trở lại hạ cánh sân bay khởi hành, hạ cánh tại sân bay dự bị", ông Thanh nhấn mạnh.
Nguyên nhân trực tiếp do hỏng bộ lưu điện (UBS). Bộ lưu điện này theo thiết kế có thể cấp điện cho cả 3 hệ thống. Ông Thanh cho biết ngày hôm qua UBS đã bị sập, ngắt điện cả 3 nguồn cấp cho hoạt động điều hành bay.
"Điện lưới vẫn có nhưng điện cung cấp cho hệ thống điều hành bay bị mất điện, làm mất năng lực điều hành bay trong khoảng thời gian 35 phút. Sân bay Tân Sơn Nhất không còn khả năng tiếp thu, tiếp nhận. Đến 11 giờ 40 phút ngày 20.11 các hệ thống thiết bị điều hành bay đã bắt đầu phục hồi trở lại. Đến 15 giờ 40 phút có 2/3 thiết bị lưu điện hoạt động trở lại", ông Thanh cho hay.
Trong thời gian 35 phút xảy ra sự cố, ông Thanh đánh giá điều hành bay ở Tân Sơn Nhất đảm bảo tuyệt đối an toàn.
ACC/HCM đã xử lý tốt tình huống sự cố. Ngay khi xảy ra sự cố, lãnh đạo Công ty Quản lý bay miền Nam đã trực tiếp chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay thực hiện phương án ứng phó không lưu, triển khai hiệp đồng với các ACC lân cận và các sân bay của Việt Nam.
"Thậm chí dùng phương pháp cổ điển, không radar để điều hành 8 chuyến bay hạ cánh an toàn", ông Thanh chia sẻ.
Đồng thời phối hợp với các vùng FIR khác để điều hành các chuyến bay có liên quan, đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay, không để xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hoạt động bay.
"Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty quản lý bay Việt Nam tạm thời đình chỉ nhân viên kỹ thuật, Kíp trưởng kíp trực nguồn điện để phục vụ công tác điều tra sự cố. Cục Hàng không cũng đã thành lập đoàn điều tra sự cố để tổ chức xác minh, điều tra, làm rõ nguyên nhân, đề xuất các biện pháp để đảm bảo an toàn hoạt động bay, báo cáo trước ngày 29/11", ông Thanh nói.
Đồng thời, để đảm bảo an toàn bay, Cục hàng không Việt Nam cũng đã chỉ đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tiến hành ngay việc rà soát công tác bảo đảm kỹ thuật của hệ thống duy trì nguồn điện; quy trình vận hành hệ thống thiết bị, quy trình ứng phó kỹ thuật nhằm loại trừ nguy cơ xảy ra sự cố tương tự và nâng cao bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống thiết bị điều hành bay; Rà soát, đánh giá chi tiết toàn bộ diễn biến sự việc về thực hiện phương án ứng phó không lưu; xây dựng phương án, kịch bản để huấn luyện, đào tạo.
Trước câu hỏi về thiệt hại do sự cố mất điện gây lên, ông Lại Xuân Thanh cho rằng chưa thể tính hết thiệt hại kinh tế của sự cố trên “chúng tôi xin khất tính thiệt hại cụ thể, vì việc tính toán ra tiền cũng không phải là dễ”