Rất may là cả hai vụ đều được kiểm soát nên chưa gây ra hậu quả đáng tiếc, nhưng những “hiện tượng” này đã gây ra vô số hệ lụy, làm ảnh hưởng đến môi trường bấy lâu luôn được coi là biểu tượng của sự trong sạch, yên bình; đồng thời tác động rất xấu đến dư luận.
Trước hết, phải khẳng định rằng, trong thời buổi hàng chục vạn người có bằng đại học thất nghiệp thì chỉ đến mức đặng chẳng đừng, những giáo viên đó mới dám “thay mặt” nhiều người làm “xấu chàng, hổ ai”.
Hệ quả khiến cho báo chí tốn giấy mực, người dân bức xúc, bản thân bị mất danh dự – thậm chí có thể bị đuổi việc.
Nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của cả hai vụ việc khá giống nhau: Hai giáo viên đó đã nhiều năm đấu tranh chống tiêu cực nên bị trù dập.
Hãy còn quá sớm để kết luận mức độ đúng, sai từ hai phía – phía lãnh đạo nhà trường và phía những giáo viên đã phản kháng bằng sự cực đoan rất đáng tiếc, nhưng rõ ràng, tình trạng trên là rất đáng cảnh báo.
Nếu điều tra, tìm hiểu một cách kĩ càng, không khó để nhận ra là ở không ít trường học từ cấp tiểu học đến THPT, chuyện hiệu trưởng “đì” giáo viên là không hề hiếm.
Thấp nhất là mặt nặng mày nhẹ, bởi khi đã ghét, không ưa thì chắc chắn dưa ngon cũng thành khú, củ nghệ cũng chẳng vàng. Lên một “cấp độ” nữa của sự trù dập đó là kiểm điểm, phê bình liên tục bất kể lỗi chỉ là hạt cát theo cách thức đã quét nhà là rác phải ra…
Có cả hàng chục cách thức tinh vi để hành hạ người khác như dự giờ liên tục để làm cho người bị trù dập bị ức chế, bố trí dạy tiết 1, tiết 3, tiết 5 ngay trong một buổi học để giáo viên gần như phát… điên vì cứ phải dạy xong một tiết lại chờ lớp một giờ.
Mức độ nặng nhất là kéo bè kéo cánh để cô lập giáo viên, đe dọa, rồi làm thật, bị chuyển đến nơi xa hơn, đi lại vất vả hơn, làm cho các giáo viên đó hàng ngày ngồi trên lửa mà dạy dỗ học trò…
Sáng ngày 12/1/2016, do bức xúc với cách dự giờ liên tục bất kể con ốm, mẹ đau; bất kể hàng chục giáo viên khác không “được” dự, cô giáo Ngô Thị Minh Châu ở trường Tiểu học Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận đã gây náo loạn tại ngôi trường này. Ảnh: Minh Nhật.
Không thể nói hết những chiêu, trò mà những "đồng nghiệp" có quyền lực bày ra để hành hạ giáo viên – đối tượng về nguyên tắc là khó hành hạ nhất bởi họ có hiểu biết, có tính độc lập cao.
Thực trạng trên, bắt nguồn từ những tiêu cực trong chi tiêu tài chính và tiêu cực từ bệnh thành tích đã và đang không những không giảm mà còn tăng lên trong thời gian gần đây.
Tiêu cực dạng “tham nhũng vặt” có thể hạn chế được bởi các thủ tục hành chính, quản lý; nhưng tiêu cực do bệnh thành tích thì quả là một vấn nạn gây nên những tác hại không nhỏ một chút nào.
Chẳng hạn, đầu năm áp chỉ tiêu 2% học sinh yếu kém vì “phòng giáo dục yêu cầu thế”, không hề tính đến khó khăn như vùng sâu vùng xa, học sinh lớp 5-6 chưa biết đọc, biết viết.
Có những trường khi thi học kì, học sinh để giấy trắng thì tổ chức ngay thi lại, thi hết lần này đến lần khác sao cho đề thi dễ nhất, điểm thi cao nhất có thể - thi và chấm cho đến khi nào… đạt thì mới thôi.
Do quá phẫn uất nên ngày 01/01/2016, tại Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (2000 - 2015) thầy Trương Hoài Phương đã cầm dao tự mổ bụng mình ngay tại lễ đài để phản đối nhưng đã được ngăn chặn kịp thời. Ảnh: Tamnhin.net.
Đã có những trường học sinh yếu kém đến mức chẳng giáo viên nào chịu nổi thì ban giám hiệu tự lập hồ sơ, không cần chứng nhận của cơ quan y tế, mặc nhiên coi em đó là người bị khuyết tật trí não?
Đã là khuyết tật thì cho lên lớp là chuyện đương nhiên. Sự tai ác của căn bệnh thành tích ghê gớm đến mức học sinh bỏ học hay ít đi học cũng quy chụp tội cho giáo viên chủ nhiệm lớp, vì đã “không làm tròn trách nhiệm”.
Rồi, những chuyện ầm ĩ trên đây sẽ được “giải quyết” bằng phê bình, kiểm điểm như lâu nay vẫn thế nhưng cái gốc, cái nền của tồn tại, tiêu cực thì lại bị coi nhẹ bởi cả một nền giáo dục luôn chạy theo thành tích là điều ít được chú ý, quan tâm.
Dẫn chứng có nhiều và nếu như có một cuộc thăm dò sâu rộng (với điều kiện không tiết lộ danh tính người được thăm dò) thì sự thật chắc chắn sẽ phơi bày.
Nếu xã hội coi những tiêu cực ở trường tiểu học, trung học là “chuyện nhỏ” thì hậu quả sẽ là rất nghiêm trọng.
Làm sao có thể giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ tính trung thực, ý thức vươn lên khi chính các thầy cô giáo thường xuyên phải gian dối để sao cho bảng điểm thật đẹp, học sinh lên lớp 100%.
Lương tâm của người thầy để đâu khi các "đồng nghiệp có quyền" có thể “đì” người này, “triệt” người khác bằng sự ích kỉ, nhỏ nhen?
Môi trường trong sạch là điều kiện tiên quyết của một xã hội ổn định, văn minh. Bệnh thành tích, thói trưởng giả là những cái không thể chấp nhận; rất tiếc, nó đang hàng ngày, hàng giờ ủ những mầm độc gây tác hại khôn lường.