Chủ nhân Nhà Vương là ông Vương Chính Đức (1865 - 1947), người duy nhất được đồng bào người Mông nơi đây suy tôn là Vua Mèo và chính thức cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.
Khu Nhà Vương có diện tích gần 3.000 m2, bắt đầu được xây dựng vào năm 1919, hoàn thành vào năm 1928. Vào thời điểm xây dựng dinh thự, nơi đây chưa hề có máy móc, đường sá thì hiểm trở vô cùng.
Do đó, dinh thự hoàn toàn do sức lực đồng bào người Mông ở đây làm thủ công. Tất cả các vật liệu đá của dinh thự do chính người dân nơi đây đục đẽo bằng tay rồi vận chuyển quãng đường 7 km về xây nhà.
Được biết số tiền Vua Mèo bỏ ra xây dựng dinh thự là 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương của Pháp (khoảng 150 tỷ đồng).
Bao quanh khu dinh thự là một dải núi cao, tạo nên địa thế hình vòng cung ôm lấy toàn bộ khu nhà. Một địa thế phòng thủ rất tuyệt vời. Dinh thự có 3 cung Tiền, Trung, Hậu với 64 phòng dành cho 100 người ở.
Khu Tiền cung là nơi ở của lính bảo vệ, gia nhân. Trung cung và Hậu cung là nơi ở, làm việc của con cháu dòng họ Vương. Toàn bộ gỗ của ngôi nhà trước đây đều được làm từ gỗ thông đá.
Theo quan sát, hai viên đá ở khu Tiền có độ bóng nhất định, đó là do đồng bạc trắng Đông Dương mài vào đá mà thành.
Để đánh được một chân cột đá như thế, cụ Vương Chính Đức đã phải bỏ ra 900 đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương với 1 tỷ đồng tiền Việt Nam.
Đó chỉ mới là tiền đánh bóng, chưa kể tiền đục đẽo, vận chuyển hai chân cột đá từ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) về Đồng Văn. Hai kho ở dưới tầng là hai kho cất giữ tài sản, vàng bạc…
Hiện nay dinh thự Nhà Vương trở thành điểm thu hút đặc biệt đối với khách du lịch trong nước và quốc tế với nhiều hiện vật cổ phong phú đa dạng.
Cổng vào dinh thự Nhà Vương với những bậc đá, cánh cửa gỗ đơn giản mà bền bỉ với thời gian.
Tường đá bao quanh dinh thự
Cửa vào dinh thự gồm 6 bậc đá với cánh cửa và vòm dưới mái trang trí bằng gỗ.
Những tạo hình chạm khắc cầu kỳ dưới mái cửa
Cột đá được tạo hình cầu kỳ ngay tại cửa
Du khách ngắm nhìn chụp ảnh các hiện vật cổ.
Để đánh được một chân cột đá như thế này, cụ Vương Chính Đức đã phải bỏ ra 900 đồng bạc trắng Đông Dương.
Hiện nay dinh thự Nhà Vương trở thành điểm thăm quan thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Vật liệu xây nhà chủ yếu là gỗ từ sàn, cột, cửa và vách, trần, khung cột với nhiều họa tiết chạm khắc khéo léo
Dinh thự gồm nhiều gian và chia thành nhiều phòng khác nhau
Ngói vòm được sử dụng để làm mái cho dinh thự.
Chủ dinh thự Nhà Vương, ông Vương Chính Đức cùng con cháu trong dòng họ và lính bảo vệ (ảnh tư liệu)