Không dám nhìn trâu bị đập chết, người nuôi hôn, vái rồi bỏ về

H.Đan - H.Sơn |

Ông Thắng cho biết, sau khi buộc vào cọc xong, ông cúi xuống hôn, chắp tay vái "ông" trâu rồi ra đứng một chút và đi về ngay chứ không dám nhìn cảnh trâu bị dùng vồ đập đến chết.

Trong lễ hội Cầu Trâu (xã Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ) được tổ chức vào đêm mùng 9, rạng sáng mùng 10 tháng Giêng, 12 thanh niên đã thực hiện lễ cầu.

Họ dùng vồ đập đất thay phiên nhau nện vào đầu trâu cho đến khi trâu lễ gục xuống, chết mới thôi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Đức Thắng (Trưởng khu 4, xã Hương Nha) cho hay, lễ hội Cầu Trâu là một lễ hội truyền thống có từ rất nhiều đời nay của quê hương Hương Nha.

Sau khi người dân bàn bạc, thống nhất, phần lễ vật năm nay, bao gồm "ông" trâu được giao cho khu 4 mà trực tiếp là ông đảm trách.

"Trước đó, có một gia đình khác trong khu nhận nuôi ông trâu nhưng do họ bận nên việc nuôi đó chuyển cho tôi đảm trách.

Theo phong tục cũ thì việc nuôi "ông" trâu được thực hiện ở nhà tư nhưng năm nay, do ở đây có nhà văn hóa nên việc nuôi được thực hiện ở đó.

Và từ hôm dắt trâu về, tôi phải dọn đồ ra đấy ngủ để chăm trâu cho đến khi thực hiện lễ xong mới được về", ông Thắng cho biết.

Ông Lương Văn Thắng

Ông Lương Đức Thắng

Theo ông Thắng, bắt đầu từ 20 tháng Chạp là ban tổ chức nhận tiền quyên góp của dân làng, đến ngày 25 tháng Chạp thì đi dắt trâu về.

Việc chọn "ông" trâu cũng rất kỹ càng. Trâu phải được nuôi trong gia đình sạch sẽ, gọn gàng và phải to, khỏe.

Khi dắt trâu về, ngay khi đến đầu làng đã có cờ, trống cùng đông đảo người dân đến đón vào đình làm lễ rồi trở về nơi nuôi dưỡng.

Chế độ ăn của trâu được thực hiện bình thường và thức ăn không dùng đồ bẩn, các dụng cụ phải mua mới hoàn toàn. Trâu cũng phải thường xuyên được tắm bằng nước sạch ở các giếng trong xã.

"Vào hôm mùng 9 tháng Giêng thì các cụ tiến hành làm lễ đưa trâu từ chỗ nuôi cùng với bát hương ra trụ sở UBND xã rồi từ đó, rước ra đình để đêm hôm đó, các cụ thực hiện các nghi lễ cần thiết để Cầu Trâu", ông Thắng nói.

"Tự tôi thấy rằng không muốn xem"

Ông Thắng xác nhận, trong việc thực hiện nghi lễ Cầu Trâu, 12 thanh niên tượng trưng cho các "con chùa" sẽ dùng vồ nện vào đầu trâu được buộc ở cột trước đền hạ cho đến khi trâu gục xuống.

Đồng thời, ông Thắng cũng khẳng định, bản thân ông là người được giao nuôi cũng đã không dám theo dõi việc 12 "con chùa" dùng vồ nện vào đầu trâu cho đến chết.

"Thực sự là con vật mình đang nuôi, suốt ngày vuốt ve, chăm bẵm, nó cũng mến mến mình nên ai cũng vậy thôi, đều có lương tâm.

Lúc đó, sau khi dàn buộc trâu xong thì tôi có hôn, chắp tay vái "ông" trâu một cái và ra đứng chút về luôn chứ cũng không dám xem bởi tự mình thấy rằng không muốn xem", ông Thắng chia sẻ.

 
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền
Ngày nay, khi chúng ta phục dựng những giá trị được cho là di sản văn hóa phi vật thể của cha ông, chúng ta đã làm sống lại những hành vi như chém lợn, đập búa vào đầu trâu đến chết, cướp lộc, đánh nhau… Trong nền văn minh phát triển của loài người, rõ ràng những hành vi đó phản cảm nhưng khi phán xét thì cần biết rằng đó là những hành vi nguyên thủy.

Và dù cho rằng, chính bản thân cũng thấy nghi lễ này có phần phản cảm nhưng ông Thắng cho rằng, đây là truyền thống từ nhiều đời nay nên việc bỏ sẽ phải cần thời gian và chắc chắn có những tranh cãi.

"Ngay hôm tối mùng 10 tháng Giêng, sau khi diễn ra nghi lễ Cầu Trâu, đã có nhiều luồng ý kiến bày tỏ về sự phản cảm, dã man với động vật. Cá nhân mình cũng thấy điều đó.

Nhưng đây không phải là lễ hội mới, do chúng tôi bày đặt ra mà là lễ hội được thực hiện nhằm ghi nhớ công ơn của nữ tướng Xuân Nương từ thời Hai Bà Trưng.

Không biết bao nhiêu đời rồi nhưng đến thời chúng tôi vẫn duy trì nghi lễ này. Đó là nét văn hóa, truyền thống của quê hương nên nếu nói bỏ thì không thể bỏ được bởi bỏ thì còn gì là lễ hội.

Với tôi, thì tôi cũng đồng tình với việc có hình thức khác thay thế để phù hợp hơn", ông Thắng bày tỏ.

Trước đó, bà Lê Thị Thoa, Trưởng phòng Di sản văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, năm 2002 đã có một đề tài nghiên cứu khoa học về nghi lễ dùng vồ đập trâu đến chết trong lễ hội Cầu Trâu ở Hương Nha.

"Đây là nghi lễ được thực hiện theo đúng truyền thống của làng xã này. Con trâu được buộc vào một cọc tre ở miếu hạ. Sau đó, 12 thanh niên tượng trưng cho các con chùa cầm vồ đập vào đầu con trâu cho đến chết", bà Thoa cho biết.

Bà Thoa cũng cho hay, có nhiều ý kiến bày tỏ về việc giống như lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh hay một số lễ hội đập khác, nghi lễ dùng vồ đập trâu đến chết ở lễ hội Cầu Trâu được xem là hành động dã man, phản cảm.

Tuy nhiên, đó vẫn là truyền thống.

"Chắc chắn sắp tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có ý kiến chỉ đạo nhưng tôi tin rằng, việc thay thế truyền thống cũng phải nghiên cứu, có sự nhất quán từ trên xuống dưới", bà Thoa nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại