Các nhà khoa học giải mã vì sao hàng ngàn con hải sâm dạt vào bờ biển Phú Quốc ngày 18-9 vừa qua.
Nền đáy san hô bị tổn thương
Ông Nguyễn Văn Long, người dân ở xã Dương Tơ, Phú Quốc cho biết ngày 18-9 nghe mọi người báo tin mới biết rất nhiều hải sâm dạt vào bờ biển ở khu vực từ Dinh Cậu đến Cửa Lấp. Nhà ông thu gom được khoảng 100kg.
Theo ước tính của ông Long thì số lượng hải sâm dạt vào bờ lần này là khoảng 2 tấn và “chỉ có lần này mới nhiều như vậy”, ông Long nói.
Những người dân sống lâu năm tại Phú Quốc khẳng định từ trước đến nay biển Phú Quốc chưa từng xảy ra hiện tượng này.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam nhận định ban đầu rằng khu vực nền đáy san hô tại nơi này đang bị tổn thương bởi một hoặc nhiều tác động.
Theo tìm hiểu của ông Long, những hoạt động du lịch, việc khai thác cá mú và hải sâm hiện nay tại Phú Quốc đã làm nền đáy san hô bị tổn thương nặng nề và đó là lý do hiện tượng hải sâm bị cuốn lên bờ hàng loạt xuất hiện.
Ông Long lý giải việc tàu thuyền khai thác bằng những xúc lớn cào dưới đáy, quét đi bề mặt dưới đáy biển, nhất là những rặng san hô cổ hay dùng hóa chất, dùng mìn trong đánh bắt đã phá hoại ngôi nhà của hải sâm.
“Khi mất nhà, sức chống chịu của hải sâm với sóng lớn sẽ bị giảm đi. Những đợt thay đổi lớn về thủy triều, sóng lớn dưới bề mặt sẽ quét những gì dưới đáy biển lên, cuốn theo cả hải sâm và đẩy tất cả vào bờ”, ông Long nói.
Tiến sĩ Đỗ Văn Tứ, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật cũng đưa ra giả thuyết tương tự rằng có thể môi trường sống của hải sâm tại khu vực này đã bị phá hủy hoặc ô nhiễm từ việc dùng hóa chất hoặc chất nổ để đánh bắt của ngư dân.
“Trong điều kiện môi trường bình thường, ít khi hải sâm bị đánh dạt khỏi môi trường sống của mình. Chỉ khi hải sâm đã yếu hoặc môi trường sống bị phá hoại thì mới có hiện tượng dạt vào bờ và chết hàng loạt”, tiến sĩ Đỗ Văn Tứ nói.
Lưu tâm đến vấn đề chất thải
Đó là ý kiến của giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.
Một nguyên nhân có thể nghĩ đến về hiện tượng hải sâm dạt vào bờ và chết hàng ngàn con, theo giáo sư Đặng Huy Huỳnh là vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường sống vốn cần sạch sẽ của loài sinh vật này.
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh cho rằng với những hoạt động du lịch, khai thác, nuôi trồng thủy sản sôi nổi hiện nay ở Phú Quốc, cần phải hết sức lưu tâm đến vấn đề rác thải.
“Tại các khu vực đông dân, đông khách, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng sôi động, nếu không giải quyết được vấn đề rác thải, cứ đem rác đổ xuống biển thì sẽ dẫn đến hậu quả xấu như đã thấy”, giáo sư Đặng Huy Huỳnh cảnh báo.
Không nên ăn hải sâm chết
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long cho biết đây là mùa sinh sản của hải sâm. Mùa sinh sản này thường kéo dài khoảng 2 tháng, cũng là thời điểm bùng nổ về số lượng hải sâm.
Tuy nhiên, thời điểm này nên tránh việc khai thác bởi hải sâm là một mắt xích trong quá trình vận chuyển vật chất dưới đáy biển, nếu tận diệt thì sẽ làm mất đi sự cân bằng, làm biến động vòng tròn khép kín trong chu trình này.
Ngoài ra, theo ông Long, việc khai thác này cũng làm mất đi tính tự bảo vệ của hệ sinh thái san hô dưới đáy biển.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long cũng đưa ra cảnh báo hải sâm chết sẽ biến đổi rất nhanh, cơ thể chúng có thể chứa nhiều tảo độc, nấm độc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc ăn những con hải sâm chết sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, ông Long đưa ra khuyến cáo.
Hải sâm là gì?
Hải sâm (tên tiếng Anh: sea cucumber) tên dân gian là con “rum”, đỉa biển, là động vật không xương sống, thuộc ngành da gai.
Hải sâm có tuổi đời trong tự nhiên khoảng từ 5-10 năm, chiều dài cơ thể từ 2-200 cm.
Hiện nay trên thế giới đã phát hiện được khoảng 1,250 loài hải sâm. Đa số các loài hải sâm sống ở đại dương, một số phân bố ở vùng nước nông hoặc biển sâu. Thân hình ống như quả dưa leo, hơi nhám và mềm nhũn.
Đầu trước là miệng, thường có 8-30 chân hình ống giống xúc tu xung quanh. Đầu sau có hậu môn.
Hải sâm là loài động vật ăn tạp, chúng ăn những sinh vật và động vật nhỏ, hoặc chất thải được thu thập
Hải sâm là thức ăn của các và một số sinh vật biển khác. Ở một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, hải sâm được xem là loại thực phẩm có giá trị cao vì tin vào khả năng chữa bệnh. Hải sâm được khai thác bằng cách bắt và gây nuôi.
Khi gặp nguy hiểm, một số loài hải sâm tiết ra chất nhằm gài bẫy kẻ thù. Một số khác tự chia tách một phần cơ thể, làm bật phủ tạng ra ngoài hậu môn để đánh lạc hướng, sau đó những phần bị mất sẽ tái sinh.
TÀI PHONG
Người dân kéo ra bãi biển thu lượm hải sâm - Ảnh: Thảo Ly
Hải sâm được thu gom và rao bán - Ảnh: Lê Khoa