Cứ nói thẳng, có lãnh đạo ở đây không sợ trù dập

TRẦN VŨ NGHI - ÁNH HỒNG |

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu như vậy ngay từ đầu buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nhân trên địa bàn được tổ chức sáng nay, 8-3, với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới”.

Với tinh thần như vậy, doanh nghiệp đã không ngại ngần nêu ra những khó khăn mà doanh nghiệp ngành mình đang đối mặt.

Hội trường Thành ủy TP.HCM đã không còn chỗ trống khi hội nghị do UBND TP.HCM tổ chức với sự có mặt đông đủ của tất cả lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố hiện nay tham dự với hàng trăm doanh nhân, hiệp hội ngành hàng có mặt.

Nói rõ địa chỉ ai gây phiền hà

Theo bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh la Thăng, hiện nền kinh tế đang bước vào hội nhập hết sức khốc liệt. TP tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát huy tối đa nguồn lực của mình.

Có nhiều nguyên nhân từ thể chế chính sách, nhưng cũng có từ sự nỗ lực của doanh nghiệp đã chưa làm sự cạnh tranh của doanh nghiệp chưa phát triển đúng tầm.

Với tinh thần làm sao nhà nước, thành phố phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, kể cả doanh nghiệp.

“DN cần nói thẳng, nói thật những bất cập, những phiền nhiễu, gây phiền hà, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Cứ nói rõ địa chỉ chỗ nào chưa tốt, không ngại trù dập.

Có lãnh đạo hết ở đây thì càng không sợ trù dập, cứ nói thẳng nói thật, vì lãnh đạo TP.HCM luôn đứng bên cạnh doanh nghiệp để hỗ trợ DN phát triển”, ông Thăng nhấn mạnh.

Ông Thăng cũng cho rằng muốn TP.HCM nâng cao năng lực cạnh tranh thì thành phố phải cải cách thể chế, nên rất cần sự đóng góp của doanh nghiệp một cách thẳng thắn hơn nữa để lãnh đạo được nghe những câu chuyện, vấn đề vướng mắc hết sức cụ thể của doanh nghiệp.

Không cho mở rộng bệnh viện vì sợ… kẹt xe

Bà Huỳnh Thị Kim Dung, bác sĩ bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh cho biết bệnh viện Vạn Hạnh được thành lập năm 2000. Trong khuôn viên 1.000m2, bệnh viện được xây 6 tầng, 150 giường.

Ở thời điểm đó với điều kiện như vậy là đạt chuẩn nhưng từ năm 2010 khi Luật khám chữa bệnh ra đời thì bệnh viện Vạn Hạnh không đáp ứng được chuẩn mới, nhất là phòng xét nghiệm.

Khi đó đoàn kiểm tra đã khuyến khích bệnh viện mua thêm đất ở bên cạnh để mở rộng các phòng chức năng.

Năm 2013 bệnh viện đã mua thêm 2 lô đất bên cạnh trị giá 100 tỉ đồng nhưng vướng quyết định 8933, không được mở rộng và xây mới bệnh viện trong nội thành.

“Mấy năm nay chúng tôi loay hoay không xây dựng mở rộng bệnh viện được. Chúng tôi đề xuất TP góp giải pháp chứ chúng tôi đi khắp nơi mà không nơi nào gỡ được vì cơ quan chức năng cho rằng bệnh viện xây trong nội thành gây kẹt xe.

Nhưng chúng tôi thắc mắc là trung tâm thương mại xây trong nội thành có kẹt xe hay không vì trung tâm thương mại vẫn liên tục được xây mới, trường học cũng vậy”, bà Dung đặt câu hỏi.

Một vấn đề khác là bệnh viện hiện có hệ thống xử lý nước thải và có và có kỹ sư để vận hành, 3 tháng lấy mẫu 1 lần.

Tuy nhiên làm giấy phép gia hạn đấu nối vào hệ thống nước thải của TP thì yêu cầu phải thông qua công ty với điều kiện công ty này phải có 2 kỹ sư thì đề án mới đạt chuẩn.

“Nhưng chi phí cho khoản này một năm mất mấy chục triệu, chúng tôi thấy quá lãng phí vì chúng tôi có kỹ sư vận hành và tuân thủ tất cả quy chuẩn, do vậy bắt DN phải qua công ty khác là không hợp lý”, bà Dung thẳng thắn bày tỏ.

Doanh nghiệp ngành cơ khó cạnh tranh vì thuế

Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM cho biết trong một thời gian rất dài, máy móc thiết bị của ngành cơ khí nhập khẩu 0%, trong khi máy móc thiết bị doanh nghiệp trong nước sản xuất phải bị chịu thuế.

“Ngành cơ khí gặp nhiều khó khăn chỉ vì chính sách thuế nói trên, không có cơ hội phát triển, không có doanh nghiệp chế tạo máy phát triển.

DN phải đạt được một số tỉ lệ nhất định chế tạo trong nước thì mới có thêm một vài chính sách hỗ trợ, điều này thì quá khó khi ngay từ ban đầu chính sách thuế đã thui chột động lực phát triển của doanh nghiệp”, ông Tống băn khoăn.


Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch hội cơ khí - điện TP.HCM đóng góp ý kiến tại hội nghị - Ảnh: Duyên Phan

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch hội cơ khí - điện TP.HCM đóng góp ý kiến tại hội nghị - Ảnh: Duyên Phan

Theo ông Tống, với ngành cơ khí khuôn mẫu, Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm này được sản xuất trong nước với tỉ lệ/thị phần chiếm lĩnh.

Trong khi doanh nghiệp trong lãnh vực khuôn mẫu không đủ lớn để làm việc này theo yêu cầu của Bộ Công thương, nhưng rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã làm rất tốt. Ông Tống khẳng định đây là sản phẩm trong nước chế tạo được.

“Cả thế giới chỉ VN có phí công đoàn “

Là ngành sử dụng nhiều lao động, ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - tỏ ra rất lo ngại khi chính sách phí công đoàn mới được áp dụng. Theo đó DN bắt buộc phải đóng 2% phí công đoàn làm tăng thêm gánh nặng rất lớn.

“Theo tôi biết, cả thế giới chỉ có VN mới có phí công đoàn này. Anh em rất lo lắng, đề nghị cơ quan quản lý xem xét lại”, ông Hồng đề nghị.

Cũng theo ông Hồng 80% nguyên liệu của ngành dệt may là nhập khẩu, phần lợi nhuận thu về thì lại ít ỏi.

Dù có nhiều hiệp định thương mại được ký kết, nhưng các điều kiện để hưởng lợi được từ các FTA này quá khó, khi nguồn nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu quá lớn.

Dù TP đã có chủ trương về đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nguồn nguyên phụ liệu, nhưng nếu không cải thiện phương thức sản xuất từ gia công để chuyển sang FOB, thì cũng không thể gia tăng giá trị được.

“Dù đã có chủ trương nhưng phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Cần giảm miễn thuế tiền thuê đất trên 7 năm đối với các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ”, ông Hồng đề nghị.

Giúp doanh nghiệp nhỏ vay vốn

Ông Huỳnh Văn Minh - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM mở đầu phần góp ý của hội nghị - Ảnh: Duyên Phan
Ông Huỳnh Văn Minh - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM mở đầu phần góp ý của hội nghị - Ảnh: Duyên Phan

Ông Huỳnh Văn Minh, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề nghị TP.HCM cần có cơ chế tài chính phải làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay một cách thuận lợi hơn, khi khối lượng DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần lớn tỉ lệ doanh nghiệp hiện nay.

Có tiền, có doanh nghiệp giỏi mà không có chính sách thì cũng không thể phát triển được.

Ông cũng kiến nghị cần có trường lớp để đào tạo doanh nghiệp, doanh nhân. Cần có chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia. Thương hiệu mới thì chưa có, nhưng thương hiệu cũ thì mất rồi.

Công tác xúc tiến thương mại cần chuyển giao về các hiệp hội, Nhà nước chỉ giữ lại những dự án trọng tâm, còn lại thì nên chuyển về hiệp hội để tránh lãng phí, tốn kém.

Hiện TP.HCM chưa có một trung tâm triển lãm nào ngang tầm với các nước trong khu vực. DN không cần vốn, mà chỉ cần cơ chế chính sách để đầu tư vào hạng mục này.

Sáng 8-3, không khí buổi họp trở nên sôi động ngay từ những phút đầu khi toàn bộ đại biểu nữ, phóng viên, nhân viên phục vụ được mời lên sân khấu để lãnh đạo TP.HCM tặng hoa nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.

Theo ông Sử Ngọc Anh, giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, hai tháng đầu năm 2016, TP.HCM tiếp tục có những tăng trưởng đáng khích lệ so với cùng kỳ.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt xấp xỉ 121.000 tỉ đồng, tăng 11,8%; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỉ USD (không tính dầu thô), tăng 8,2%; doanh thu du lịch đạt gần 17.300 tỉ đồng, tăng 7,6%.

Các nguồn vốn đầu tư huy động cho phát triển tăng khá, trong đó TP đã thu hút được 28.432 tỉ đồng đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Có 3.606 doanh nghiệp mới thành lập mới với vốn đăng ký 27.142 tỉ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký mới và bổ sung đạt 58.093 tỉ đồng, tăng đến 45% so với cùng kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại