Chưa rõ thời gian đưa thi thể về Việt Nam
Liên quan đến vụ việc nữ doanh nhân Hà Linh chết đột ngột ở Trung Quốc, trao đổi với chúng tôi vào chiều 30/9, luật sư Trương Quang Quý, người được ủy quyền tạm thời điều hành công ty của bà Linh đã cung cấp thêm nhiều thông tin mới.
Theo luật sư Quý, từ ngày 28 đến 30/9, ông đã tìm nhiều cách nhưng vẫn không thể liên lạc được với những thân nhân của bà Hà Linh hiện đang ở Trung Quốc làm các thủ tục nhận thi thể nạn nhân.
"Có thể những người này đang ở một khu vực nằm ngoài vùng phủ sóng điện thoại nên mới không thể liên lạc được. Hiện tôi vẫn đang cố tìm cách liên lạc xem tình hình thế nào", luật sư Quý nói.
Cũng theo luật sư Quý, trong lần gọi về gần đây nhất, bà Hà Mỹ Châu, chị gái của bà Hà Linh cho biết đã tiếp cận được với thi thể của em gái mình, nhưng chỉ được nhìn mặt còn toàn bộ phần vết thương được phủ vải trắng.
Tuy nhiên, gia đình bà Châu đang phải chờ cơ quan chức năng sở tại hoàn tất việc khám nghiệm pháp y, tiếp đó phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính.
Trong đó, có việc xin Bộ Y tế Trung Quốc cấp giấy chứng nhận an toàn dịch tễ, từ đó mới được phép di chuyển thi thể nạn nhân ra khỏi nhà tang lễ TP Đông Quản (Quảng Đông).
Sau khi tiến hành kiểm dịch y tế với thi thể xong thì họ sẽ cấp giấy để tiến hành khâm liệm, nhập quan... Tiếp đó sẽ tiến hành làm các thủ tục lãnh sự cần thiết, do trước đó, bà Linh mất tài sản.
Rồi qua các thủ tục sân bay... mới có thể đưa thi thể về nước.
Về thời gian đưa thi thể bà Hà Linh về nước, luật sư Quý cho hay, gia đình mong muốn đưa về trước ngày 1/10, nhưng cho đến thời điểm này thì chưa thể nói được thời gian cụ thể.
"Ngày 1/10 này Trung Quốc nghỉ lễ Quốc khánh dài đến 7 ngày nên mọi hoạt động thủ tục, hồ sơ liên quan đến vụ án của bà Hà Thúy Linh lại phải tạm dừng.
Tất cả phải qua ngày lễ họ mới bắt đầu lại, nên có thể 20 ngày nữa mới có thể đưa thi thể bà Linh về Việt Nam.
Gia đình và công ty cũng rất lo lắng, nhưng cũng không biết làm thế nào", luật sư Quý nói.
Nhiều nghi vấn xung quanh cái chết của bà Linh
Trước đó, sau khi sang Trung Quốc vào ngày 19/09/2015, bà Hà Thúy Linh đã không liên lạc gì về Việt Nam cho đến khi chị ruột của bà nhận được thông báo rằng bà đã qua đời.
Trong công điện khẩn ngày 23/09/2015 của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc báo về vụ việc bà Linh bị sát hại có nêu rõ:
“Bà Hà Thúy Linh được bạn hàng mời uống nước, sau đó bị hôn mê, cướp toàn bộ tài sản, hộ chiếu tại thôn Cửu Giang Thùy, thị trấn Thường Bình, TP.Đông Quản, tỉnh Quảng Đông.
Bà được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong vào sáng sớm ngày 22/09. Theo chẩn đoán y tế, bà Linh bị tổn thương tuyến tụy và vỡ trực tràng 12 do ngoại lực tác động...”.
Luật sư Trương Quang Quý cho biết, theo công điện của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu thì bà Linh ngoài bị bỏ thuốc mê còn bị đánh đập tạo ra những vết thương nặng, đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc bà bị tử vong.
Ông Quý cũng cho rằng, một manh mối đáng chú ý cần được cơ quan chức năng nước sở tại tập trung điều tra, làm rõ nguyên nhân cái chết của bà Hà Thúy Linh là “người bạn hàng”.
Bởi, theo luật sư Quý, trước khi sang Trung Quốc ký kết hợp đồng, mở rộng thị trường tiêu thụ trà ô long, bà Hà Thúy Linh đã có một số lần đàm phán với khách hàng Trung Quốc tại TP. HCM.
Sau khi các bên đạt được những thỏa thuận, ông Trương Quang Quý được giao soạn thảo một hợp đồng bằng tiếng Việt (sau đó được dịch thành tiếng Trung Quốc).
Tại hợp đồng này, mục bên mua hàng bị bỏ trống mà theo bà Hà Thúy Linh khi đó cho biết là sang Trung Quốc mới điền thông tin, đó là yêu cầu của đối tác.
Bà Hà Thúy Linh, sinh năm 1970, quê ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), xuất phát từ một hướng dẫn viên du lịch, chuyên thông dịch tiếng Trung Quốc cho du khách. Năm 2002, bà kết hôn với một người Đài Loan.
Cả hai có Công ty TNHH Haiyih, chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè ôlong sang thị trường Đài Loan. Thời gian này, chồng bà làm giám đốc, bà làm phó giám đốc.
Năm 2008, bà Linh tách khỏi HaiYih để thành lập doanh nghiệp riêng có tên là Công ty TNHH Hà Linh, chuyên sản xuất và chế biến trà ô long cao cấp sau khi quan hệ vợ chồng có nhiều rạn nứt rồi ly hôn.
Hai công ty này đều có vùng sản xuất nguyên liệu tại các xã Xuân Trường, Trạm Hành (Đà Lạt), được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau nhiều năm qua.