Đi nước ngoài học trồng cây: Nên học Singapore và Trung Quốc

Hoàng Đan |

Nhiều chuyên gia đồng tình với chủ trương của Chủ tịch Hà Nội - Nguyễn Đức Chung về việc cử cán bộ đi nước ngoài học trồng cây và nên học Trung Quốc và Singapore.

Chủ trương hay

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Xây dựng chủ trì, đề xuất, lựa chọn một số cán bộ quản lý lĩnh vực cây xanh thuộc Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cử đi nước ngoài đào tạo, học tập ngắn hạn.

Sau khi cơ cấu lại, các đơn vị bố trí chọn một số cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ về cắt tỉa đi học kỹ thuật cắt tỉa, trồng mới cây xanh tại Singapore, Trung Quốc.

Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ rất cao với chủ trương này của ông Chung.

"Đây là chủ trương hay, bởi vì, việc trồng cây của chúng ta trước đây chủ yếu tiếp quản từ thời Pháp nhưng không được nhiều vì chiến tranh...

Thứ nữa, chúng ta học tập kinh nghiệm của Liên Xô (cũ) và đây là nước có khí hậu lạnh, trong khi chúng ta là xứ nóng nên kinh nghiệm không được bao nhiêu.

Chưa kể mấy chục năm nay, chúng ta cứ nghĩ việc trồng cây cối chúng ta làm được, nhưng thực tế, các nước họ làm rất tốt còn mình thì không. Nên việc đi học là đúng và không chỉ trồng cây xanh mà nhiều thứ cần phải học. Tốn kém không đáng bao nhiêu mà lợi ích rất lớn", ông nói.

Cũng theo  nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thực tế, chúng ta đi sau các nước nên việc học tập người ta sẽ rút ngắn được thời gian để phát triển của mình.

TS Phạm Sỹ Liêm. Ảnh: Tuổi trẻ.
TS Phạm Sỹ Liêm. Ảnh: Tuổi trẻ.

"Ví dụ, ở Singapore, một số vùng họ trồng loại cây mà nó chỉ tập trung vào đầu ngọn, đầu cành còn trong thì nó trống, việc này giúp che bóng mát được và giúp gió thổi thoải mái không bị vướng.

Thực tế, ở các thành phố, gió thường bị chắn bởi nhà, cây cối nên sáng kiến này rất hay. Hoặc như ở Trung Quốc, một số tỉnh như Quảng Tây, Quảng Đông cũng gần gũi về khí hậu với phía Bắc nước ta, cho nên đi học họ cũng hay.

Ở Nam Ninh, dù mới tiến lên được độ hơn chục năm nay nhưng họ quy hoạch trồng cây xanh rất tốt. Ngoài các công viên thì ở các đại lộ chính, bên cạnh cây cao, họ còn trồng các cây thấp để cản trở bụi và tiếng ồn xe đi trên đường.

Tôi nghĩ rằng, học hai nơi như vậy là rất tốt và phù hợp với thực tế của chúng ta", ông Liêm nhấn mạnh.

Một số ý kiến cho rằng, trong nước có nhiều chuyên gia từng đi học tập, nghiên cứu tại nước ngoài về các lĩnh vực nông, lâm nghiệp hay quy hoạch kiến trúc đô thị và có đủ trình độ, hiểu biết về Hà Nội để đưa ra những giải pháp hiệu quả cho quy hoạch đô thị.

TS Liêm nhận định, ý kiến này cũng chưa đúng, bởi thực tế, chúng ta có một số chuyên gia nhưng đa phần là học tập, nghiên cứu ở Liên Xô (cũ) và dù tốt nhưng khí hậu không giống nước ta.

Thêm vào đó, việc đi học này không chỉ học việc trồng cây, cắt tỉa cây mà còn là học quy hoạch, kiến thức về quản lý cây xanh.

"Ai nói, hiểu thế nào tôi không biết, nhưng chính Bác Hồ khi đi qua Trung Quốc thấy có loại cây không rụng lá và Bác thương người lao công phải quét lá cây rất nhiều nên Người mang về đề nghị trồng.

Chưa kể còn nhiều vấn đề khác nữa nên việc đi học cái thành công của họ và tránh cái thất bại cũng là điều đáng làm", ông nêu rõ.

Nên học trồng cây mà ta chưa có

Cùng trao đổi với chúng tôi, GS Nguyễn Lân Dũng bày tỏ, trong chủ trương cử người đi nước ngoài thì nên học người ta trồng những cây mà mình không có.

GS Nguyễn Lân Dũng.
GS Nguyễn Lân Dũng.

"Ví dụ như ở Đài Loan, khi tôi sang thì thấy người ta trồng các cây hoa nở ở 40 độ C, chúng ta nên học trồng những cây mà mình chưa có.

Còn chủ trương cử người đi học nước ngoài để cắt tỉa, trồng cây này nên tham vấn các nhà lâm nghiệp của chúng ta đã, đừng để họ phật ý", GS Dũng nói.

Còn GS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, thực tế ở Việt Nam không thiếu các chuyên gia chăm bón, chữa bệnh cho cây cũng như cắt tỉa, tạo dáng cho cây...

"Nếu có kinh phí đi học cũng được nhưng thực ra kinh nghiệm nước ngoài khi áp dụng vào Việt Nam cũng cần có điều chỉnh chứ không thể rập khuôn được vì điều kiện đất, khí hậu, thủy văn của chúng ta rất khác.

Cho nên ở đây, chúng ta cần khai thác các chuyên gia trong nước đi kèm với việc học tập nước ngoài chứ nếu chỉ chú ý đến học tập nước ngoài thì không thành công", GS Đăng cho hay.

Ông cũng nhìn nhận, hiện nay, vấn đề quy hoạch đô thị trong đó, có quy hoạch cây xanh của Hà Nội còn yếu nên thành phố cần tổ chức các tham vấn với các chuyên gia, có kinh nghiệm về thực vật, đa dạng sinh học, nhất là những người quan tâm đến cây với đô thị.

"Hà Nội nên có những buổi trao đổi, tham vấn chuyên gia. Chúng ta không thiếu những chuyên gia nhưng phải khai thác, tận dụng kiến thức của người ta để áp dụng vào Thủ đô", ông Đăng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại