Hà Nội: Bà giáo 70 tuổi hơn 20 năm đứng lớp tình nguyện

Thiên Di |

Ở tuổi này, bà giáo Côi chỉ băn khoăn nếu mình chết đi sẽ không ai đứng lớp dạy 15 em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, mồ côi ở lớp học tình thương. Học trò lớn nhất lớp của bà đã 31 tuổi, bé nhất 6 tuổi và đa phần đều chưa từng được đến trường.

Học sinh già nhất 31 tuổi

Đến với lớp học nằm trong Nhà văn hóa cụm dân cư 11 (ngõ 389 Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) ngày trở rét, tôi vẫn thấy bà Côi đang bắt tay từng “đứa con” nắn từng nét chữ, giảng từng phép tính.

Bà giáo Nguyễn Thị Côi mặc dù đã bước sang tuổi 70 nhưng vẫn tận tụy hàng ngày đứng lớp tình nguyện dạy trẻ không được đến trường.

Bà giáo Nguyễn Thị Côi mặc dù đã bước sang tuổi 70 nhưng vẫn tận tụy hàng ngày đứng lớp tình nguyện dạy trẻ "không được đến trường".

Gần 20 năm nay dù nắng, mưa hay ốm đau bà giáo Nguyễn Thị Côi (sinh năm 1944, trú tại Phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) không dám nghỉ ngày nào mà vẫn kiên trì đứng lớp tận tụy dạy chữ miễn phí cho những đứa trẻ trong lớp học tình thương. Đó là những học trò đặc biệt không được đến trường: thiểu năng trí tuệ, khuyết tật, mồ côi, nhà nghèo…Thậm chí nhiều em đã bước sang tuổi 20, 30 mà chưa biết hết mặt chữ, con số, chưa đọc thông viết thạo.

Trước đây, bà Côi từng làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai) và từng tham gia đứng lớp giảng dạy trẻ khuyết tật, mồ côi, lang thang cơ nhỡ ở Hà Nội của một tổ chức phi chính phủ. Bà liều lĩnh tự đi tìm học trò ở “xóm liều”, bãi rác, khu nhà người nghèo để động viên các em đến lớp và sau này bà cương quyết giữ lớp học tình thương đến tận ngày hôm nay.

Gắn bó, dạy các em bằng tình thương yêu vô điều kiện, bà Côi hiểu rõ từng hoàn cảnh của những cô cậu học trò đặc biệt trong lớp. Bà giáo kể, em Kiều Thị Lan Anh (SN 1983) mắc chứng bệnh thần kinh, chậm hiểu là học sinh lớn tuổi nhất trong lớp (31 tuổi) đang học lớp 1; em Đặng Thái Ngọc Vy (6 tuổi) chưa biết cầm bút, bố mẹ em bán trà đá ở hồ Đền Lừ không có đủ tiền cho con đi học nên gửi gắm cho bà hay em Phạm Thị Kim Dung (14 tuổi) sống với người mẹ tâm thần ở khu bãi rác chưa từng được đến trường ngày nào…

Em Kiều Thị Lan Anh (31 tuổi) là học sinh lớn tuổi nhất ở lớp bà Côi.
Em Kiều Thị Lan Anh (31 tuổi) là học sinh lớn tuổi nhất ở lớp bà Côi.

15 em có hoàn cảnh khác nhau, phần lớn các em đều nói ngọng không rõ chữ, chậm hiểu. Vì vậy, bà Côi phải mất thời gian dài kiên trì với từng em, bắt tay viết từng nét, giảng đi giảng lại nhiều lần. Thậm chí có những em 3,4 năm mới biết hết mặt 24 chữ cái, giờ vẫn đang học tập tô, viết...Đa phần các em đang học chương trình lớp 1, lớp 2 và hiện cao nhất là 3 em đang học chương trình lớp 5.

 “Có em đang học lớp 7 ở Phú Thọ sau khi bố mất, theo mẹ xuống Hà Nội làm, em không được đi học nên xin vào lớp này nhưng đọc chữ không thạo; có trường hợp em L. đang học lớp 5 một trường ở Hà Nội không lên được lớp 6. Khi tôi kiểm tra lại em cũng không biết chữ gì, phải học lại toàn bộ từ lớp 1” - bà giáo 70 tuổi này chia sẻ.

Gần 20 dạy tình nguyện chẳng vì công danh hay lợi lộc, đối với bà Côi nguồn động viên lớn nhất là khi thấy những học trò của mình trưởng thành ra đời, có những em có việc làm kiếm được tiền, vào đại học, trường cấp 3, dạy nghề…Bà bộc bạch, điều đáng quý đôi khi chỉ là những nụ cười rạng rỡ, hồn nhiên của các em khi nhận điểm 9,10 hay tiếng gọi “mẹ” từ những em thiểu năng trí tuệ…khi bà đứng lớp.

20 năm đứng lớp bà chỉ nghĩ đó là việc thiện, việc tốt cho đời với mong muốn giúp các em có mảnh đời khó khăn.
20 năm đứng lớp bà chỉ nghĩ đó là việc thiện, việc tốt cho đời với mong muốn giúp các em có mảnh đời khó khăn.

“Không phải “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đâu cô ạ. Tôi nghĩ đó là việc thiện, có ích cho đời, mình làm để làm phúc cho con cháu” -bà Côi nói thêm.

Thời gian trước khi bà còn dạy trẻ lang thang, bán báo, đánh giày ở “xóm liều” Bạch Mai, bà một mình đi tìm học trò mở lớp dạy với mong muốn các em không đi vào con đường sa ngã, tệ nạn. Gần 10 năm dạy ở ngay phòng trọ của các em – là nơi như “lò bát quái” mà mỗi lần học xong cô và trò mồ hôi nhễ nhại như tắm.

Bà giáo tân tâm rưng rưng kể về kỷ niệm lúc ấy: “Chỗ ngủ là phòng học, bàn học là thùng quần áo, hộp đánh giày. Nhiều lúc đang học, chủ quán đến đòi bọn trẻ tiền ăn chịu tôi lại trả giúp. Mình không giàu nhưng mình có tấm lòng giúp đỡ các em cơ nhỡ chẳng có nhà, không được sự giáo dục chăm sóc từ cha mẹ mà phải bươn trải kiếm sống trên thành phố. Đáng thương lắm!”

Cảm hóa những đứa trẻ “đặc biệt”

Dạy trẻ bình thường đã vất vả, dạy dỗ những đứa trẻ đặc biệt này còn khó gấp nhiều lần. Để làm được điều này, bà Côi phải kiên trì và luôn đặt vị trí là bố mẹ của trẻ để thể hiện tình cảm yêu thương với các em. Một bài giảng có khi phải học lại nhiều ngày, nhiều tháng mới xong; dạy đi dạy lại cho đến khi các em hiểu. Và đối với từng học sinh, bà Côi có phương pháp riêng để giúp các em tiến bộ.

Giờ học bắt đầu từ 8 giờ 30-10h giờ 30 thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Lớp học bắt đầu từ 8h30-10h30 thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

“Vừa phải cương quyết, mạnh mẽ nhưng lại cứng rắn. Nắm được tâm sinh lý, đa phần các em phát triển không bình thường, chậm hiểu thậm chí nhiều em dễ bị kích động vì vậy mình phải “chiều”, nói ngọt và đôi khi còn “nịnh”…

Nhiều em nghịch ngợm, không nghe lời, khóc lóc đòi lên lớp nhưng mình dùng biện pháp cứng rắn. Tuy nhiên cuối giờ, sợ các em buồn mình lại phải hỏi: “Con có ghét cô không?” và giải thích lẽ phải dần dần cho các em hiểu” - bà Côi tâm sự.

Niềm vui của bà giáo Côi và học sinh trong lớp.
Niềm vui của bà giáo Côi và học sinh trong lớp.

Không chỉ dạy “con chữ”, bà giáo già còn là người bảo ban các em nên người, học cách cư xử với ông bà, cha mẹ; biết chào hỏi, lịch sự. Cô Côi kể trường hợp em Long (23 tuổi) bị thần kinh nên rất nghịch ngợm, không nghe lời ai, ở nhà bố mẹ bất lực nên đành gửi đến lớp học của bà. Ban đầu đi học, em còn cãi nhau tôi đôi, nói trống không với “cô giáo” nhưng sau một thời gian cảm hóa, Long thay đổi tâm tính, ăn nói lễ phép, ngoan ngoãn.

Mẹ của em Nguyên (SN 1994) nhà cách trường 4 cây số nhưng hàng ngày vẫn đèo con bị thiểu năng trí tuệ đến lớp Tình thương này. Cô cảm động tâm sự: “Cháu Nguyên không nghỉ một ngày nào, có hôm ốm cũng nằng nặc đòi mẹ đèo đến lớp để học với cô Côi và các bạn. Theo học ở đây 3 năm, cháu biết vài chữ cái, tô chữ nhưng thấy cháu vui, khỏe là gia đình mừng rồi. Chúng tôi biết ơn cô Côi lắm!”.

Khi tôi hỏi bà sẽ đứng lớp đến khi nào, bà giáo già cười hiền từ nói: “Tôi dạy đến bao giờ yếu không đến lớp được thì thôi. Giờ tôi mà nghỉ, ai sẽ thay tôi đứng lớp?”. Chẳng ước gì lớn lao, bà Côi chỉ mong có sức khỏe tốt để tiếp tục dạy, giúp các mảnh đời bất hạnh này nên người, biết đọc biết viết.

Lớp học của bà giáo già 70 tuổi đều đặn mở từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Dù thời tiết hay ốm đau trở trời nhưng bà Côi vẫn cần mẫn đứng lớp, bắt tay uốn từng nét chữ, dạy từng phép tính cho 15 em thiểu năng, khuyết tật, tự kỷ…

10 giờ 30 phút lớp học tan, em Phạm Văn Phúc (23 tuổi) - được “cô giáo” Côi tín nhiệm là lớp trưởng đứng dậy thoăn thoắt thực hiện “lễ nghi” trước khi ra về. Tiếng hô đồng thanh: “Các bạn đứng! Chúng em chào cô ạ!” đầy ấm áp vang xa cả khu nhà văn hóa. Đứng đợi nhìn học trò ra về, bà Côi mới lặng lẽ rời khỏi căn phòng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại