"Không thể tưởng tượng được" số người đánh nhau ở Việt Nam

Hoàng Đan |

Bà An cho rằng, nguyên nhân số người nhập viện vì đánh nhau được xác định đầu tiên chính là do tình trạng rượu bia tràn lan trong những ngày Tết vừa qua.

Không thể tưởng tượng được

Theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế, từ ngày 15 đến 22-2 (27 tháng Chạp đến mùng 4 Tết) đã có trên 6.200 người phải vào viện do đánh nhau, trong đó có 15 người tử vong.

Trao đổi với chúng tôi, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH Hà Nội) nói: "Tôi không thể tưởng tượng khi tiếp nhận những con số rất đáng báo động này".

Theo bà An, trước đây, chúng ta đã rất đáng buồn về số lượng người nhập viện rất lớn do tai nạn giao thông nhưng giờ đây, khi đất nước ta ở thế kỷ 21 rồi mà vẫn có chuyện nhập viện do đánh nhau lớn như vậy thì càng đáng buồn hơn.

đoàn đại biểu quốc hội hà nội
bà bùi thị an
Bà An sinh năm 1943 tại Nam Định. Có học hàm PGS và học vị Tiến sỹ. Hiện bà đang là Phó Chủ tịch Hội hóa học Việt Nam; Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội; Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng; Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

"Con số hơn 6.200 người nhập viên do đánh nhau trong một cái Tết thực sự là không thể tưởng tượng được. Điều đó đã thể hiện sự đáng báo động về văn hóa của chúng ta. Thực tế, truyền thống văn hóa của chúng ta trong những ngày đầu năm đâu có như vậy.

Mọi người thường chúc tụng, đến nhà chơi chứ đâu có chuyện gây gổ rồi đánh nhau phải đến nhập viện", bà An chia sẻ.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, (Đoàn ĐBQH Vĩnh Long), Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ sự giật mình trước con số thống kê này.

Ông Thắng nhìn nhận: "Với con số trên 6.200 người phải nhập viện do đánh nhau và có đến 15 người tử vong chỉ đứng sau có vấn nạn tai nạn giao thông, đã khiến cho không chỉ tôi mà nhiều người khác cảm thấy rất đáng quan tâm, giật mình.

Hơn thế nữa, thực trạng này lại xảy ra vào dịp Tết truyền thống của dân tôc, rất có ý nghĩa. Mọi người nghĩ rằng, đây là dịp nghỉ ngơi, gặp gỡ, làm những việc vui vẻ, nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, việc đánh nhau nhiều như thế thì rõ ràng đang có vấn đề về văn hóa, đạo đức của xã hội".

Xuất phát từ rượu bia quá nhiều

Từ thực trạng đáng buồn này, bà An cho rằng, nguyên nhân đầu tiên được xác định chính là do tình trạng rượu bia tràn lan trong những ngày Tết vừa qua.

"Rượu bia đã gây ra tình trạng tai nạn giao thông tăng mạnh, với mỗi ngày có trên 30 người đi không bao giờ về nữa đã là điều đáng buồn. Bây giờ, rượu bia lại gây ra tình trạng đánh nhau, ứng xử trong cộng đồng rất kém.

Đây là việc rất đáng báo động", bà An nói.

Hầu như ngày nào Bệnh viện Việt Đức cũng tiếp nhận nạn nhân cấp cứu chấn thương do đánh nhau (Ảnh: người lao động).

Hầu như ngày nào Bệnh viện Việt Đức cũng tiếp nhận nạn nhân cấp cứu chấn thương do đánh nhau (Ảnh: Người lao động).

Ngoài ra, là do ý thức, đạo đức, văn hóa của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ đang có những lệch lạc.

Ông Thắng nhận định, dù chưa có một nghiên cứu cụ thể để chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này nhưng có thể nhận thấy ngay, đó là ngày Tết, bia rượu nhiều, hơi men trong người tăng cao dẫn đến mất kiểm soát hành vi.

"Dù xét theo nguyên nhân nào đi chăng nữa thì những con số trên cũng cho thấy sự quan tâm đến vấn đề đạo đức, văn hóa của xã hội hiện nay.

Và tuy chưa có thống kê nhưng nếu thực trạng này rơi vào nhóm thanh niên là chủ yếu thì chúng ta càng phải chú ý trong việc giáo dục đạo đức, truyền thống cho giới trẻ", ông Thắng nhấn mạnh.

Để hạn chế thực trạng này, theo bà An, trước hết, chúng ta phải siết chặt quản lý vấn đề rượu bia, trong đó, cần tăng thuế đối với mặt hàng này.

Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần vào cuộc quản lý chặt chẽ mặt hàng này không để tình trạng sản xuất, buôn bán tràn lan không kiểm soát được như hiện nay.

Bên cạnh đó, theo bà An, điều quan trọng hơn vẫn là phải giải quyết cái gốc trong việc giáo dục đạo đức, truyền thống từ mỗi gia đình.

"Đối với những người đánh nhau thì chúng ta vẫn cứu chữa kịp thời, chu đáo, tận tình cho họ nhưng sau đó, cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm khắc để răn đe họ, không còn dám tái phạm nữa", bà An nói thêm.

Ngoài ra, theo ông Thắng, trong dịp Tết để tránh rượu bia, tránh việc đánh nhau thì chúng ta cũng cần xây dựng các chương trình, tổ chức các hoạt động vui chơi có ích, cộng đồng, tập thể nhiều hơn để mọi người tham gia.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang):

"Người trực tiếp đánh nhau bị thương đã đành, có một số trường hợp do can ngăn hàng xóm, hay thậm chí là khách qua đường dừng lại xem đánh nhau mà bị vạ lây". (Theo Tuổi Trẻ)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại