"Hiện tượng 40 năm trong nghề chưa từng gặp!"

Hoàng Đan |

"Hơn 40 năm trong nghề của anh Tăng (ông Bùi Minh Tăng - PV), nguyên giám đốc Trung tâm và hơn 30 năm trong nghề, tôi chưa từng gặp hiện tượng nguy hiểm và mạnh như thế này".

Đề xuất cảnh báo qua tin nhắn

Hàng trăm cây xanh, cột điện, biển quảng cáo... bị đổ, nhiều ngôi nhà bị tốc mái, cùng với đó, rất nhiều xe máy, ôtô đã bị hư hại nặng do cây xanh, cột điện đổ đè, thậm chí hai người đã thiệt mạng vì cơn siêu giông xảy ra chiều tối ngày 13/6 tại Hà Nội.

Theo tìm hiểu của PV, khoảng 30 phút trước thời điểm xảy ra mưa giông hôm 13/6, trên website chính thức của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung Ương đã có bản tin cảnh báo có giông.

Thế nhưng, không ít vấn đề được đặt ra, trong đó là, công tác dự báo, cảnh báo của chúng ta đã kịp thời, thông tin nhanh chóng đến người dân chưa hay với công nghệ hiện nay, có thể dự báo được trước những hiện tượng giông lốc lớn hay không.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều 15/6, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, bắt đầu từ năm 2014, khi Luật Phòng chống thiên tai ra đời thì việc phát tin trở nên tốt hơn.

Những trường hợp thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ… được phát thời gian sớm hơn, cập nhật nhanh hơn, số lượng tin bão nhiều hơn…

"Nhưng một số hiện tượng thủy văn nguy hiểm khác như mưa lớn, gió mạnh trên biển, rét đậm, giông lốc, sét, mưa đá... thì đây là những hiện tượng mới làm, vừa làm, vừa quản lý, vừa học hỏi, nhằm xây dựng quy trình cảnh báo sớm hơn", ông Hải cho hay.

Hình cảnh xe máy đổ ngổn ngang trong cơn giông chiều tối 13/6 ở Hà Nội. Ảnh: Facebook.

Cảnh xe máy đổ ngổn ngang trong cơn giông chiều tối 13/6 ở Hà Nội. Ảnh: Facebook.

Ông Hải khẳng định lại một lần nữa, những hiện tượng trên không dự báo được mà chỉ có thể đưa ra những cảnh báo tức là cảnh báo với hiện tượng nguy hiểm đang hoặc sắp xảy ra hoặc có nguy cơ cao xảy ra, sắp gây hậu quả.

"Mưa giông là hiện tượng có thể đưa ra cảnh báo được nhưng đi kèm các cơn giông là hiện tượng ít gặp hơn như lốc xoáy hôm 13/6 vừa qua.

Hơn 40 năm trong nghề của anh Tăng (ông Bùi Minh Tăng - PV), nguyên giám đốc Trung tâm và hơn 30 năm trong nghề, tôi chưa từng gặp hiện tượng nguy hiểm và mạnh như thế này.

Vì là hiếm gặp nên đưa ra cảnh báo kịp thời phù hợp với thực tế là việc hết sức khó khăn và có lẽ là chưa thỏa mãn được yêu cầu của cộng đồng", ông Hải bày tỏ.

Ông Hải cũng thừa nhận, việc dự báo các hiện tượng quy mô lớn như bão, áp thấp nhiệt đới thì Trung tâm đã thiết lập được một hệ thống thông tin tốt do trung tâm sản xuất và lập tức phát sang các cơ quan liên quan gần như ngay lập tức.

Nhưng với các hiện tượng cực đoan khác thì Trung tâm mới chỉ dừng lại ở việc xuất bản trên website và xuất hiện trên kênh VOV giao thông vào lúc 5h chiều.

"Xem xét lại thì đúng như một số ý kiến nói là đang có một cái gì đó chưa được rộng khắp, cần phải có hình thức đưa thông tin tới tận các loa phường đến những người dân ở vùng này hay vùng kia.

Chúng tôi sẽ xem xét lại và đề xuất với Bộ Tài nguyên và môi trường, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai.

Thậm chí sẽ đề xuất có cả hình thức nhà mạng đưa ra cảnh báo, họ biết được những người nào đang ở đâu, ở đó có lốc xoáy thì những người đó sẽ nhận được những tin nhắn", ông Hải cho hay.

Tuy vậy, để làm được điều đó, theo ông Hải là không đơn giản và phải có chỉ đạo từ cấp trên vì đây là hoạt động phục vụ công ích, liên quan tới tính mạng con người.

"Chúng tôi không thể làm việc với các nhà mạng được. Một tin nhắn rẻ nhất đã là 200 đồng, đắt nhất là mười mấy nghìn đồng thì chúng tôi không thể làm được điều ấy.

Các nhà mạng có thể xác định được vị trí các thuê bao thì có thể gửi tin nhắn tới các thuê bao ấy" - ông Hải chia sẻ.

Trong thời gian tới, trung tâm cũng sẽ có hình thức liên hệ nhiều hơn với các cơ quan báo đài có thể phát sóng trực tiếp các thông tin "nóng"- dạng breaking news, ngắt chương trình phát sóng để đưa tin cảnh báo thời tiết cực đoan.

Người dân nên làm gì khi giông lốc xảy ra?

Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung Ương Hoàng Đức Cường cũng cho hay, việc chuyển tải thông tin tới người dân có hai vấn đề đó là:

Nền tảng công nghệ thông tin, phương pháp truyền tin, thói quen người sử dụng… cần phải được khảo sát kỹ và thứ hai là phải phù hợp với loại hình thiên tai.

"Mưa giông cảnh báo sớm được nhưng lốc xoáy khó cảnh báo. Với việc cảnh báo trước 30 phút thì bất kỳ phương tiện truyền tin nào cũng bị hạn chế.

Để phát triển được loại hình truyền tin nào, phù hợp với hiện trạng thói quen, hình thức thiên tai, thời gian… thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng và cần nhiều đơn vị khác nhau cùng góp sức", ông Cường nói.

Ông Cường cũng khuyến cáo, với thời gian rất ngắn như vậy, người dân cần ứng phó ngay và đây là điều quan trọng. Ví dụ, họ có thể dừng ngay hoạt động giao thông, tránh trú an toàn khi thấy thời tiết chuyển tối sầm.

"Các quốc gia thường xuyên chịu thảm họa thiên tai, người dân vẫn bị lúng túng. Tôi nói như thế để nhấn mạnh tính bất ngờ, bất thường của thiên tai là yếu tố chủ đạo.

Chúng ta cố gắng đừng lúng túng để giảm thiểu thiệt hại chứ không thể triệt tiêu được", ông Cường nói thêm.

Đồng quan điểm đó, ông Lê Thanh Hải cũng bày tỏ, trước diễn biến thời tiết dị thường như cơn lốc cực kỳ nguy hiểm người dân, nhất là người tham gia giao thông, cần đề phòng và ít ra đường khi trời mưa giông để tránh những rủi ro đáng tiếc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại