Sáng 8/3, trao đổi với VietNamNet, ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương cho biết: Sau cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT vào chiều 7/3, Bộ GTVT thống nhất với phương án của Sở GTVT đưa ra trước đó.
Vị trí tàu Thành Luân 28 đâm thẳng vào dầm cầu An Thái gây hư hỏng nặng. Ảnh chụp sáng 8/3.
Theo đó, sẽ không đưa tàu ra khỏi cầu và xem như đó là trụ tạm để đỡ dầm cầu số 4 đã bị hư hỏng gần hết.
“Không được cắt cabin, không kéo tàu ra khỏi cầu bằng mọi cách vì có thể làm các dầm khác bị ảnh hưởng.
Cần cố định vị trí tàu trước sự tác động của thủy triều, kết hợp bơm, hút nước vào các khoang tàu để khi thủy triều lên không nâng dầm lên khỏi mặt cầu”, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ yêu cầu.
Tàu trọng tải 3.200 tấn sẽ còn mắc kẹt nhiều ngày tại cầu An Thái (Hải Dương).
Về dầm cầu số 4 bị tàu húc gãy, GĐ Sở GTVT Hải Dương cho biết ngay sau khi xảy ra sự cố, quan sát bằng mắt thường Sở cũng đã xác định cốt thép chủ chịu lực đã bị đứt hết và khả năng chịu lực xem như bằng không nên dầm cầu số 4 chắc chắn phải thay thế.
3 dầm còn lại về trực quan đánh giá tương đối ổn, tuy nhiên phải qua ngày hôm nay (8/3) mới tiến hành đo đạc kiểm tra lại mức độ an toàn thì mới biết được kết quả chính thức. Thời gian đo đạc, đánh giá ít nhất mất 1-3 ngày.
Trong trường hợp 3 dầm còn lại đều đảm bảo an toàn thì Sở GTVT Hải Dương sẽ cho phép lưu thông qua cầu an toàn ở mức tải trọng cho phép và có thể Sở sẽ tổ chức phân làn cho xe ô tô 4-5 chỗ qua cầu.
Về phương án sửa chữa cầu An Thái, ông Hoàng Hà nói rõ: Do dầm cầu mới được thiết kế bằng bê tông cốt thép chịu lực nên thời gian thi công cho đến khi hoàn thành có thể mất 2 tháng hoặc hơn.
Trong khoảng thời gian này, ngoài ô tô con thì các phương tiện xe cơ giới lớn sẽ không được phép lưu thông qua cầu.
Tàu không được phép lưu thông qua đoạn sông gặp nạn
Về nguyên nhân gây ra sự cố cầu An Thái, ông Lê Đình Long khẳng định là do tàu Thành Luân 28 quá khổ không được phép lưu thông trên đoạn sông và không được phép qua cầu nhưng lái tàu và chủ phương tiện vẫn cố tình đi qua.
“Tàu quá khổ phải chạy sông cấp ba nhưng lại chạy vào sông cấp 2 nên khổ thông thuyền không đủ. Do vậy khi thủy triều lên tàu đi qua đã xảy ra sự cố đáng tiếc”, ông Long nói.
Hiện Cợ quan Cảnh sát điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ tàu gây tai nạn cũng như các bên liên quan (nếu có).
Trước việc cầu bị sự cố, tỉnh Hải Dương đã phải cấm đường qua cầu và bố trí 2 bến đò phục vụ chuyên chở người và phương tiện qua sông. Tuy nhiên, hiện các bến phà đã quá tải.
Hình ảnh hiện trường và công tác xử lý sự cố tàu đâm gãy dầm cầu An Thái sáng 8/3:
Sáng 8/3, tàu Thành Luân 28 vẫn 'cắm chặt' vào thân dầm cầu Thành Luân. Dự kiến sẽ không kéo tàu ra để tránh làm sập cầu.
Cú đâm mạnh khiến dầm cầu số 4 của cầu An Thái hư hỏng hoàn toàn, buộc phải thay thế trong thời gian tới.
Đồ đạc trong tàu bị hư hỏng nặng.
Lực lượng chức năng chặn đường lên cầu để đảm bảo an toàn
Khám nghiệm hiện trường
Các cán bộ kĩ thuật đang đo đạc và đánh giá mức độ hư hỏng
Người đi bộ vẫn được lưu thông qua cầu
Điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tàu 3.200 tấn đâm cầu An Thái
Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên đường bộ và đường thủy qua khu vực cầu An Thái, ngăn chặn các vụ TNGT tương tự xảy ra, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo: Tổ công tác của Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương khẩn trương triển khai các phương án cứu hộ khắc phục hậu quả, phân tích nguyên nhân tai nạn, phân luồng tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phương tiện giao thông đường bộ, thủy nội địa tham gia giao thông qua khu vực trên...
Đặc biệt chỉ đạo Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Sở GTVT phối hợp với tổ công tác của Bộ GTVT khẩn trương triển khai các phương án sửa chữa, khắc phục những hư hỏng của cầu; có biện pháp thi công bảo đảm an toàn cho người, phương tiện lưu thông trên đường bộ và đường thủy.
Gia Văn