Bến đò Minh Quang nằm ở khu K9, xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội), cạnh dòng sông Đà hùng vĩ cuồn cuồn chảy siết, từ hàng chục năm nay đã là điểm giao thông quan trọng bởi nhu cầu đi lại cao của người dân hai bên bờ sông.
Đối diện phía bên kia sông là bến đò Đồng Luận, thuộc địa phận huyện Thanh Thủy, Phú Thọ.
Những chuyến đò qua sông.
Bất chấp các quy định nghiêm ngặt của pháp luật về việc nghiêm cấm đò vận chuyển xe ô tô các loại, các chủ đò tại hai bến Minh Quang và Đồng Luận vẫn thản nhiên tận thu nguồn lợi "khủng" từ nhu cầu đi lại rất lớn này.
Do địa hình lòng sông rất sâu, cộng với dòng sông Đà vốn rộng lớn và hung dữ, nên việc vận chuyển ô tô tại khúc sông này lại càng được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.
Không phải một mà thậm chí đã có hai biển cấm ô tô đã được dựng lên trước bến, như những lời cảnh báo đanh thép về sự hiểm nguy hình rập. Tuy nhiên, lại chẳng có tác dụng gì với những chủ đò này.
Hai tấm biển cấm ô tô chẳng có tác dụng gì ở các bến đò này...
Xe tải dù nặng bao nhiêu tấn, chở nặng bao nhiêu cũng đều có thể được cho qua đò miễn là chịu trả đủ tiền.
Khi được thắc mắc về độ an toàn của đò, một nhân viên bán vé trấn an: "Lúc cao điểm đò có thể chở được 6 chiếc ô tô con một lúc..."
Những chiếc xe chở đầy gạch đá cũng thường xuyên quá giang bằng những con đò này.
Việc ngang nghiên vi phạm pháp luật với hình thức vận chuyển ô tô cũng đã được các chủ đò tiến hành công khai nhiều năm nay, nhưng tuyệt nhiên không hề thấy bóng dáng cơ quan chức năng vào cuộc.
Việc chở thêm cả ô tô trên đò khiến những người đi đò khác hết sức lo sợ, họ gọi đây là những "chuyến đò tử thần" vì không biết sẽ chìm lúc nào.
Theo những người dân địa phương, hai chiếc đò của 2 bến có biển số lần lượt là PT-1167 và 29V-1155 hoạt động 24/24, hàng ngày chuyên chở hàng trăm phương tiện ô tô, xe máy các loại.
Chỉ trong khoảng nửa giờ đứng quan sát tại bến đò Minh Quang, PV đã ghi nhận có tới 8 chiếc xe con, 4 xe tải (trong đó có 2 xe tải chất đầy gạch đá) và hàng chục lượt xe máy lưu thông qua bến đò.
Phí thu cũng khá đắt, tùy theo tải trọng của xe.
Anh Nam, một người thường xuyên đi đò bức xúc: "Nhiều lúc, họ chở cả những xe chất đầy gạch đá. Xe vừa lên là cả chuyến đò dập dềnh. Nguy hiểm vô cùng. Nhưng vì không có lựa chọn nào khác nên chúng tôi đành nhắm mắt đi".
Đặc biệt, mức phí tại bến các bến đò này rất cao: 15.000/lượt xe máy, còn ô tô thì 50.000 đồng với xe con, xe tải thì từ 100.000- 200.000 và thậm chí là 300.000 đồng/lượt tùy tải trọng.
Như vậy, nếu theo như người dân phản ánh về con số hàng trăm ô tô, xe tải, xe máy các loại đi qua trong một ngày, cộng với mức phí "cắt cổ" trên thì con số thu về của các chủ đò này không hề nhỏ.
Giá xe máy được thu là 15.000 đồng/lượt, không có vé tháng, khiến những người có nhu cầu đi lại thường xuyên rất bức xúc vì tốn kém.
Trước những thông tin về việc chở sai quy định, gây nguy hiểm cho người đi đò, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nguyên - Chủ tịch xã Minh Quang, cơ quan quản lý bến đò Minh Quang lại tỏ ra "thờ ơ" với những gì được phản ánh.
Chủ tịch xã Minh Quang Nguyễn Văn Nguyên.
Ông Nguyên nói, bến đò này xã đã giao thầu lại cho cá nhân vận hành khai thác với mức phí 70 triệu đồng/năm. UBND xã chỉ có trách nhiệm quản lý.
Thế nhưng, quản lý thế nào thì ông Nguyên không nói rõ được, chỉ chung chung rằng: "Quy định thì đò không được chở ô tô, chở như thế là sai".
Ông Nguyên cũng nói, xã Minh Quang cũng có tổ công tác theo dõi hoạt động của đò nhưng không thông tin cho PV biết việc tổ công tác này hoạt động thế nào và hiệu quả ra sao.
Thậm chí, vị chủ tịch xã cũng chẳng thể đưa đưa ra được bất kỳ giải pháp nào trước sự vi phạm này ngoài những câu ậm ừ, không rõ ràng.
Với sự vi phạm công khai này lại ngay trước thời điểm mưa bão sắp tới, thiết nghĩ đã đến lúc cơ quan chức năng cấp trên cần vào cuộc triệt để, tránh rơi vào tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"...
>> Mời xem clip ghi lại cảnh đò chở ô tô: