“Lão tiên” 109 tuổi: “Tôi suýt ‘cưa đổ’ công chúa Na Uy đấy” (Kỳ 1)

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Giọng nói đầy hào sảng, bước đi nhanh nhẹn và vững chãi, thân hình to khỏe và chắc nịch, thoạt trông không ai có thể nghĩ rằng năm nay cụ đã 109 mùa xuân. Hàng xóm vẫn thường gọi cụ bằng biệt danh là “lão tiên”.

“Lão tiên” đạp xích lô giữa đời thường

“Lão tiên” nói trên tên thật là Phạm Quang Giáng. Cụ Phạm Quang Giáng sinh năm 1904, quê gốc ở huyện Thang Bình, xã Bình Sa, (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ). Hiện trú ở số nhà 59 tập thể Nhà máy Bia Hà Nội (Ba Đình, Hà Nội).

Cụ Giáng kể: “Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân có đến 12 anh chị em. Năm 40 tuổi, tôi tham gia hoạt động kháng chiến tại Liên khu V. Sau Giải phóng, năm 1955 thì ra ngoài Bắc tập kết, bắt đầu một cuộc sống nơi đất khách quê người.

Năm 1975, lúc tôi bước sang tuổi 71, thì phân về làm việc tại nhà máy bia Hà Nội. Lúc này tôi nhận nuôi thêm 3 đứa cháu mồ côi cha mẹ”.

Cụ Phạm Quang Giáng năm nay đã 109 tuổi.
Cụ Phạm Quang Giáng năm nay đã 109 tuổi.

Cũng theo cụ Giáng, làm việc được 3 năm thì cụ nghỉ theo chế độ thương binh. Với những đóng góp to lớn trong những năm tháng chiến tranh, cụ được phòng Thương binh xã hội của quận Ba Đình trao tặng một ngôi nhà tình nghĩa trị giá gần 30 triệu đồng.

Nhưng thay vì nhận ngôi nhà, cụ lại nhận món quà là một chiếc xích lô để lấy đó làm kế sinh nhai, nuôi dưỡng 3 đứa cháu khôn lớn trưởng thành, còn căn nhà cấp 4 thuộc tập thể nhà máy Bia mà cụ được phân trở thành nơi trú ngụ của cả gia đình.

Cảm động trước tấm lòng cao cả, các cán bộ phòng Thương binh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp đỡ cụ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đó là năm 1978 và cụ bắt đầu khoảng thời gian 25 năm rong ruổi trên khắp các nẻo đường.

“Tôi bước vào nghề đạp xích lô khi đã 74 tuổi. Những năm đầu, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Số tiền tích cóp được trong những lần đạp xe là khoản tiền chính nuôi sống cả gia đình”, cụ Giáng kể.

Khi được hỏi về những kỷ niệm trong nghề đạp xích lô chở khách, cụ Giáng cười rất hào sảng: “Kỷ niệm à? Nhiều lắm. Khi tôi nói tôi đã hơn 100 tuổi, không ai tin. Nhiều khách còn hỏi đi hỏi lại nhiều lần cho… ăn chắc. Tôi phải bảo: “Thế anh chị có cần tôi đưa giấy chứng minh nhân dân không” thì mới chịu tin.

Khi đã biết tôi hơn 100 tuổi, có khách còn không chịu ngồi để tôi chở mà đòi đổi xe khác. Tôi bảo cứ ngồi yên, không phải ngại.

Sau một buổi đạp lòng vòng khắp Hà Nội, khách xuống xe, lúc đưa tiền, còn chắp tay: “Con lạy cụ! Con chưa thấy ai khỏe như cụ cả. Cụ đúng là người của giời của Phật”.

Sau đó còn đưa thêm cho tôi mấy chục nữa, nhưng tôi từ chối. Mình làm bao nhiêu thì lấy tiền công họ bấy nhiêu, lấy thêm để làm gì”.

Suýt “cưa đổ”… công chúa Na Uy

Cụ Giáng kể: Có lần, vào năm 2000, một đôi vợ chồng người Liên Xô đến ngỏ ý nhờ cụ chở từ Hà Nội đi Hải Phòng, bởi họ muốn vừa du ngoạn cảnh đẹp, vừa muốn thực hiện bộ phim về đất nước Việt Nam.

Vậy là một mình, cụ đạp xích lô gần 100 cây số chiều theo ý muốn của khách hàng. Một cuốc như vậy, cụ kiếm được số tiền bằng cả tháng đạp xích lô trong nội thành.

Tuy nhiên, theo cụ Giáng, kỷ niệm khó quên nhất đối với cụ vẫn là chở công chúa Na Uy đi thăm Hà Nội trong một lần đoàn ngoại giao Na Uy sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Cũng từ đó, danh tiếng của cụ ngày càng được nhiều người biết đến. Có lẽ một phần bởi người ta tò mò muốn biết tại sao một ông già đã hơn 80 tuổi lại có thể làm nghề vất vả đến như vậy. Thậm chí, đã có những đoàn làm phim nước ngoài như Pháp, Hà Lan, đến làm phim về cuộc đời cụ.

Cụ Giáng đang chia sẻ kinh nghiệm rèn luyện để giữ gìn sức khỏe.
Cụ Giáng đang chia sẻ kinh nghiệm rèn luyện để giữ gìn sức khỏe.

Biết cụ khi trẻ là người đào hoa (cụ có tới 5, 6 bà vợ), chúng tôi mới hỏi vui: “Thế cụ thấy công chúa Na Uy có đẹp hơn phụ nữ Việt không ạ?”.

Cụ Giáng không giận mà trái lại cười rất tươi và trả lời cũng rất hóm hỉnh: “Đẹp chứ, công chúa cơ mà. Nhưng không thể so sánh đẹp hơn hay kém phụ nữ Việt Nam được vì mỗi người đều có những vẻ đẹp riêng”.

Khi được hỏi nếu khi chở công chúa Na Uy là hồi cụ còn trẻ thì cụ có tin là biết đâu mình sẽ “cưa đổ” được công chúa không, thì cụ Giáng phá lên cười, trả lời đầy tự tin: “Có chứ, nếu khi đó tôi còn trẻ thì chắc chắn tôi “cưa đổ” được công chúa Na Uy. Thật đấy”.

Giờ đây, khi con cháu cụ đã trưởng thành, kinh tế dư dả hơn, cụ Giáng đã không còn đạp xích lô như trước nữa. Thỉnh thoảng cụ mới đạp xích lô với mục đích muốn được hít thở không khí trong lành, hoà hợp với thiên nhiên.

Cụ Giáng bảo sau mỗi lần đi dạo bằng đạp xích lô như vậy cụ cảm thấy cơ thể được vận động, tinh thần sảng khoái, khoan thai.

Nhìn cụ với dáng đi nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, không ai nghĩ cụ đã 109 tuổi và càng không tưởng tượng được rằng cụ đã từng 3 lần bị tai biến mạch máu não vào những năm 1980, 2002 và 2003 đến nỗi chân tay không thể cử động được, phải vào viện cấp cứu.

“Nếu cơ thể tôi không được rèn luyện bởi những năm tháng đạp xích lô, thì có lẽ tôi đã không thể vượt qua”, cụ Giáng cười hiền hậu.

Còn tiếp…

Giai thoại lạ về cụ bà có "mái tóc tiên" ở Bến Tre

Ngay từ khi sinh ra cụ Tư Miễu đã có nếp sinh hoạt lạ kỳ.

Bí kíp trường thọ của "Tiên ông" 95 tuổi

(Soha.vn) - Dù đã 95 tuổi nhưng hằng ngày cụ vẫn đạp xe để tự đi chợ, tự nấu ăn và thăm con cháu. Trưa hè, cụ vẫn ra sông Mã bơi vài vòng, thậm chí ngụp lặn xuống sông để bắt cá.

Bí quyết trường thọ của cặp đôi trên 100 tuổi

Vợ chồng cụ Cao Viễn thôn Phượng Lịch, xã Diễn Hoa (Diễn Châu, Nghệ An) được xác nhận là cặp đôi sống thọ nhất xứ Nghệ. Bí quyết trường thọ của họ là gì.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại