Khi nào CSGT bị coi là vi phạm luật?

Hoàng Đan |

Theo các luật sư, có thể một vài CSGT đã nghĩ rằng mình có quyền dừng xe là có quyền lực tối thượng, mọi phương tiện giao thông phải chấp hành vô điều kiện.

CSGT có nhiều quyền hạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ

Thời gian qua, rất nhiều vụ việc, chống người thi hành công vụ đối với lực lượng CSGT đã xảy ra khiến nhiều CSGT bị thương vong. Mới đây nhất, vụ việc CSGT thuộc Đội CSGT số 5 CA Hà Nội bị kéo lê hàng chục mét trên QL đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ.

Tuy nhiên, có một câu chuyện đặt ra, đó là có hay không việc CSGT đang có sự nhầm lẫn, sử dụng sai quyền hạn của mình để trở thành quyền lực.

Trước ý kiến cho rằng, nhiệm vụ của CSGT trước hết là đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Vì thế, bất cứ hành động nào dẫn đến sự mất an toàn về giao thông cũng là không đúng với trách nhiệm và quyền hạn của lực lượng CSGT?

Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nguyên cho rằng, theo điều 5 của Thông tư 65 ngày 30/10/212 của Bộ Công an thì với CSGT ngoài 7 quyền hạn cụ thể được nêu trong này, còn có quyền hạn thứ 8 là “quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”.

Có nghĩa là CSGT có rất nhiều quyền hạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

"Tuy nhiên, khi CSGT có hành động nào đó dẫn đến sự mất an toàn về giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Có thể là hành vi làm chết người trong khi thi hành công vụ theo điều 97 Bộ luật hình sự, hoặc tội cản trở giao thông đường bộ theo điểm h, khoản 1 điều 203 Bộ luật hình sự...

Thực tế vừa qua có không ít những vụ CSGT đuổi đánh hoặc đạp đổ xe của người tham gia giao thông mà họ cho rằng người đó vi phạm giao thông dẫn đến nạn nhân bị thương tật hoặc bị chết....", luật sư Út nói.


Luật sư Phạm Công Út.

Luật sư Phạm Công Út.

Còn theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp thì theo quy định hiện hành thì CSGT cũng không được tùy tiện dừng phương tiện mà chỉ được dừng để kiểm soát khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm.

Theo luật sư Cường, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát giao thông đã được quy định rất cụ thể tại Luật GTĐB, Thông tư số 65/2012/TT-BCA với nhiệm vụ chính là để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn giao thông.

Bất cứ cá nhân nào vi phạm luật giao thông đường bộ, gây ùn tắc giao thông, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông… thì những hành vi đó đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà CSGT không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình nêu trên gây ách tắc giao thông hoặc gây nguy hiểm cho người khác thì hành vi đó là vi phạm pháp luật và cần phải được chấn chỉnh, xử lý theo quy định pháp luật.

CSGT nhảy lên nắp ca - pô: Đánh đu số phận với nguy hiểm

Cũng theo luật sư Út, khi phát hiện người tham gia giao thông có dấu hiệu vi phạm giao thông thì CSGT có nhiều cách, có phương tiện, có công cụ hổ trợ, và đã được trang bị những kỹ năng xử lý tình huống.

"Nhưng chắc chắn không ai dám trang bị cho lực lượng CSGT xử lý tình huống bằng việc lao ra trước mũi xe ô tô hoặc nhảy lên nắp ca-pô, giữ chặt cần gạt nước để buộc người vi phạm phải chấp hành việc phạt vi cảnh.

Hình ảnh đó vừa khủng khiếp vì cách đánh đu số phận mình với nguồn nguy hiểm cao độ, nhiều nguy hiểm đến tính mạng, cũng vừa để lại hình ảnh không đẹp trong mắt mọi người", luật sư Út nêu.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, khực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên thì CSGT phải đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và an toàn cho chính bản thân mình và đồng đội của mình.

"Việc một số CSGT bất ngờ lao ra giữa đường để bắt giữ người có dấu hiệu vi phạm giao thông là một hình ảnh không đẹp, gây ra sự nguy hiểm cho người tham gia giao thông và nguy hiểm cho chính người xử lý vi phạm.

Những hành động như vậy cần phải chấm dứt để đảm bảo an toàn giao thông và an toàn cho chính người thi hành công vụ", luật sư Cường cho hay.


Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Trong tình huống nếu người tham gia giao thông đang điều khiển xe với tốc độ cao mà CSGT bất ngờ lao vào đầu xe để bắt giữ dẫn đến hậu quả tai nạn chết người theo luật sư Cường, người lái xe sẽ không có lỗi trong tình huống đó.

"Sự việc này sẽ được đánh giá là sự kiện bất ngờ hoặc tình huống bất khả kháng và nếu người thi hành công vụ trong trường hợp này có thương tích hoặc thiệt mạng thì người lái xe cũng không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nếu người điều khiển giao thông phát hiện phương tiện vi phạm, ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe từ xa, đủ để người điều khiển phương tiện giao thông giảm tốc độ, tấp lề đường, dừng xe để giải quyết.

Nhưng người tham gia giao thông đó không chấp hành mà còn lao xe thẳng vào CSGT thì trường hợp này mới có thể xử lý người lái xe về tội chống người công vụ, cố ý gây thương tích hoặc tội giết người", luật sư Cường nhấn mạnh.

Quyền hạn và quyền lực của CSGT

Theo luật sư Cường, gần đây xuất hiện một số trường hợp chống người thi hành công vụ mà có phần lỗi, trách nhiệm từ phía người thi hành công vụ.

Ví dụ như gây bức xúc cho người vi phạm, bất ngờ lao ra giữa đường để dừng xe, chặn đầu xe người vi phạm và có thái độ thách thức…

"Có thể là do một số người đang có sự nhầm lẫn giữa “quyền hạn” và “quyền lực”. Quyền hạn của CSGT có quyền được dừng phương tiện tham gia giao thông khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên việc dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý phải đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và an toàn cho chính người thi hành công vụ.

Có thể một vài trường hợp đã nghĩ rằng mình có quyền dừng xe là có quyền lực tối thượng của họ (CSGT), mọi phương tiện phải chấp hành vô điều kiện, hiện thân của họ như sức mạnh vô hình chặn đứng mọi phương tiện giao thông", luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, việc CGST “cảm tử, liều mình” lao vào đầu xe (ôtô) để buộc người lái xe phải dừng xe do có dấu hiệu vi phạm giao thông là việc không nên làm.

"Hành động như vậy không được pháp luật cho phép và tự mang đến sự nguy hiểm cho mình và người khác.

Trong trường hợp phát hiện người tham gia giao thông vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm thì cũng không nên lao vào đầu xe ô tô của họ để cản trở nhằm bắt giữ can phạm", luật sư Cường

Hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát 113 và các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông rất hùng hậu, phương tiện kỹ thuật hiện đại, có bộ đàm, xe phân khối lớn, gắn nhiều camera trên đường…

Do vậy việc phối hợp bắt giữ phương tiện vi phạm đang lưu thông trên đường do có dấu hiệu vi phạm là không khó và không nhất thiết cứ phải lao vào đầu xe một cách “cảm tử” hoặc nhảy lên nắp capo để “ghì cương” xe ô tô một cách quyết liệt như vậy.

Những hành vi như vậy cần phải chấm dứt để đảm bảo an toàn giao thông và an toàn cho chính bản thân người thi hành công vụ.

Còn luật sư Út, CSGT chỉ có một số quyền hạn công nhất định trong việc lập biên bản vi phạm quy định về giao thông, hoặc xử phạt trực tiếp với những lỗi nhỏ, số tiền phạt không lớn.

"Trường hợp người bị lập biên bản có thái độ chống đối lại dễ bị quy kết về hành vi chống người thi hành công vụ, là hành vi nguy hiểm được quy định trong Bộ luật hình sự.

Từ đó, đa phần người tham gia giao thông có thái độ sợ sệt, năn nỉ mà không dám phản ứng lại dù họ tin chắc rằng mình không có lỗi.

Chính vì điều đó lập đi lập lại có thể đã tăng thêm cảm giác của CSGT rằng họ có nhiều quyền lực, có quyền ban phát cơ chế xin cho đối với người tham gia giao thông", luật sư Út nhìn nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại