Lên cơn điên phá làng xóm, cầm dao đuổi giết bố mẹ
Từ thông tin của người cha là ông Trần Gia Sản (1936), trú tại thôn Vĩnh Hạ, Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội thì cuộc đời Trần Văn Đam (sn 1975) dần hiện ra như một thước phim chứa đầy nước mắt khổ hạnh.
Đầu những năm 90, anh Đam đi làm ăn kinh tế ở các tỉnh vùng cao giáp biên giới. Sau mấy năm thất bại, anh Đam trở về quê hương để gây dựng lại từ đầu.
Năm 2002, anh Đam cưới cô gái cùng huyện tên Nguyễn Thị Hưởng hơn anh hai tuổi. Cuộc sống mới tuy khó khăn nhưng hạnh phúc, vợ chồng anh lần lượt chào đón hai “thiên thần” là Trần văn Thoáng (sinh năm 2002) và Trần Thị Hiền (sinh năm 2005).
Cuộc sống tưởng rằng cứ thế êm trôi, nào ngờ, cuối năm 2006, tai họa ập xuống, chị Hưởng mắc bệnh hiểm nghèo và đột ngột qua đời. Nỗi đau đớn, tiếc thương vợ, sự hụt hẫng và cả những bất lực kinh tế dai dẳng khiến anh Đam suy sụp.
Anh bắt đầu có những biểu hiện lạ. Nửa đêm vác cuốc, xẻng chạy thục mạng ra đồng đào bới xung quanh những ngôi mộ như cố tìm một thứ gì đó.
Hầu như hai vợ chồng ông Sản bà Thoa phải xích con trai 24/24h
Từ một người chồng, người cha hiền lành, ít nói, chăm chỉ, anh Đam trở nên lầm lì, hung tợn, có lần còn cầm dao rượt đuổi người dân khắp làng, ai ra can ngăn đều bị anh dọa chém chết. Mỗi lần anh lên cơn điên phải hai ba thanh niên khỏe mạnh mới khống chế được.
Gia đình đã đưa anh Đam đi điều trị khắp nơi, các bác sĩ cho biết anh Đam bị hội chứng tâm thần hoang tưởng.
Sau 6 tháng điều trị tại một bệnh viện tâm thần, anh Đam có dấu hiệu phục hồi, không còn nói năng lảm nhảm... Bác sĩ cho xuất viện, nhưng chỉ được thời gian ngắn, bệnh tình của anh Đam lại tái phát và nghiêm trọng hơn trước.
Ban ngày, anh đi lang thang khắp nơi, miệng lẩm bẩm không ngừng. Ban đêm, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, anh rống lên như thú rừng. Anh đập phá hết đồ đạc trong nhà, tất cả nát tanh bành sau mỗi lần lên cơn.
Không ai hiểu vì sao, mỗi lần lên cơn anh Đam thường chạy ra phía nghĩa địa ngồi khóc một mình. Mỗi lần như vậy, toàn thân anh co giật, miệng sùi bọt mép, không kiểm soát được hành vi.
Có lần lên cơn anh Đam xông vào nhà hàng xóm đập phá tan hoang đồ đạc, nhà cửa khiến gia đình phải mất thời gian khá dài mới đền bù hết.
Trò chuyện với chúng tôi về bệnh tật của con trai, ông Sản chia sẻ, đã vài lần, trong cơn điên loạn ông bà bị con trai hắt hết bát nước mắm vào mặt rồi ném cả bát cơm làm thâm tím mặt mày.
Không ít lần hai vợ chồng ông bà bị con trai cầm dao rượt đuổi. May nhờ bà con lối xóm giúp đỡ, can thiệp đúng lúc. Cực chẳng đã, vợ chồng ông Sản phải nhờ người xích chân con trai vào chân giường.
“Sinh con ra ai nỡ lòng nào giam cầm, xiềng xích làm gì, cũng vì muốn tốt cho xã hội mà thôi. Cứ xích con ở đó cũng xót xa lắm, nhưng còn biết làm gì hơn nữa?
Cơm mang vào cho nó phải để ở góc nhà, rồi nó tự động lom khom mò tới bốc ăn. Nó ăn bằng tay, chẳng nhai nghiền gì hết, cứ và tới tấp rồi nuốt chửng”. Ông Sản kể thêm.
Ông Trần Gia Sản tuổi đã cao, giờ vẫn lưng còng cùng vợ kéo từng xe phân đi làm thuê cho người trong làng
Chữa trị bằng thuốc men không khỏi, gia đình nghe mách nước, mời thầy bói về làm lễ thì được thầy phán, anh Đam bị “các ngài” hành, phải lập điện thờ. Gia đình cũng đã lập điện thờ ngay trước sân, làm lễ cúng bái đủ các thủ tục mà bệnh tình của con trai vẫn thế.
Thậm chí, khi thầy bói phải đối hướng nhà thì mới mong anh Đam khỏe mạnh, gia đình cũng đã đập ngôi nhà cũ, vay mượn xây nhà mới nhưng cũng chẳng ăn thua.
Cố nén tiếng thở dài, bà Thoa (mẹ anh Đam-pv) tâm sự: “Giờ vợ chồng tôi già rồi, sức như ngọn đèn trước gió, nhìn việc gì cũng muốn làm, kiếm tiền nuôi con, nuôi cháu nhưng lực bất tòng tâm”.
Nói tới đây, bà Thoa hướng mắt ra cổng xót xa: “Cũng tội cho ông nhà tôi, vài năm nay yếu nhiều rồi, chân đi không vững, lưng còng ngang mặt đường mà vẫn phải đi làm thuê kéo phân thuê cho người ta, gom tiền nuôi các cháu ăn học.
Chỉ mong chúng nhanh lớn, đủ hiểu biết, có đủ sức nuôi bố chúng nó thì chúng tôi mới yên lòng. Ước là vậy, chẳng biết ông trời có rủ lòng thương không”.
Những lúc con trai không lên cơn vật vã thì bà Thoa mới dám đến ngồi gần con
Dù sức khỏe đã gần như suy kiệt nhưng để có tiền nuôi con nuôi cháu, ông Sản vẫn cố nhận hai sào đất bồi ngoài bãi nổi, trồng cây táo. Tuy nhiên, thu nhập cũng chẳng là bao.
“ Bà ơi, mẹ con đâu?”
Nhớ tới người con dâu hiếu thảo, bà Thoa không khỏi ngậm ngùi: “Ngày còn sống một tay nó lo toan gánh vác mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà. Có đợt thấy nó xanh xao, chúng tôi bảo nó ở nhà nghỉ ngơi, đi khám bệnh nhưng nó không nghe.
Khi đi khám thì phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối, cùng lúc là bệnh tim nên chỉ một thời gian ngắn là nó mất”.
Ông bà đã ở cái tuổi gần đất xa trời nên không còn lo gì cho bản thân nữa, chỉ thương cho hai đứa trẻ còn quá bé, thi thoảng lại hỏi “bà ơi, mẹ con đi đâu sao mãi không về?”.
Những câu hỏi như từng nhát dao chậm rãi cứa vào tim hai ông bà. Nước mắt lã chã rơi trên khuôn mặt nhăn nheo của hai con người ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng xót xa.
Nhìn đứa cháu nội, ông Sản gạt nước mắt khoe với chúng tôi, đứa cháu nội lên 10 tuổi đã biết đến bữa ra ruộng mót rau sam về nấu canh, biết thu dọn nhà cửa giúp ông bà mỗi lúc ông bà yếu mệt.
Nói về trường hợp của gia đình ông Trần Gia Sản, ông Lê Xuân Dân – Chủ tịch UBND xã Sơn Công, Ứng Hòa xúc động:
“Chưa thấy ai khổ như vợ chồng ông Sản. Hai ông bà sức đã yếu, lực đã kiệt nhưng ngày ngày vẫn oằn lưng kéo xe chở phân bón làm thuê cho người ta, không kể nắng mưa để kiếm tiền nuôi hai cháu nhỏ và con trai tâm thần.
Hiện tại, nhà nước cũng hỗ trợ anh Đam 450.000 đồng/tháng nhưng số tiền này chẳng thấm vào đâu. Vì vậy đại diện cho chính quyền xã Sơn Công, chúng tôi cũng rất mong các nhà hảo tâm mở lòng từ bi giúp gia đình ông Sản qua cơn bĩ cực”.
Mọi sự chung tay, giúp đỡ, sẻ chia với hoàn cảnh thương tâm xin gửi về Quỹ Tấm lòng thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội.
Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hoặc gửi trực tiếp: ông Trần Gia Sản, thôn Vĩnh Hạ, Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội.
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.