Người bị tạm giam, tạm giữ muốn ăn trứng phải sửa luật?

Hoàng Đan |

Theo các ĐBQH, cần có những quy định chung bao quát hơn trong luật Tạm giam, tạm giữ và giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.

Điều chỉnh luật theo hướng quy định về nguyên tắc chung

Phát biểu về dự thảo Luật tạm giam, tạm giữ tại Quốc hội vào sáng nay, Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng:

Dự thảo luật rất chi tiết, tương đối đầy đủ các chế độ cho người bị tạm giữ, tạm giam, từ việc ăn, ở, mặc, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần và các quy định khác đảm bảo đủ điều kiện sống cho con người trong môi trường bị giam giữ.

Tuy nhiên, ông nhận thấy những quy định chi tiết như vậy không hẳn là đầy đủ và chắc chắn sẽ không theo kịp với sự phát triển đời sống xã hội, trước nhất là không linh động và rất khó trong tổ chức thực hiện.

"Ví dụ, trong luật không có tiêu chuẩn về trứng trong khẩu phần ăn, nếu có người muốn ăn trứng thì phải làm sao?

Chẳng lẽ không được ăn trứng hay phải sửa luật, chỉ được đun nấu bằng chất đốt, không được đun nấu bằng điện vì không có quy định về điện...

Còn biết bao thứ khác mà chúng ta không thể liệt kê hết được, do vậy, tôi đề nghị cần chỉnh sửa điều này theo hướng quy định về nguyên tắc chung.

Người bị tạm giữ, tạm giam được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về lương thực, thực phẩm, các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm, quy định chất lượng calo của mỗi ngày có tính đến yếu tố phù hợp theo mùa.

Các quy định chung như vậy bao quát hơn và nên giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này", ông Tính nêu quan điểm.


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nêu vấn đề về việc bức cung, nhục hình và chết trong khi tạm giữ, tạm giam hoặc bị xâm phạm, xúc phạm về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm trong khi bị tạm giữ, tạm giam.

Theo ông Nghĩa, hạn chế quyền cản trở và bào chữa đang có biểu hiện gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng trong các năm qua và vượt khỏi vòng kiểm soát và kiểm sát, thể hiện qua các vụ oan sai, bức cung, nhục hình vừa qua.

Ngoài các điều cấm được quy định trong dự thảo thì cần thêm hành vi cấm mớm cung, rất nhiều người phạm tội trình độ yếu kém và dễ bị mớm cung trong quá trình điều tra.

"Nhiều vụ việc xảy ra nhưng nạn nhân không tố cáo, khiếu nại vì sợ hoặc bị buộc cam kết không khiếu nại sau khi được trả tự do.

Xin lưu ý đây là quy định về tạm giữ, tạm giam, những người đang được coi là không có tội và đang được điều tra để chứng minh cả hai khả năng, họ có thể có tội hoặc vô tội.

Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như pháp luật liên quan khác tạo tiền đề và hành lang pháp lý để khắc phục tình trạng vi phạm quyền con người, quyền công dân trong việc tạm giữ, tạm giam", ông Nghĩa nói.

Chết trong quá trình tạm giam, tạm giữ xử lý thế nào?

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) phát biểu: Trong luật pháp và đặc biệt theo tinh thần Hiến pháp mới, chúng ta khẳng định chỉ có những người bị tuyên bằng một bản án mới là người có tội.

"Đang trong quá trình tạm giữ, tạm giam họ chết thì như thế nào. Họ chết mà bị oan cũng không thể tự mình minh oan được. Lâu nay họ chết thì chúng ta chấm dứt, luật pháp chấm dứt.

Thứ nhất, họ chưa có tội vì họ chưa được tuyên bởi một bản án. Thứ hai, nếu như trong trường hợp họ bị oan, vì chúng ta chưa kết thúc điều tra, chúng ta chưa chứng minh được thì chúng ta giải quyết câu chuyện này như thế nào", ông Nam nói.

Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cũng đề nghị, các trường hợp người bị tạm giữ, bị tạm giam chết phải mời thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị tạm giam đến để chứng kiến việc khám nghiệm tử thi.

"Tôi đề nghị như vậy để bảo đảm sau này tránh việc kiện cáo, giống như việc tôi không được mời tham gia vào việc giám định tử thi nên tôi không hiểu được, tôi đề nghị quy định rõ điều này", ông Dân nêu.

Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa)

Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam tự sát hoặc bị đánh chết trong nhà tạm giữ, tạm giam.

Điều này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Luật cần tách riêng quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ và quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giam, quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ phải khác, không bị hạn chế so với quyền của người bị tạm giam.

Vì đây là hai đối tượng khác nhau, theo dự thảo luật quy định người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Người bị tạm giam bao gồm bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án, người bị tạm giam để dẫn độ.

Theo đó để đảm bảo quyền con người, luật cần quy định không được giam chung với những đối tượng đã bị kết án phạt tù, bị kết án chung thân, tử hình dù bản án chưa có hiệu lực hoặc đang chờ thi hành án. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại