Lấy 1 triệu USD của ai để bồi thường khi dừng đăng cai Asiad?

Việt Văn |

(Soha.vn) - Luật sư Trần Quốc Thuận khẳng định, việc xin rút không đăng cai Asiad 18 là đúng, hợp lòng dân. Tuy nhiên, nếu phải bồi thường thì lấy tiền ai bồi thường?.

Sau khi thông tin Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng đăng cai Asiad 18, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội cho rằng việc này không có gì phải bàn thêm, bởi những ngày qua, báo chí đã nói nhiều và ủng hộ nhiều về quyết định này.

Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng việc rút đăng cai Asiad 18 là đúng nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm nếu ta phải bồi thường tiền tỉ?
Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng việc rút đăng cai Asiad 18 là đúng nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm nếu ta phải bồi thường tiền tỉ?

Nhưng ông thắc mắc: “Trước khi đi đăng ký chúng ta có chuẩn bị thật kĩ chưa để đến nay khi báo cáo lên Thủ tướng thì đề án còn nhiều bất cập? Chúng ta có lường trước được những khó khăn, có xem nguồn lực có những gì mà lại đi đăng kí đăng cai? Trong khi nền kinh tế chúng ta vẫn còn đang khó khăn, cuộc sống người dân nhiều nơi vẫn còn đang rất khổ….”

Luật sư Trần Quốc Thuận nhấn mạnh: “Bây giờ rút mà phải bồi thường thì trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về ai? Lấy 1 triệu USD của ai để đi bồi thường? Đến lúc này vẫn chưa thấy xác định trách nhiệm của những người liên quan trong vụ này. Bởi chúng ta nói xin rút không có nghĩa là không mất tiền bồi thường”.

Ông cho rằng, việc dừng lúc này chúng ta sẽ tiết kiệm được một số tiền rất lớn, đem số tiền đó đầu tư có trọng điểm và dứt điểm những vấn đề sau:

Trước nhất, cần xây dựng thêm những bệnh viện hiện đại và chăm lo cho bệnh viện, để làm sao cho hết cảnh thiếu giường, không còn cảnh một giường bệnh mà gánh 3, 4 bệnh nhân. Cần tăng cường trang thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn cho bác sĩ để chăm lo sức khỏe cho người dân ngày một tốt hơn.

Luật sư Thuận đưa ra dẫn chứng: “Hàng năm người Việt mình đi ra nước ngoài trị bệnh nhiều lắm, chúng ta phải tiêu tốn hàng tỉ đô la để đem tiền ra nước ngoài điều trị, mặc dù trình độ các bác sĩ ở trong nước vẫn không thua gì ở nước ngoài. Đó là sự lãng phí quá lớn. Nếu chúng ta tập trung đầu tư cho bệnh viện thì sẽ hạn chế được thực trạng trên, tiết kiệm được một số tiền lớn “tuồn” ra nước ngoài.”

Thứ hai, nên dùng số tiền đó đầu tư xây dựng cầu, đường ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc, ở nơi đó mọi thứ điều còn rất khó khăn. Ông chỉ ra thực tế nếu chúng ta đầu tư xây dựng cầu thì vừa rồi người dân không phải đi qua sông suối bằng túi nilong, phải đu dây qua sông. Vẫn còn nhiều trẻ em phải học dưới những mái trường dột nát, thiếu thốn trăm bề.

"Nếu chúng ta là những người có trách nhiệm, tại sao không thấy những điều đó, mà phải "đòi" đăng cai Asiad 18 cho bằng được? Chúng ta thừa hiểu rằng, nếu tổ chức đăng cai thì sẽ tốn kém mà hiệu quả mang lại không lớn. Nhiều nước có nền kinh tế giàu hơn ta nhiều mà còn từ chối đăng cai Asiad, thì tại sao ta lại muốn đăng cai cho bằng được? Phải chăng có "lợi ích nhóm" ở đây?", ông Thuận nhấn mạnh.

Do đó, theo ông, nên sử dụng số tiền trên để chăm lo cho hai vấn đề trên là quan trọng hơn việc chúng ta đăng cai tổ chức Asiad 18. Việc tham gia đại hội thể dục thể thao là tốt, đúng với chủ trương của Nhà nước, nhưng thực tế không phải lúc này, bởi việc quan trọng cần làm vẫn là chăm lo cuộc sống cho người dân trước.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại