Sau cơn giông lớn chiều 13/6, cây xanh ở một số tuyến đường như Nguyễn Trãi hay Lê Duẩn (Hà Nội) được cho là gỗ mỡ đổ ngổn ngang.
Điều ngạc nhiên là phần gốc hai cây này vẫn được bọc kín bằng lưới, túi nilon và buộc bằng những sợi dây gai đỏ.
Còn trên đường Nguyễn Chí Thanh, tại đây tuy không có cây nào bị đổ, nhưng do cơn mưa lớn đã trôi đi lớp đất phủ ở mỗi gốc cây, làm lộ ra những chiếc bọc bằng lưới quanh mỗi gốc cây.
Trả lời tại buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều 16/6, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cơn giông chiều ngày 13/6 đã gây ra thiệt hại lớn trên địa bàn.
Lượng mưa không lớn nhưng gió mạnh đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với hệ thống cây xanh, điện, nước...
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong.
Theo thông kê có 2 người chết, ít nhất 7 người bị thương, hư hại nhiều phương tiện. Số lượng thống kê chưa đầy đủ đến chiều 16/6 là 998 cây xanh bị đổ ở 12 quận, huyện.
"Các cây đổ này tập trung vào các cây rễ ăn ngang, rễ nông, tập trung nhiều là các cây muồng, bằng lăng với khoảng hơn 500 cây. Nhiều cây gãy, đổ ngang đường gây cản trở giao thông và sự việc đáng tiếc là có 2 người thiệt mạng.
Hệ thống cây xanh gãy đỗ đè lên cáp ngầm, điện, làm mất điện... ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân...", ông Phong thông tin.
Cũng theo ông Phong, ngay trong và sau cơn giông, Ủy ban nhân dân thành phố đã có chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung thực hiện các phương án xử lý hậu quả cơn giông trong thời gian nhanh nhất.
"Đến sáng 16/6, tất cả các cây xanh đổ, gãy gây ảnh hưởng đến giao thông đã được khắc phục xong.
Toàn bộ các cành gãy trên vỉa hè đã được thu dọn và các đơn vị đang tiếp tục khắc phục, thu dọn các cây gãy, đổ trong các công viên cũng như các cây bị nghiêng, gây nguy hiểm", ông Phong nói.
Đối với các cây bị đổ còn nguyên bầu bọc nilon, ông Phong cho biết:
"Thành phố đã có chỉ đạo và Sở Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị kiểm tra lại việc này. Thứ nhất, nếu toàn bộ những việc này vi phạm quy trình trồng cây thì chúng tôi sẽ xử lý các vi phạm theo quy định".
Liên quan đến việc cây xanh đổ bầu còn nguyên nilon, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cho hay, thành phố đã giao cho các cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Xây dựng kiểm tra, nếu sai quy trình sẽ phải xử lý
"Sở Xây dựng cũng đã trao đổi, các hợp đồng trồng cây thì khi nào cây sống, phát triển mới được thanh toán. Còn nếu trồng không đúng kỹ thuật, cây không sống mà chết thì phải trồng đến đến khi cây sống.
Các cơ quan chức năng của thành phố sẽ phải giám sát việc này", ông Phong nhấn mạnh.
Về thông tin cho rằng, việc khắc phục hậu quả cơn giông lốc vừa qua còn chậm, ông Võ Nguyên Phong cho rằng:
"Đối với các phương án đối phó của chúng tôi đã xây dựng trong trường hợp chỉ là 300 cây nhưng khối lượng ở đây lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, việc khắc phục cần thời gian, phương tiện, nhân lực đảm bảo được yêu cầu về kỹ thuật, an toàn.
Với việc cắt hạ những cây xanh gãy đổ vào nhà dân như thời gian vừa qua cần thiết phải có xe cẩu 25 tấn, xe nâng có tầm tới 32m... Việc giải phóng phải ưu tiên cây gãy đổ ảnh hưởng đến giao thông, các công trình và các khu vực còn lại.
Việc khắc phục vừa qua đã rất cố gắng và có hiệu quả".
Đại diện UBND TP Hà Nội cũng thông tin thêm, đối với các nạn nhân thiệt mạng trong cơn giông, thành phố đã chỉ đạo các địa phương thăm hỏi và có hỗ trợ kịp thời.