"Bí mật" SVĐ Mỹ Đình: Không đủ điều kiện cho ASIAD 18!

Có một bí mật chuyên môn rất ít người biết là SVĐ quốc gia Mỹ Đình không đủ điều kiện để tổ chức những giải điền kinh quốc tế nếu giữ nguyên hiện trạng như hiện nay.

Đề án tổ chức ASIAD 18 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trình lên chính phủ để xin chủ trương đăng cai Asian Games năm 2019 được dự toán với kinh phí siêu tiết kiệm 150 triệu USD chủ yếu là nhờ tận dụng đến 80% cơ sở vật chất có sẵn hồi tổ chức SEA Games 22.

Một trong những cơ sở vật chất được tận dụng là sân vận động quốc gia Mỹ Đình với sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi sẽ làm trung tâm của Đại hội ASIAD 18. Đề án của Bộ VH-TT&DL chỉ nói tận dụng SVĐ Mỹ Đình theo đúng hiện trạng bây giờ chứ không đề cập gì đến việc nâng cấp.

Đây chính là điều lập lờ của những người đã “vẽ” ra đề án kéo ASIAD 18 về Việt Nam. Lâu nay những người làm chuyên môn thể thao và đặc biệt là môn điền kinh ở Việt Nam đều biết rất rõ SVĐ Mỹ Đình không đáp ứng tiêu chuẩn tổ chức các giải điền kinh vì ở đây thường xuyên có gió thổi mạnh.

Theo quy định của Liên đoàn điền kinh thế giới và Olympic, thành tích của một số nội dung của môn điền kinh thi đấu ngoài trời (chủ yếu là các môn chạy cự ly ngắn) thành tích không được công nhận nếu VĐV chạy trong điều kiện gió xuôi lớn hơn 2m/s.

SVĐ Mỹ Đình được xây theo trục dọc Bắc-Nam song song với trục đường Lê Đức Thọ (Từ Liêm) tương ứng với 2 mặt khán đài C và D. Theo thiết kế ban đầu, 2 khán đài C-D chỉ có chiều cao 8,4m; trong khi 2 khán đài A-B (hướng Tây-Đông) có chiều cao 25,8m. Vì nằm trên một vùng đất bằng phẳng và trống trải nên SVĐ Mỹ Đình luôn có gió lớn thổi qua theo trục dọc Bắc-Nam do mặt khán đài C-D quá thấp.

Năm 2003 khi tổ chức môn điền kinh ở SVĐ Mỹ Đình cũng vì lý do gió lớn mà một số thành tích VĐV Việt Nam không được công nhận là kỷ lục. Ví dụ: VĐV Nguyễn Thị Tĩnh đoạt HCV với thành tích 23 giây 16 không được công nhận phá kỷ lục SEA Games (23 giây 30) do hôm đó tốc độ gió xuôi lên đến 4,2m/s.

VĐV Nguyễn Thị Tĩnh đoạt HCV 200m ở SEA Games 22 nhưng không được công nhận thành tích do gió thổi quá lớn (ảnh: Tuổi Trẻ)

VĐV Nguyễn Thị Tĩnh đoạt HCV 200m ở SEA Games 22 nhưng không được công nhận thành tích do gió thổi quá lớn (ảnh: Tuổi Trẻ)

Chính sức gió luôn thổi mạnh nên SVĐ Mỹ Đình kể từ sau khi tổ chức SEA Games 22 đến nay không tổ chức được giải điền kinh quốc tế nào có quy môn dù chất lượng đường chạy (pitch) ở đây rất tốt. Hai giải đấu điền kinh quốc tế của Việt Nam tổ chức lại diễn ra ở sân Hàng Đẫy (giải Điền kinh quốc tế Hà Nội) và sân Thống Nhất (giải Điền kinh TPHCM mở rộng).

Mang tiếng là SVĐ quốc gia nhưng sân Mỹ Đình từ lúc sau SEA Games 22 chỉ tổ chức những giải điền kinh trong nước như giải VĐQG năm 2004, 2012 và dăm ba giải trẻ.

Ngay cả ở giải điền kinh VĐQG 2012 do gió lớn nên thành tích của VĐV thay đổi rất bất thường. Ví dụ: VĐV Vũ Thị Hương sau một thời gian dài bị chấn thương mới trở lại nhưng đoạt HCV cự ly 200m nữ với thông số 23 giây 32. Thành tích này hơn VĐV Chisato Fukushima đoạt HCV ASIAD 2010 đến 30% giây (23 giây 62) và HCV giải Vô địch châu Á 2011 17% giây (23 giây 49).

Thành tích 23 giây 32 của Vũ Thị Hương lập được ở sân Mỹ Đình đã được “nói lại” bằng chiếc HCV của chính nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á này ở SEA Games 27 tại Myanmar với thành tích: 23 giây 55. Nếu không biết, người ta cho rằng Vũ Thị Hương sa sút phong độ nhưng sự thật do ở Mỹ Đình gió quá to.

Trở lại câu chuyện đăng cai ASIAD 18 vào năm 2019, nếu Việt Nam tổ chức thì bắt buộc SVĐ Mỹ Đình buộc phải nâng cấp bằng cách nâng chiều cao của 2 mặt khán đài C-D để tạo độ kín gió và tăng sức chứa thêm khoảng 20.000 chỗ ngồi.

Kinh phí nâng cấp 2 mặt khán đài này tương đương với việc xây mới SVĐ cỡ trung, dự kiến ngốn không dưới 200 tỷ đồng (10 triệu USD). Tuy nhiên, Đề án của Bộ VH-TT&DL lại “quên” điều này với mục đích tạo ra dự toán kinh phí siêu tiết kiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại