Dấu ấn Nguyễn Bá Thanh (Bài 2): “Cha đẻ” của những cây cầu

Hoài Sa |

(Soha.vn) - Từ ngày ông Thanh mới tham gia vào chính sự, làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hoà Nhơn 2, rồi GĐ Nông trường chè Quyết Thắng, ông đã gây dấu ấn với chuyện xây cầu.

Đà Nẵng sau hơn 15 năm chia tách, đã trở thành đô thị phát triển mạnh, năng động bậc nhất cả nước. Có được sự đổi thay này, từ cán bộ đến người dân Đà thành không thể không nhắc đến dấu ấn của vị lãnh đạo cao nhất Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trên những nẻo đường, góc phố, nhà dân và cả những cây câu mang thương hiệu riêng.

Đà Nẵng đang hiện thức hóa giấc mơ bắc 10 cây cầu qua sông Hàn. Một cầu Sông Hàn quay mỗi đêm, cầu Thuận Phước treo dây võng dài nhất nước... và tới đây, cầu Rồng phun cả nước và lửa.

Ông Nguyễn Bá Thanh.

Tương lai không xa, những cây cầu đi bộ, cầu vỏ sò hình hai, cho du khách thỏa thích ngắm sông nước Đà Nẵng. Đi khắp nội thị này, hầu như không còn sự chia cắt địa lý. Tất cả trong một chỉnh thể thống nhất, hạ tầng đồng bộ, những con đường khang trang, sạch đẹp và đặc biệt... tắc đường là chuyện quá hiếm.

Người dân trìu mến gọi Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh là “cha đẻ” những cây cầu không ngoa. Bởi lẽ, bất kỳ cuộc họp đồ án quy hoạch kiến trúc, đến chuyện làm cầu đường, hiếm buổi nào vắng ông. Vị lãnh đạo cao nhất Đà Nẵng chăm chút từng mảng miếng, tổng thể đến chi tiết cho bức tranh quy hoạch Đà Nẵng. Chấm phá trên bức tranh quy hoạch này, có lẽ đầu tiên nên gọi tên những cây cầu bắt qua Sông Hàn.

Từ ngày ông Thanh mới tham gia vào chính sự, làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hoà Nhơn 2, rồi GĐ Nông trường chè Quyết Thắng, ông đã gây dấu ấn với chuyện xây cầu. Thấy người dân trên địa bàn gặp nạn liên tục trong mùa mưa lũ, vì thiếu câu, ông nhiều lần “một mình, một ngựa” ông “cả gan” khăn gói ra trung ương để xin kinh phí xây cây cầu. Chuyện anh chàng làm nông nghiệp đi xây được cây cầu ở thời bao cấp đã người dân lấy tên ông để đặt cho cây cầu nặng tình nghĩa đó.

Nghiệp làm cầu như vận vào ông Thanh từ đó. Ví như chuyện xây cầu xoay sông Hàn, nếu không có sự quyết đoán của ông với giới chuyên môn làm cầu, chắc khó có một cây cầu độc đáo như ngày nay.

Xa hơn, từ những cây cầu kết nối giao thương, xóa dần sự cách trở địa lý và cả phân cấp trong nội thị Đà Nẵng. Thêm từng cây cầu bắc qua Sông Hàn là xóa đi dãy nhà chồ xô lệch, biến mảnh đất “quận Ba” quê mùa thành điểm đến mới, dấu ấn du lịch với con đường chạy dọc ven biển, khu resort, cao ốc... Đó là tầm nhìn xa hiếm có của nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm.

Chỉ trong vòng 10 năm, Đà Nẵng dưới thời lãnh đạo Nguyễn Bá Thanh được xới lên như một đại công trường. Gần 100.000 hộ dân đã phải di dời, giải toả, nhường đất cho những công trình giao thông, công cộng. Gần 1/3 dân số của thành phố bị xáo trộn chỗ ở, thay đổi tập quán sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề. Nhưng sau mỗi dự án, công trình quy hoạch, Đà Nẵng lại chuyển mình, khởi sắc. Đời sống người dân sau giải toả được nâng lên rõ rệt.

Cây cầu Rồng từ chủ trương của Nguyễn Bá Thanh sẽ tiếp tục là điểm nhấn kiến trúc Đà Nẵng.

Vừa xây cầu, ông đẩy mạnh chủ trương làm đường. Một đô thị không thể chật hẹp, bức bách mà phải mở toang các con đường thông thương đến từng vùng đất, khu dân cư. Công trình đầu tiên là mở rộng đường Phan Thanh. Ông Thanh thực hiện triệt để chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để khắp phục khó khăn kinh phí. Không nhận tiền đền bù, nhưng đổi lại giá trị mặt tiền tuyến phố nâng lên đột ngột khiến người dân đồng thuận, hưởng ứng cao.

Từ thắng lợi đó, các đường phố hẹp như Đống Đa, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn... ngày được mở rộng. những con đường mới Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa-Trường Sa, Lê Văn Hiến... hình hài, tạo điểm nhấn cho một thành phố phát triển năng động, sôi động.

Nhưng bài toán quy hoạch, giải tỏa không phải không có những lực cản, khó khăn. Vẫn có bộ phận bị xóa trộn, thiếu đồng thuận. Tuy nhiên, phong cách về một vị lãnh đạo nổi tiếng “đối thoại” trở thành dấu ấn riêng về Nguyễn Bá Thanh. Nơi nào vướng mắc, ông trực tiếp đối thoại, tiếp dân.

Có những lần ông đốt đuốc xuống tận xóm làng để “đấu tay đôi” với người khiếu kiện như những người nông dân chân chất để thông việc. Không ít lần, ông họp khẩn với các doanh nghiệp gây bức xúc trong dân để trực tiếp tìm hướng giải quyết, lắng nghe nguyện vọng người dân.

Đảm trách nhiệm vụ Trưởng ban Nội chính TƯ lần này, người dân, dư luận kỳ vọng ông Thanh tiếp tục “xây cầu” - Cây cầu của niềm hi vọng để đi hết cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà không bị sự chia cắt nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại