Định quyên sinh
Sau khi bị người phụ nữ tên Mùi lừa bán sang Trung Quốc, làm vợ một người đàn ông, bà Nguyễn Thị Đào (SN 1956, trú tại xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) cảm thấy vô cùng hoảng loạn.
Và cũng chính giây phút đó, bà Đào hiểu rằng chuỗi ngày đau khổ, tủi cực của mình bắt đầu.
Nhưng điều khiến bà suy nghĩ, lo sợ, buồn rầu nhất lúc đó chính là 3 đứa con thơ ở nhà không biết nương tựa vào ai để sống.
Bà Đào cũng e sợ việc bà con hàng xóm bàn tán, chê trách khi bỏ con đi.
Thấy tương lai mịt mù phía trước, trong lúc bế tắc, bà Đào đã từng có ý định quyên sinh.
Nhưng khi nghĩ tới hình ảnh ba đứa con thơ ở Việt Nam, ngày đêm mong ngóng mình, bà Đào không đành lòng.
Nhớ lại khoảng thời gian bị bán sang Trung Quốc, sụt sùi hai hàng nước mắt, bà Đào nghẹn ngào chia sẻ: “Khi đó, tôi chỉ muốn chết đi cho xong, chết là hết không phải suy nghĩ gì.
Nhưng khi nghĩ tới hình ảnh ba đứa con, đứa lớn tắm rửa, chăm sóc cho hai đứa bé, rồi đến bữa không biết ai cho con mình ăn, tối ai cho con mình ngủ, tôi mới có niềm tin và nghị lực để sống tiếp.
Trong những lúc như thế, trong thâm tâm, tôi vẫn có niềm tin bất diệt, một ngày nào đó mình sẽ trở về bên gia đình, bên các con.
Và tôi tự nhủ, phải cố gắng sống, sống để có ngày trở về bên các con. Vì thế, dù bị nhiều trận đòn roi, nạt nộ, tôi vẫn cố gắng gượng vượt qua" - bà Đào nghẹn ngào tâm sự.
Những ngày đầu khi mới bị bán sang Trung Quốc, bà Đào cố nín nhịn cắn răng chịu đựng, không hiểu phong tục tập quán cũng như ngôn ngữ bên xứ người, hằng ngày, bà làm quần quật chẳng khác gì con trâu, ngựa.
Gạt vội nước mắt, bà Nguyễn Thị Đào nghẹn ngào tâm sự.
Nghĩ về những ngày đầu khi mới sang xứ người, bà Đào vẫn chưa hết sợ hãi: “Khi mới bị bán sang đây, người đàn ông Trung Quốc nói: "Mày đã bị bán cho tao, nếu ngoan ngoãn làm việc 3 – 4 năm nữa, tao cho về nhà".
Lúc đấy không còn cách nào khác, không biết bấu víu vào ai tôi đành cắn răng chịu đựng, làm việc quần quật suốt ngày.
Ban ngày đi làm, ban đêm về, tôi bị nhốt vào một túp lều ở ngay gần nhà người đàn ông kia. Tôi bị cấm không được đi đâu, mọi sinh hoạt chỉ nằm trong không gian chật hẹp đó”.
Những ngày đấy, không chỉ phải làm quần quật suốt ngày, bà Đào còn thường xuyên bị hành hạ, đánh đập.
Nhưng sau một thời gian nhận thấy bà Đào hiền lành, lại chăm chỉ làm ăn, không có ý định bỏ trốn, người chồng hờ không hành hung bà nữa.
Và trong khoảng thời gian 5 năm bị nhốt ở nơi hẻo lánh, xa xôi này, bà Đào đã có con với người đàn ông Trung Quốc.
Bị đồng hương lừa bán lần hai
Đến năm 1996, trong một lần đi chợ, tình cờ bà Đào gặp một người phụ nữ Việt Nam. Gặp được đồng hương nơi đất khách quê người, bà Đào vô tư trải hết lòng mình với người phụ nữ mới quen.
Ký ức kinh hoàng về chuỗi ngày đằng đẵng lưu lạc nơi xứ người khiến bà Đào như sụp xuống.
Sau một hồi nghe bà Đào tâm sự, người phụ nữ này tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh éo le của bà và khuyên nên đi cùng để trốn về Việt Nam.
“Khoảng năm 1996, tôi đã trốn khỏi gia đình nhà chồng hờ để theo người phụ nữ kia.
Thật không ngờ khi theo người đàn bà kia đến Quảng Đông (Trung Quốc) thì tôi bị người đàn bà đó “bán” cho một người đàn ông Trung Quốc khác tên Hà Duy Trung”, bà Đào buồn rầu nhớ lại thời điểm bị bán lần hai.
Bị những kẻ buôn bán người lừa bán lần thứ hai, bà Đào tưởng chừng như không có cơ hội về gặp lại các con.
Hành trình tha hương nơi xứ người một cách “bất đắc dĩ” của bà Đào ngày càng trở lên tăm tối và mù mị.
Bị đuổi ra đường sau 10 năm phục dịch
Khi quyết định cùng người phụ nữ trốn khỏi nhà chồng hờ đầu tiên để tìm đường về Việt Nam, bà Đào khấp khởi vui mừng.
Nhưng niềm vui chẳng kịp tày gang, khi bị người phụ nữ đồng hương mới quen lừa bán, bà Đào tiếp tục phải sống trong địa ngục trần gian.
Bà Đào hầu hạ, phục dịch trong gia đình này được 10 năm. Đến khi sức khỏe của bà đã giảm sút nhiều, không thể làm được việc nặng và phục vụ gia đình người đàn ông Trung Quốc này nữa thì họ liền đuổi bà ra khỏi nhà.
Bị đuổi khỏi nhà, sức khỏe giảm sút, lại không có tiền trong người, không thuộc đường đi, lối về, bà Đào cảm thấy như mình bị rơi vào ngõ cụt.
“Khi bị đuổi ra khỏi nhà, tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi, khi đó sức khỏe đã yếu nên không làm thuê cho ai được.
Lúc này, tôi rất muốn tìm đường về Việt Nam nhưng không thuộc đường đi, lối lại, không có tiền trong người nên không biết phải làm như thế nào.
Có nhiều lúc tôi còn nghĩ chẳng nhẽ số mình lại khổ như thế sao? chết cũng chết đường, chết chợ, không được chôn cất ở quê hương, gia đình” – bà Đào nhớ lại.
Trong lúc rơi vào khó khăn, tuyệt vọng, bà Đào đã gặp được một người đồng hương tốt bụng tên là Phượng.
Nhận thấy tình cảnh bà Đào khổ sở, khó khăn, chị Phượng đã xin cho bà vào làm tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi để có tiền trang trải cho chi phí sinh hoạt hằng ngày.
Cũng từ đây, bà đã gặp được một người Việt Nam tốt bụng khác, họ đã tìm cách liên lạc với gia đình bà Đào để bà có thể trở về với quê hương, gia đình.
(Còn nữa)
>>>Nam thanh niên quỳ gối ở công viên mong bạn gái quay về nói gì?