"Không bác sỹ nào dám giúp bệnh nhân... được chết"

Nguyễn Huệ |

Nhiều năm làm bác sỹ và tiếp xúc với không ít bệnh nhân nên PGS. Nguyễn Tiến Dũng nhận thấy tính không khả thi về "quyền được chết" đối với bệnh nhân.

Bác sỹ không chữa bằng thuốc sẽ chữa bằng tâm lý

Trong đề xuất của TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) về việc bổ sung quyền được chết vào dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi có nêu:

“Với những người sống thực vật, ung thư giai đoạn cuối, chịu đau đớn tột cùng về thể xác, tinh thần và muốn ra đi nhẹ nhàng nên cho họ có quyền được chết”.

Thế nhưng, khi trao đổi với chúng tôi về “quyền được chết”, PGS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng mình vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa cụm từ “quyền được chết” như đề xuất đã đưa ra.

Tuy nhiên, PGS Dũng cũng đưa ra quan điểm của mình về sự khác nhau giữa “quyền được chết” và việc người nhà xin bệnh viện cho bệnh nhân về.

Sau rất nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực y tế, từng đi thăm nhiều bệnh viện của các nước trên thế giới, PGS Dũng chứng kiến không ít người bệnh đau đớn, có người sống thực vật nhưng các bác sĩ vẫn giúp bệnh nhân duy trì sự sống dù chỉ trong khoảnh khắc.

PGS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
PGS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Bởi lẽ, với ông, có hai loại đau đó là đau về thể xác và đau về tâm hồn.

“Chúng ta có nhiều biện pháp tại sao lại nghĩ tới cái chết ngay khi người ta đang còn sống? Có nhiều người miệng nói muốn chết nhưng kì thực trong lòng họ nghĩ khác” – PGS. Nguyễn Tiến Dũng đặt ra câu hỏi.

Ông đã đưa ra ví dụ tại bệnh viện trên đất nước Nhật Bản trong thời gian ông còn học tại đó: “Họ có khu dành riêng cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối khi mà càng tiêm thuốc truyền càng không đáp ứng được việc đẩy lùi bệnh tật.

Thậm chí, có bệnh nhân đau dữ dội được chuyển sang khu trợ giúp tâm lý. Những người mắc bệnh ung thư đó được ở chung với một số người bệnh khác.

Họ được ngồi nói chuyện, chia sẻ với nhau cũng như với người thân của người bệnh. Điều ấy sẽ giúp họ giảm bớt những đau đớn về bệnh tật”.

Từ thực tế đó, PGS. Nguyễn Tiến Dũng phân tích sâu hơn về “quyền được chết” như trong đề xuất của Bộ Y tế.

Theo đó, với những bệnh nhân ở giai đoạn cuối (không chỉ riêng bệnh ung thư – PV) họ có nhiều tâm lý khác nhau như: Lấy tiền đâu chữa bệnh, ai chăm sóc mình, chữa như thế cũng không khỏi được chi bằng không chữa nữa…

Tuy nhiên, với các bác sỹ, không chữa bằng thuốc nhưng có thể chữa bằng trợ giúp tâm lý.

“Ở ta còn đang thiếu sự trợ giúp đó nên các thầy thuốc đồng thời phải làm trợ giúp tâm lý để hiểu được tâm tư của bệnh nhân.

Mặc dù khi tư vấn cho gia đình cũng như người bệnh có người hiểu vấn đề, có người không vì thực tế, tư vấn tâm lý không phải là chuyên môn, tuy nhiên cũng sẽ ít nhiều tác động tới tâm lý của họ” – PGS. Dũng chia sẻ.

Khi PGS. Dũng tiếp xúc với các bệnh nhân nhi rồi khám cho các em, có nhiều đứa trẻ ung thư giai đoạn cuối, nhìn khuôn mặt, thái độ của các bé, là bác sỹ, ông hiểu những đau đớn mà chúng đang chịu.

Có nhiều đứa trẻ biết suy nghĩ, các em tự quyết định xin cho mình được về chỉ để gặp bạn bè chứ không xin chết.

“Lúc đó, tôi chỉ nói với các em: Cháu ơi, cháu về cháu có thể uống một số thuốc Nam hoặc cháu ăn bồi bổ lên biết đâu đấy bệnh lại giảm.

Như thế em bé khi ra về vẫn có lòng tin biết đâu bệnh của mình đỡ. Không cứu được họ nhưng phải an ủi để xây dựng trong họ niềm tin. Chúng tôi chỉ khuyên các cháu và gia đình như vậy” – vị này nói.

Ở đây, PGS. Dũng chỉ nói về tình thương và quan hệ giữa con người với con người vì chúng ta đang sống mà nhắc tới cái chết là rất nguy hiểm.

Đặc biệt, những người ung thư giai đoạn cuối, tâm lý của họ rất đơn giản. Dù họ có nói không chữa được thì họ xin về chứ họ không nghĩ tới cái chết.

Theo đó, bác sỹ cũng chỉ nói những điều để bệnh nhân hi vọng vào việc chữa khỏi bệnh mà không bao giờ nhắc tới cái chết với họ hay người nhà của họ.

Nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức
GS.TS Đỗ Kim Sơn
Khi đưa "quyền được chết" vào luật, phải có tiêu chí xác định đâu là trường hợp không còn hy vọng sống về mặt khoa học thì mới cho phép, còn những trường hợp khác muốn chết vì những lý do khác thì phải ngăn, vì đó là tiêu cực. Vì vậy, luật phải quy định chặt chẽ để vấn đề “quyền được chết” không bị lạm dụng. (Theo Dân Việt)

Niềm tin của bệnh nhân là hạnh phúc của bác sỹ

“Thấy bệnh nhân có niềm tin thì đó là niềm hạnh phúc của bác sỹ. Làm được điều ấy, chúng tôi cũng thấy mình nhẹ nhõm hơn nhiều. Ở các nước phương Tây, các bác sỹ cũng chỉ nghĩ tới việc đi cứu người.

Bản thân tôi thấy đề xuất này không khả thi. Không bác sỹ nào dám giúp bệnh nhân thực hiện quyền được chết” – bác sỹ Dũng cho hay.

Cũng theo vị này, hiện tại trên thế giới chỉ có: Hà Lan, 4 bang của Mỹ, Bỉ, vài bang của Thụy Sỹ… cho phép thực hiện cái chết nhân đạo.

Ở những nơi này, khi bệnh nhân đủ tỉnh táo, đủ năng lực hành vi dân sự, đủ khả năng nhận thức hành vi của mình, đủ 18 tuổi thì có quyền lựa chọn cái chết nhân đạo bằng chúc thư hoặc yêu cầu bác sỹ chứng nhận.

Trường hợp bệnh nhân sống thực vật, quyền lựa chọn thuộc về gia đình.

Nguyên BS khoa Phẫu thuật TK, BV Chợ Rẫy
TS Võ Xuân Sơn
"Không ai có quyền quyết định thay người bệnh, trong việc bắt họ tiếp tục sống, hay để cho họ được chết theo mong muốn, kể cả khi người đó là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột thịt. Đôi khi, việc duy trì tình trạng đau đớn của người bệnh mà không cho họ chết theo nguyện vọng, có thể được hiểu theo cách khác, rằng chúng ta đang để họ phải chịu đau đớn nhiều hơn. Đã có những người bệnh cho rằng, bác sĩ đã rất ác khi không để cho họ được chết". (Theo Infonet)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại