“Lão tiên” 109 tuổi chia sẻ về bí kíp trường thọ

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Dù đã 109 tuổi nhưng sức khỏe cụ Giáng vẫn như mới chỉ 50 – 60 tuổi. Để có được sức khỏe như vậy, theo cụ cần phải có một quá trình ăn uống, nghỉ ngơ và tập luyện lâu dài.

Ăn uống đơn giản và siêng vận động

Cụ Phạm Quang Giáng năm nay đã bước sang tuổi 109 nhưng mắt vẫn sáng, tai vẫn tinh, cơ bắp vẫn cuồn cuộn và giọng sang sảng như thanh niên. Không ít người nhìn thấy cụ mà thèm!

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, con dâu cụ Giáng cho biết: “Hàng ngày, ông vẫn ra sân và múa cây côn bằng gỗ lim dài 2m nặng trịch. Ông tập võ để rèn luyện sức khỏe dẻo dai đấy. Cây côn bằng gỗ lim nhiều khi đến tôi còn chưa chắc đã nâng nổi”.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ 5 giờ sáng là cụ Giáng đã dậy chạy ra Hồ Tây tập thể dục. Về nhà, sau khi tắm rửa xong, sẵn cơm vợ nấu, cụ lại “đánh” hai bát. Ngày ba bữa như thế chẳng bỏ bữa nào.

Chuyện ăn uống của cụ Giáng cũng đơn giản, không cầu kỳ. Theo chị Ngân – con dâu cả của cụ thì một bữa ăn của cụ thường theo công thức sẵn là cơm, rau và cá. Trong bữa ăn cụ ăn rất nhiều rau và cá, cụ ăn thịt rất ít.

Cụ Giáng cho biết, bí kíp để trường thọ là ăn uống đơn giản, siêng tập luyện, ham đọc sách và
Cụ Giáng cho biết, bí kíp để trường thọ là ăn uống đơn giản, siêng tập luyện, ham đọc sách và "nghiện"... người đẹp!

Khi được hỏi về cách ăn uống giản đơn của mình, cụ Giáng cười: “Ăn cơm với cá và rau cho “nhẹ” bụng, mà vẫn đủ chất. Ăn thịt nhiều, lại không vận động, thừa chất, nó “phá” cơ thể”.

Bữa ăn của cụ Giáng thường thì chỉ đĩa cá kho, đĩa rau muống luộc, có hôm thì là đĩa bí đỏ luộc chấm mắm tỏi, hoặc dăm con tôm. Các con cháu của cụ Giáng vẫn thường hay nói vui với nhau rằng: "“Nuôi” ông rất… nhàn".

Cái “nhàn” mà con cháu cụ nói không phải là không có lý và cũng không chỉ là nói về “nhàn” trong việc nấu các món ăn đơn giản cho cụ mà còn vì cách sống và lối giao tiếp của cụ cũng rất giản dị, hòa đồng với mọi người.

Chị Ngân, con dâu cụ Giáng kể: “Từ khi tôi về làm con dâu cụ đến nay đã gần ba chục năm nhưng cụ chưa hề mắng tôi lấy một lời.

Cụ sống hòa nhã, giản dị lắm, không “để bụng” đâu. Những gì không biết, cụ tận tình chỉ bảo, không mắng mỏ con cháu bao giờ.

Với hàng xóm láng giềng cũng thế. Thành ra không chỉ con cháu trong nhà, mà hàng xóm khu phố ai ai cũng biết đến cụ và quý cụ”.

Khi biết cụ từng là người học võ, chúng tôi tò mò hỏi, cụ chỉ nói trước kia, hồi đánh Pháp, vào rừng làm du kích có gặp một thầy dạy võ và học được chút ít võ dân tộc để phòng thân.

Chị Ngân kể: Có lần, vào khoảng 19 giờ tối, lúc cả nhà đang ăn cơm thì thấy hàng xóm chạy sang, báo: cụ nhà bị tai nạn ngoài đường. Cả nhà hoảng quá, vứt hết bát đũa đấy để chạy ra.

Đến nơi thì thấy mọi người đang xúm xít lại xung quanh, ở giữa thì thấy cụ đang ngồi, bên dưới là anh tài xế lái taxi to cao vạm vỡ nhưng đang bị cụ Giáng khóa chặt tay, không sao nhấc người lên được, luôn miệng van xin cụ rối rít.

Sau hỏi ra mới biết là lúc cụ đạp xích lô trên đường, trời tối, anh chàng lái taxi đi ẩu, lấn phần đường đã quệt vào cụ làm cụ ngã. Cụ bắt dừng lại xin lỗi nhưng khi dừng lại anh tài xế này không những không xin lỗi, thấy ông già râu tóc bạc phơ nên đã “sừng cồ” to tiếng.

Bực mình, lại sẵn mấy thế võ đã học, cụ Giáng bèn “làm tới luôn”, quật anh tài xế xe taxi xuống đường rồi khóa chặt tay lại. Thế là anh kia mới chịu thua. Lúc đó cụ Giáng đã 105 tuổi.

Khi được hỏi về chuyện này, cụ Giáng chỉ cười xòa: “Có gì đâu, chuyện bình thường. Đám trẻ bây giờ nhiều đứa hư quá, không biết kính trên nhường dưới, phép tắc gì cả. Phải dạy thế thì chúng nó mới chừa”.

Không thuốc lá, không rượu. Chỉ nghiện sách và… người đẹp!

Cụ Giáng cho biết cụ không nghiện thuốc lá hay uống rượu, với cụ, cái nghiện lớn nhất thứ nhất là sách, thứ hai là… người đẹp.

“Làm cái anh xế lô đầu óc thảnh thơi. Chẳng phải toan tính mưu mẹo gì cả. Đời tôi chỉ nghiện sách và... người đẹp. Nhờ thế nên khoẻ!”, cụ Giáng vừa cười vừa nói.

Nói về sách, cụ Giáng đầy một giá trên gác. Cụ thú nhất là đọc Kiều, rồi đến sách về các danh nhân văn hoá, anh hùng dân tộc.

Nhưng có lẽ cái “nghiện” thứ hai của cụ Giáng mới là chuyện ly kỳ: “nghiện” người đẹp. Khi nghe có người nói “nghiện” người đẹp thì dễ… tổn thọ, cụ Giáng khoát tay bảo: “Nói bậy. Nghiện cỡ nào, mức nào mới là vấn đề. Tôi bảo: nghiện người đẹp giúp trường thọ đấy. Tin hay không thì tuỳ nhưng đảm bảo như thế là sống dai ít ra cũng 100 tuổi”.

Khi hỏi về những “người đẹp” mà cụ đã từng “cưa đổ”, cụ Giáng bấm đốt ngón tay, sau một hồi nhẩm sơ sơ, cụ tính ra được… bốn bà vợ.

Cụ bảo, đó là những bà vợ có cưới hỏi đàng hoàng và có con cái, cháu chắt, còn những “bóng hồng” đã đi qua cuộc đời trai trẻ của cụ thì nhiều lắm, tính không hết được!

Thỉnh thoảng, cụ Giáng vẫn vào Bệnh viện 354 để kiểm tra sức khỏe định kì. Với cụ, sức khỏe là vốn quý. (Ảnh: cụ Giáng đang hướng dẫn chị Ngân - con dâu cách bắt mạch).

Thỉnh thoảng, cụ Giáng vẫn vào Bệnh viện 354 để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Với cụ, sức khỏe là vốn quý. (Ảnh: cụ Giáng đang hướng dẫn chị Ngân - con dâu cách bắt mạch).

Cụ Giáng cho biết, người vợ cả là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mĩ năm 1955. Sau khi vợ hy sinh, cụ mang 11 người con ra Bắc tập kết. Thời chiến tranh, cụ vào Nam ra Bắc chinh chiến liên miên. Năm 1966, cụ Giáng bị thương phải nằm điều trị tại Viện Quân y 108.

Cụ Giáng kể: “Trong cái rủi có cái may chú ạ. Lần ấy, nằm trong viện quân y tôi lại “cưa đổ” một cô gái kém tôi những... 40 tuổi!

Cô ấy là em gái của người bạn chiến đấu. Cô chỉ đi cùng anh trai vào thăm tôi có đúng mỗi một lần! Chú thấy tôi có siêu không?”

Khi chúng tôi nói vui rằng cụ “khéo tán” thế sao không “bật mí”, truyền lại “bí kíp” cho các cháu thanh niên học với, cụ Giáng cười khì khì: “Nó là do duyên số ông trời sắp đặt. Khi sự việc đã “chín muôii” tôi báo cho con trai biết. Nó cũng nghĩ ‘Con chăm cha không bằng bà nuôi ông!’ Rất hợp lý hợp tình. Nó đơn giản vậy thôi, có ‘bí kíp’ gì đâu”.

Theo “thống kê chưa đầy đủ” của cụ Giáng thì hiện nay cụ có 4 bà vợ và 16 người con. Con cả năm nay đã 85 tuổi, người con út cũng đã 33 tuổi. Con cái cháu chắt của cụ rải rác trong Nam ngoài Bắc cũng “tròm trèm” 128 người!

Còn chị Nguyễn Thị Kim Ngân, con dâu của cụ Giáng thì cho biết: Một lần, bố chồng chị đã quyết định dùng xe xích lô mang biển số XL 172 - 04 (đăng ký tại quận Ba Đình, Hà Nội) để đi thăm một lượt con cháu. Chuyến đi ấy kéo dài 5 tháng, sang cả Lào và Campuchia.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại