Tiếc vì không nói đến Biển Đông
Sáng nay (6/11), sau khi thăm, hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu dài hơn 20 phút trước Quốc hội Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi bền lề kỳ họp Quốc hội về bài phát biểu này, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Đoàn Nam Định) cho hay, sau khi nghe bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, ông thấy có một số điểm đáng chú ý.
Theo ông Sơn, bài phát biểu có nhấn mạnh đến quan hệ Việt - Trung , đặc biệt là kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước như ông Tập Cận Bình nói là thành quả của Đảng, nhân dân hai nước và do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông lập lên.
"Thực ra, chúng tôi rất hy vọng và nghe những lời nói rất chân tình, thể hiện tình cảm, tình đồng chí giữa những người cộng sản, những người láng giềng, anh em có mối quan hệ lâu năm và mối quan hệ này cũng không bao giờ bỏ được là điều chắc chắn.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cảm thấy hơi tiếc. Bởi, chúng tôi vẫn nghe lại những lời cũ, gần như không có gì mới.
Vẫn là chủ trương 16 chữ vàng, 4 tốt, trong đó, có đồng chí tốt, đối tác tốt, láng giềng tốt, bạn bè tốt cũng như có những phân tích rõ ràng thêm một chút những nội dung đã được theo dõi từ lâu ở các cuộc gặp gỡ giữa hai bên.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng rất nhiều lần nói, Trung Quốc nguyện cùng Việt Nam làm việc này, Trung Quốc cùng Việt Nam làm việc kia...
Nhưng mà Chủ tịch cũng chỉ nhấn mạnh, chúng ta quan tâm đại cục, bỏ qua tiểu tiết, khi giải quyết được đại cục thì những tiểu cục tự nhiên sẽ chuyển.
Họ nói là nhỏ nhưng với dân tộc Việt Nam chúng ta không nhỏ chút nào cả. Những hòn đảo rất nhỏ nhưng vô cùng thiêng liêng, to lớn đối với người dân Việt Nam chúng ta.
Đó là những điều chúng ta rất băn khoăn. Lẽ ra, chúng tôi rất muốn nghe ví như từ giờ trở đi Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam những gì, hỗ trợ cho ngư dân Việt Nam trên vùng biển mà ta tạm gọi là đang có sự tranh chấp ấy như thế nào.
Chúng tôi muốn họ nói rằng, họ dừng việc này, việc kia mà chúng ta quan tâm. Tuy nhiên, bài phát biểu chỉ dừng lại ở mức độ chung chung, có tính chất ngoại giao", ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cũng bày tỏ, có những đại biểu chờ đợi, hy vọng những điều rất tốt, những lời lẽ, mỹ từ đưa lên tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam phải biến thành các hoạt động, việc làm thực tế của phía bạn, chứ không phải chỉ nhắc lại cho đầy đủ.
"Ông Tập rất nhiều lần nhắc lại những câu thơ mà người Việt Nam chúng ta cũng thuộc từ rất lâu, những bài thơ, câu thơ về tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
Cụ thể, ông Tập nói đến lời những bài hát mà từ khi tôi còn bé đã từng học, từng thuộc, Việt Nam - Trung - Hoa núi liền núi, sông liền sông, anh ở bên đấy, tôi bên đây và cả những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hoạt động cách mạng ở Trung Quốc.
Những câu thơ như thế được nhắc lại, cá nhân tôi cũng rất bồi hồi, xúc động, nhưng thực ra có lẽ, những gì đã xảy ra trong những năm vừa qua làm lấn át đi những cái lẽ ra trở thành niềm vui", ông Sơn nêu.
Vị đại biểu này cũng chia sẻ thêm: "Ngay khi biết tin Chủ tịch Tập Cận Bình có đến, phát biểu thì tất cả chúng tôi hỏi nhau rằng, liệu ông Tập sẽ nói về Biển Đông như thế nào?
Nhưng bài phát biểu hôm nay chỉ nói những điều rất xa xôi thôi chứ không đề cập đến vấn đề cụ thể mà chúng ta quan tâm, chờ đợi xem như thế nào".
Hoàng Sa, Trường Sa không thể coi là tiểu cục
Còn đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho hay: "Trong những trường hợp như thế này thì ngôn từ luôn là ngôn từ ngoại giao. Tôi thấy rất hay nhưng khó nhất là làm".
Ông Quốc cho rằng, sự có mặt của một nguyên thủ quốc gia của Trung Quốc có mặt tại Quốc hội Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa.
Nhưng rõ ràng, việc đó rơi vào thời điểm được người dân rất quan tâm nên do đó người dân luôn có sự so sánh lời nói của ông Tập Cận Bình với những gì đang diễn ra.
"Vì thế, tôi nghĩ rằng có thể đạt được một sự nhất trí cao của những nhà lãnh đạo thì đó là điều rất quan trọng, nhưng cũng có một điều hết sức quan trọng khác là làm cho người dân hiểu, người dân chia sẻ. Đó mới là điều quan trọng.
Điều thứ hai là ông Tập Cận Bình có đề cập đến các vấn đề lịch sử, về một nước Trung Hoa yêu chuộng hoà bình, một lịch sử quan hệ với Việt Nam từ cổ đại đến cận đại chỉ có tương thân tương ái với nhau.
Điều này cho thấy chúng ta càng phải học sử cho tốt, dạy sử cho kỹ. Khi nhìn vào lịch sử thì phải nhìn vào hai mặt.
Nhưng đằng này, ông ấy chỉ nói một mặt thôi. Nếu chúng ta không trang bị một nền tảng kiến thức lịch sử cho giới trẻ thì có lẽ họ sẽ nghĩ một số điều là thật. Tôi hi vọng rằng, cuối cùng những điều ông ấy nói trở thành sự thật", vị đại biểu này nói.
Ông Quốc cũng khẳng định, những vấn đề liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa không thể coi là tiểu cục.
"Có một câu ông ấy nhắc đến là: "Chúng ta có một vận mệnh chung". Tôi nghĩ: Nếu là nhân loại thì sẽ có vận mệnh chung, nhưng mỗi quốc gia có một vận mệnh riêng và mỗi người phải làm chủ vận mệnh của mình.
Đương nhiên, trong mối quan hệ các quốc gia với nhau, chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau.
Chính vì thế, hơn bao giờ hết trong thời đại này, chúng ta phải tuân thủ những cam kết chung - những gì đã trở thành tập quán, pháp luật của quốc tế", đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Vị đại biểu Quốc hội này nói tiếp: "Chúng ta cứ lắng nghe đi, nhưng quan trọng là chúng ta phải giữ vững được lập trường căn bản của mình.
Cũng giống như nguyên lý mà chúng ta hay nói: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Vì thế tôi nghĩ rằng, những cơ hội này mà chúng ta biết tranh thủ thì sẽ rất tốt, đồng thời chúng ta cũng phải tỉnh táo".