Sau 20h tìm kiếm, đến 15h chiều 31/10, do thời tiết xấu, tại nơi tàu bị lật gió mạnh, sóng lớn nên lực lượng cứu hộ đã tạm dừng việc tìm kiếm 4 nạn nhân đang mất tích.
Danh sách 13 thuyền viên được cứu:
1. Nguyễn Hồng Sơn (Nam Định) - thuyền trưởng
2. Trần Văn Hương (Bà Rịa - Vũng Tàu) - máy trưởng
3. Đỗ Văn Mạnh (Nam Định) - thuyền viên
4. Lý Công Cường (Thanh Hóa) - thuyền viên
5. Nguyễn Đức Kỳ (Đồng Tháp) - thuyền viên
6. Võ Công Hùng (Hà Tĩnh) - thuyền viên
7. Hồ Hoài Nam (Khánh Hòa) - thợ máy lái xe xúc
8. Nguyễn Văn Hải (Nình Bình) - thợ máy lái xe xúc
9. Nguyễn Thanh Bình (Khánh Hòa) - thợ máy lái xe xúc
10. Đinh Văn Chương (Nam Định) - thợ máy lái xe xúc
(Số người trên đang ở cảnh vụ Bà Rịa - Vũng Tàu)
11. Trần Minh Sang (Khánh Hòa) - thủy thủ
12.Hoàng Văn Biên (Hà Tĩnh) - thợ máy
13.Nguyễn Trung Tường (Hà Tĩnh) - đang đưa về Vũng Tàu
Bốn người hiện chưa tìm được:
1. Phan Anh Tấn (Hà Tĩnh) - chủ tàu
2. Nguyễn Văn Sa (Khánh Hòa) - thuyền viên
3. Hải (Kiên Giang)
4. Quãng (Ninh Bình)
15h: Trao đổi với PV, thiếu tá Lê Văn Hưng - Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Long Hòa cho biết, ở hiện trường thời tiết đang xấu, sóng to gió mạnh nhưng công tác cứu hộ vẫn còn tiếp tục, cố định tàu không cho trôi đi.
Từ đồn biên phòng Long Hoà một nhóm chiến sĩ được đưa ra bảo vệ hiện trường. 4 nạn nhân hiện vẫn chưa được tìm thấy.
Thuyền viên Tường được cứu.
14h15: Những phương án cứu hộ tại hiện trường đều bế tắc, thời tiết càng lúc càng xấu.
13h45: Lực lượng cứu hộ đang đưa các loại ống hút bớt nước ra ngoài để tiếp tục tìm kiếm. Hiện lực lượng cứu hộ chưa cắt lớp 2 của đáy tàu vì sợ tàu sẽ chìm nhanh.
13h: Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Đình Việt đã trực tiếp lên tàu bị nạn chỉ đạo cứu hộ. Thuyền trưởng của tàu này đã trực tiếp quay lại tàu tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn.
11h50: Lực lượng cứu hộ cứu nạn quyết định tăng thêm 20 người nhái để tiếp tục lặn sâu vào bên trong con tàu Hoàng Phúc 18 nhằm giải cứu 2 thuyền viên còn đang mắc kẹt bên trong.
11h30: Phóng viên Hứa Phương tại hiện trường cho biết, 1 thuyền viên được cứu ra ngoài trong tình trạng khỏe mạnh. Thuyền viên này tên là Nguyễn Trung Tường.
Thuyền viên được cứu đã được đưa lên tàu SAR 413 để nhân viên y tế chăm sóc.
Lực lượng cứu hộ đang đi đến các khoang tàu còn lại để tìm người mắc kẹt.
11h20: Thợ lặn đang dùng đèn pin soi dưới nước để đi vào bên trong con tàu lật tìm kiếm người mất tích. Tình hình có khả quan, các tàu đang tiếp cận tàu gặp nạn, có thể đưa thuyền viên bất cứ lúc nào.
Giữa nhân viên cứu hộ và nạn nhân bị kẹt đã có thể nói chuyện với nhau.
11h: Thông tin mới nhất từ Trực ban chỉ huy Bộ Tư lệnh cảnh sát biển cho biết: Vị trí khu vực Soài Rạp bên lở bên bồi. Thời tiết gió, thủy triều bất ổn.
Có thể 3 người còn sống đang mắc kẹt trong tàu.
10h35: 8 ngư dân lặn giỏi đã đến trợ giúp, có thể xác định vị trí các nạn nhân mắc kẹt đang tập trung ở đuôi tàu.
10h10: Bình khí được chuyển qua tàu cá để đưa đến gần con tàu lật.
Các thuyền viên mắc kẹt bên trong có thể di chuyển được nên họ gõ liên tục vào những vị trí khác nhau để báo hiệu cho đội cứu hộ.
Sáng cùng ngày, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã đi thuyền ra hiện trường kiểm tra và chỉ đạo công tác cứu người.
10h: Lực lượng cứu hộ đã cắt được một lỗ trên đáy tàu và đang tiến hành tát nước từ bên trong ra. Hiện vẫn chưa tiếp cận được các ngư dân gặp nạn.
9h55: Tại hiện trường có khoảng 5 tàu của biên phòng, cứu hộ hàng hải, kiểm ngư cùng nhiều tàu nhỏ của ngư dân tham gia cứu. Có hơn 100 người tham gia cứu hộ.
Tại khu vực tàu gặp nạn, sóng đang rất to. Trên bầu trời, trực thăng cứu hộ đã xuất hiện.
Tàu bị lật úp, thời tiết tại hiện trường đang nắng to nên lực lượng cứu hộ lo lắng nếu công tác cứu người không triển khai nhanh sẽ nguy hiển đến tính mạng thuyền viên bị mắc kẹt.
Tàu cá của người dân tham gia cứu hộ
9h50: 2 phương án giải cứu những thuyền viên đang mắc kẹt bên trong đều không thực hiện được.
9h40: Tin mới nhất cho hay, lực lượng chức năng nghe rõ tiếng "bốp, bốp" phát ra từ bên trong chiếc tàu chìm.
9h30: Phóng viên Hứa Phương vừa báo về, trực thăng đã ra hiện trường, hỗ trợ công tác tìm kiếm. Một tàu từ TPHCM chở bình khí đá ra, sử dụng trong trường hợp cắt đáy tàu cứu người.
9h: Theo lực lượng cứu hộ, việc khoan tàu để đưa ôxy vào khoang không thể tiến hành được, bởi khi khoan có tia lửa điện phát ra, dễ gây cháy nổ và rất nguy hiểm. Do đó, phương án dùng hàn gió đá hàn cắt phần nổi thân tàu đang được tiến hành.
Được biết, tại hiện trường, lực lượng chức năng đang sử dụng ống lặn dùng được 1 giờ thì hết khí ôxy, phải thay ống mới. Do đó, phương án ống lặn dùng được 2 giờ đã được thực hiện.
8h35: Theo ghi nhận của phóng viên Lâm Phương, Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho biết, Cục đã điều 1 trực thăng ra hiện trường chìm tàu trên sông Soài Rạp để tìm kiếm.
Cảnh sát PCCC TP.HCM đã điều thêm tàu cứu nạn và gần 20 các bộ chiến sĩ tiếp cận hiện trường tìm kiếm cứu nạn.
Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Tiền Giang đã điều tàu Hải đội 2 (tàu BP 150401) để phối hợp với Bộ đội biên phòng TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cảng vụ Vũng Tàu và Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn cứu hộ Khu vực III tổ chức tìm kiếm, cứu nạn.
Hiện trường tàu chìm trên sông Soài Rạp. Nguồn: Zing.vn
Thuyền viên Biên bần thần trước sự việc xảy ra
7h45: "Ngư dân Phạm Văn Thu tham gia cứu hộ cho biết bên trong con tàu có tiếng người nhưng chưa xác định được bao nhiêu nạn nhân. Đội người nhái đã lặn lần thứ 3 nhưng chưa tiếp cận được các nạn nhân để tiếp tế bình ô xy", tờ Zing thuật lại.
7h30: Tàu cứu hộ và một tàu cá của người dân đã tiếp cận được con tàu bị chìm. Đội cứu hộ mang bình ôxy và xuống nước. Theo nhận định, có khả năng có người còn sống trong con thuyền bị chìm. Đây là thông tin trên tờ Tuổi trẻ.
6h30: Theo tờ Zing, tại hiện trường, chiếc tàu gặp nạn lật úp nhưng chưa chìm hẳn, phần đáy nổi lên trên. Chưa tìm thấy các thuyền viên mất tích.
Đội cứu nạn đã ra đến hiện trường. Chiếc tàu Hoàng Phúc 2.000 tấn gặp nạn lật úp giữa sông. Ảnh: Hải An/Zing
Trên tàu tuy có áo phao nhưng không ai kịp lấy
"Tàu nghiêng qua mạn bên phải, thì mọi người chạy ra khỏi phòng hô lớn chìm tàu. Tất cả mọi người chạy về phía bên mạn trái tìm đường thoát thân.
Tiếng la hét xôn xao giữa đêm tối. Trên tàu tuy có áo phao nhưng không ai kịp lấy. Khi rơi xuống nước mọi người cố gắng bơi về nơi có ánh sáng để tìm sự sống”, anh Trần Minh Sang kể trên tờ Tuổi trẻ.
1h30 ngày 31/10: 2 trong số 11 nạn nhân được cứu sống và đưa về Đồn Biên Phòng Long Hòa (Cần Giờ) được xác định là anh Hoàng Văn Biên và anh Trần Minh Sang. Lực lượng chức năng đang khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân còn lại.
0h ngày 31/10: lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm 5 người đang mất tích trong vụ chìm tàu cá Hoàng Phúc trên sông Soài Rạp, thuộc địa phận TP.HCM.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 20h ngày 30/10, tàu Hoàng Phúc khi đi đến khu vực phao số 5 luồng sông Soài Rạp thì bị sóng đánh chìm.
Lúc gặp nạn, trên tàu có 16 thuyền viên, trong đó 11 người đã được một sà lan cứu, còn 5 người mất tích.
Theo ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III (Vungtau MRCC), ngay khi nhận được tin, đơn vị đã thông báo cho cảng vụ TP. HCM và các bên liên quan để triển khai các biện pháp cứu hộ.
Do khu vực này nằm trong sông Soài Rạp nên Cảng vụ và lực lượng Biên phòng đã lập tức triển khai nhiều tàu tới vị trí tàu bị nạn, công tác cứu hộ đang được triển khai rất khẩn trương.
Lực lượng cứu hộ thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM đang xuống hiện trường phối hợp với lực lượng khác tìm kiếm các nạn nhân.
Sông Soài Rạp dài khoảng 40km nằm ở phía Nam TP.HCM. Đây cũng là ranh giới giữa huyện Cần Giờ, Nhà Bè (TP.HCM), Cần Giuộc (Long An) và Gò Công Đông (Tiền Giang).
Trước đó, vào năm 2013 một canô chở 30 công nhân đã chìm khi đi qua cửa sông này, khiến 9 người thiệt mạng.