Gạc Ma - Vòng tròn bất tử

Trường Phong - Nguyễn Trường |

“Chúng tôi là người Việt Nam, là Bộ đội Cụ Hồ thì không bao giờ run sợ trước kẻ thù. Chúng ta có chính nghĩa, chúng ta không sợ gì cả. Trước khi đồng đội tôi hy sinh, chúng tôi còn yêu cầu đây là lãnh thổ Việt Nam, chúng tôi sẽ bảo vệ đến cùng”, cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo chia sẻ.

Không bao giờ quên

Chiều 10/3, tại trụ sở báo Tiền Phong (Hà Nội) diễn ra cuộc giao lưu trực tuyến “Năm tháng Gạc Ma”. Hiếm có một chương trình nào tụ họp được nhiều nhân chứng lịch sử về sự kiện bi hùng cách đây 28 năm như thế.

Các cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, Lê Văn Đông, Nguyễn Văn Thống từng trực tiếp chiến đấu tại Gạc Ma; các nhà báo, Thiếu tướng Hồ Anh Thắng, Nguyên GĐ Trung tâm PTTH Quân đội; Nhà báo Nguyễn Văn Vinh, nguyên phóng viên THVN và Reuters; nhà báo Lê Trang Liêm, nguyên phóng viên Đài THVN; Nhà báo, NSNA, Đại tá Hoàng Như Thính; Nhà báo Trung Hiền, Trưởng ban Bạn đọc báo Tiền Phong từng tác nghiệp trong thời khắc nước sôi lửa bỏng đó.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Lịch sử Đảng, nguyên Đại tá,

Chính ủy Sư đoàn 308 cũng có nhiều năm nghiên cứu về sự kiện lịch sử này. Những câu chuyện, những chia sẻ như làm sống lại thời khắc ngày 14/3 của 28 năm về trước.

Theo Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, cứ mỗi dịp tháng 3, mỗi dịp biển Đông có hành động hiếu chiến, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, chúng ta lại nhớ tới trận chiến năm 1988 ở khu vực Gạc Ma - Cô Lin.

“Chúng ta không quên hành động của Trung Quốc thời điểm đó và mãi mãi ghi nhớ hành động dũng cảm, hy sinh quên mình của cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, chúng ta không quên thực tại một phần biển đảo của Việt Nam đang bị nước ngoài chiếm đóng trái phép; chúng ta cũng luôn ghi nhớ đó là một phần máu thịt của Tổ quốc và không bao giờ từ bỏ chủ quyền đối với phần lãnh thổ đó.

“Dịp kỷ niệm này, chúng ta ôn lại sự kiện lịch sử, tái hiện nó như nó đã có và luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các hòn đảo, bãi đá ngầm mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép.

Chúng ta cũng tôn vinh những hành động anh hùng, tấm gương hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ thời điểm đó và suốt từ đó đến nay để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của đất nước.

Chúng ta cũng lên án hành động gần đây của Trung Quốc âm mưu thay đổi hiện trạng, quân sự hóa biển Đông, có những hành động xâm lấn chủ quyền của chúng ta”, ông Sơn nói.


Phóng viên Trung Hiền tại Gạc Ma tháng 4 năm 1988. Ảnh: P.V.

Phóng viên Trung Hiền tại Gạc Ma tháng 4 năm 1988. Ảnh: P.V.

Tổ quốc là trên hết

Để kịp có mặt chiều 10/3 dự chương trình, các cựu chiến binh Gạc Ma phải vượt hàng trăm cây số ra Hà Nội. Mang theo nhiều tư liệu lịch sử đến chương trình, cựu chiến binh Lê Hữu Thảo rưng rưng xúc động.

Ông cho biết, sắp tới sẽ có một bộ phim tư liệu sản xuất dựa trên những ghi chép của ông. “Nhân vật chính có tôi, đồng đội của tôi, cả những người đã hy sinh. Tôi nghĩ đó là sự ghi nhận của Nhà nước, của nhân dân.

Tôi muốn đưa sự thật, sự hy sinh của đồng đội đến với mọi người, đến với nhân dân, bởi trong dư luận, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu hết về sự kiện này, về Gạc Ma và những người lính như tôi”, ông Thảo nói.


Cựu binh Gạc Ma Lê Hữu hảo.

Cựu binh Gạc Ma Lê Hữu hảo.

Ông Thảo nhớ lại, lúc đó, tương quan lực lượng chênh lệch hàng chục, hàng trăm lần. Theo ông Thảo, trên các tàu của Trung Quốc có hàng nghìn người, khi đổ bộ lên đảo có khoảng 50 lính, trong đó 48 trang bị súng AK, một mang bộ đàm, một mang súng ngắn.

“Tôi lúc đó là Tiểu đội trưởng được giao nhiệm vụ chỉ huy cắm cờ và giữ cờ, một nhiệm vụ rất quan trọng, thiêng liêng. Trên đảo chỉ có 2 khẩu AK 47 và 5 người trong tiểu đội chiến đấu. Ngoài ra có thêm 20 lính công binh.

Chúng tôi vừa bảo vệ cho lính công binh xây dựng nhà cho người giữ đảo vừa bảo vệ cờ”, ông Thảo nói. Theo ông Thảo, lúc đó, hoàn toàn có đủ thời gian để rút lui, rời đảo nhưng không ai làm vậy.

“Chúng tôi không nhận được lệnh phải ở lại hay rút lui, nhưng xác định đã là bộ đội, là lính Cụ Hồ, là con người Việt Nam thì phải chiến đấu đến cùng, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, bảo vệ lãnh thổ đất nước.

Chúng ta có chính nghĩa, chúng ta không sợ gì cả. Trước khi đồng đội tôi hy sinh, chúng tôi còn yêu cầu quân Trung Quốc rút lui, đây là lãnh thổ của Việt Nam, chúng tôi sẽ bảo vệ đến cùng”, ông Thảo chia sẻ.

“Trong hành trang ra Gạc Ma ngày ấy, tôi có mang theo lá cờ Đoàn do T.Ư Đoàn trao cho với trách nhiệm trao tận tay những người lính đang giữ đảo. Lá cờ Đoàn đã được các chiến sĩ trẻ nhận và đưa về nhà chỉ huy. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ, lá cờ Đoàn hôm ấy vẫn ở lại với Sinh Tồn, với niềm tin yêu của tuổi trẻ cả nước hướng về Trường Sa thân yêu”.

Nhà báo Trung Hiền

Cũng theo ông Thảo, khi tham gia vào chiến dịch CQ-88 để giữ chủ quyền biển đảo, cả ông và đồng đội đã xác định là sẽ hy sinh bất cứ lúc nào. “Chúng tôi đi và xác định hy sinh. Khi đã xác định thế rồi thì đừng nghĩ chúng tôi mưu cầu huân chương, huy chương hay phong tặng Anh hùng.

Chúng tôi nghĩ về đất nước Việt Nam, trách nhiệm của thanh niên, của người lính. Tình yêu nước được học qua sách vở qua các tấm gương Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, La Văn Cầu…Các anh làm được thì chúng tôi cũng làm được. Người lính không bao giờ sợ hy sinh”, ông Thảo nói.


Cựu binh Gạc Ma Lê Văn Đông.

Cựu binh Gạc Ma Lê Văn Đông.

Chia sẻ thêm, cựu chiến binh Lê Văn Đông nói, đã là một người con đất Việt thì luôn sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. “Mình ra đó bằng tàu vận tải nhỏ bé để xây dựng nhà cho người giữ đảo.

Không ngờ Trung Quốc lại đến tấn công bất ngờ. Khi đó lực lượng không cân sức, mình đã dùng mọi biện pháp mà không thể thắng được nên thương vong lớn.

Tôi bị bắt giữ, ba năm rưỡi sau thì được thả, dù vui vì còn sống nhưng lúc nào cũng thương nhớ đồng đội vẫn nằm lại dưới biển”, ông Đông nói.

Ông chia sẻ, rất tự hào khi đồng bào cả nước nhớ đến và tôn vinh hình ảnh “Vòng tròn bất tử” (các chiến sỹ nắm tay tạo thành vòng tròn để bảo vệ cờ Tổ quốc).

“Tên gọi này đã diễn đạt trọn vẹn sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ. Tôi chỉ mong một ngày được trở lại Trường Sa để có thể thả một bó hoa tưởng nhớ đến những chiến sỹ đã ngã xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, ông Đông nói.

Cùng bị bắt giữ như ông Đông còn có 8 người nữa, trong đó có ông Nguyễn Văn Thống. Nhớ về thời khắc 64 đồng đội đã hy sinh, những năm tháng bị giam giữ bên Trung Quốc, các cựu binh đều không cầm được nước mắt.


Cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống bật khóc trong buổi giao lưu.

Cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống bật khóc trong buổi giao lưu.


Giấy báo tử của ông Nguyễn Văn Thống.Ảnh: Như Ý.

Giấy báo tử của ông Nguyễn Văn Thống.Ảnh: Như Ý.

Có mặt tại thời điểm bi hùng đó, các nhà báo cũng có nhiều câu chuyện, thước phim, hình ảnh tư liệu quý giá. Thiếu tướng Hồ Anh Thắng vẫn nhớ khung cảnh trên boong tàu HQ - 505 khi tàu 854 của Trung Quốc áp sát, giơ nòng súng khiêu khích.

“Hình ảnh con tàu HQ- 505 lao lên bãi đá ngầm Cô Lin, giống như một con cá voi khổng lồ để giữ chủ quyền biển đảo. Bên phải tàu HQ - 505 tôi đếm được có 20 phát đạn đại bác, trên boong tàu có 30 phát”, ông Thắng nói.

Nhà báo Trung Hiền cho rằng, thời điểm đó, càng thấy sự tàn khốc của chiến tranh, sự tàn bạo của lính Trung Quốc, ông càng cảm phục những người lính đã hy sinh tuổi trẻ của mình để bảo vệ Tổ quốc.


Nhà báo Trung Hiền báo Tiền Phong (trái) trao đổi tại chương trình.Ảnh: Như Ý.

Nhà báo Trung Hiền báo Tiền Phong (trái) trao đổi tại chương trình.Ảnh: Như Ý.

Chậm đưa vào sách là có lỗi với Gạc Ma

Chia sẻ tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà xót xa: “Chúng ta rất cần đưa sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 vào sách giáo khoa.

Đã gần 3 thập kỷ rồi chúng ta vẫn chưa làm được điều này tức là chúng ta đã quá chậm trễ”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, đây là sự kiện quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nên đưa vào sách giáo khoa càng chi tiết càng tốt.

“Nếu chúng ta không đưa vào sách thì chỉ một thời gian ngắn, sự kiện sẽ mai một, thậm chí bị quên lãng.

Lúc đó chúng ta có tội với vong linh của 64 chiến sĩ, cán bộ, với những người đã chiến đấu, hy sinh và với những người thân của họ”, ông Hà nói.

Chia sẻ về tình hình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, TS Nguyễn Mạnh Hà cho rằng Việt Nam đang có nhiều thế mạnh. Đó là lòng tự hào, đoàn kết dân tộc, Việt Nam có chính nghĩa, có cứ liệu lịch sử để đấu tranh chủ quyền.

Đặc biệt, trong con mắt thế giới, Trung Quốc đang ngày càng bị cô lập vì những toan tính của họ khi áp đặt yêu sách vô lý.

“Thế mạnh của chúng ta là phải tận dụng được truyền thông, luôn luôn xử sự theo phương châm Bác Hồ đã dặn: Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Chủ quyền đất nước là bất biến, còn lại chúng ta phải mềm mỏng trong cách xử sự để giành lấy chủ quyền.

Tôi rất tin trong cuộc đấu tranh này chúng ta được cả dân tộc đứng đằng sau, dư luận thế giới đồng thuận vì chúng ta có lẽ phải”, ông Hà nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại