Cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN có thể bị mức án "kinh hoàng"

Hoàng Đan |

Theo các luật sư, nếu bị tuyên phạt ở mức cao nhất với mỗi tội danh và tổng hợp hình phạt thì mức phạt tù có thể tới 30 năm, một hình phạt rất "kinh hoàng" cho ông Nguyễn Xuân Sơn.

Có thể lĩnh án 30 năm tù

Tối 21/7, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN).

Theo đó, ông Sơn bị khởi tố về hai tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng VP Luật sư Toàn Cầu cho rằng, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Xuân Sơn, người có chức vụ cao tại một Tập đoàn có doanh thu lớn nhất và có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế là một quyết tâm của Nhà nước.

Luật sư Thiệp cho biết thêm, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì: ”Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật".

Như vậy, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được hành vi phạm tội của ông Nguyễn Xuân Sơn thì chắc chắn sẽ có mức hình phạt rất nghiêm khắc.

Vì theo báo chí thì số tiền thất thoát lên đến 800 tỷ đồng, một con số vô cùng lớn đối với nhiều tỉnh có số thu ngân sách thấp hơn nhiều lần.

Cũng theo luật sư Thiệp, nếu ông Sơn bị tòa án tuyên bố phạm tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng …..” thì tại khoản 3 Điều 165 có mức hình phạt đến hai mươi năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Luật sư Lê Văn Thiệp
Luật sư Lê Văn Thiệp

Nếu bị tòa án tuyên bố phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ“ thì mức hình phạt được quy định tại Khoản 3 Điều 281.

Cụ thể, phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

"Như vậy, nếu bị tuyên phạt ở mức cao nhất đối với mỗi tội danh và tổng hợp hình phạt thì mức phạt tù có thể lên tới 30 năm tù, một hình phạt có thể nói là rất "kinh hoàng" đối với ông Nguyễn Xuân Sơn khi đã ngoài 50 tuổi", luật sư Thiệp nhận định.

Ngoài ra, tòa án có thể tuyên bố tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (trừ phần tài sản có được từ thu nhập hợp pháp của vợ, con hay người thân), nếu chứng minh được và cấm đảm nhiệm chức vụ quyền hạn.

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp cũng cho rằng, với diễn biến hiện nay thì ông Sơn đã bị khởi tố và đang tiếp tục điều tra.

"Nếu kết quả điều tra kết luận là ông Sơn có thực hiện hành vi phạm tội, Viện Kiểm sát có bản cáo trạng truy tố ông Sơn về các tội danh nêu trên, thì ông Sơn phải đối mặt với mức án tù tới 20 năm hoặc có thể tới 30 năm cho nhiều tội danh", luật sư Cường cho hay.

Bài học nào sau vụ ông Sơn?

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, có thể với thân nhân, bạn bè và những người không quan tâm nhiều tới lĩnh vực tài chính, ngân hàng thì việc ông Sơn bị bắt là một thông tin khá đặc biệt và bất ngờ.

Nhưng với những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hoặc lĩnh vực pháp luật có liên quan thì vụ việc khởi tố trong trường hợp của ông Sơn hay trước là ông Thắm thì hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Không chỉ với những trường hợp này mà trong tương lai, nhiều cán bộ lãnh đạo ngân hàng khác có thể vướng vòng lao lý do vi phạm quy định về cho vay, quản lý kinh tế.

"Việc khởi tố, điều tra ông Sơn về các tội danh nêu trên xuất phát từ vụ án của ông Hà Văn Thắm.

Điều đó chứng tỏ cơ quan điều tra cũng đã có những tài liệu, chứng cứ chứng minh ông Sơn có tham gia thực hiện các hành vi phạm pháp với ông Thắm và các đồng phạm khác.

Tuy nhiên, việc quyết định ông Thắm, ông Sơn có tội hay không, mức án ra sao thuộc về trách nhiệm, thẩm quyền của tòa án theo các trình tự, thủ tục xét xử", ông Cường nói.

Nhưng, theo luật sư Cường, dù thế nào, sự việc xảy ra với những nhân vật như Bầu Kiên, Huyền Như, Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn… cũng phần nào phản ánh bức tranh về thị trường tài chính, bất động sản của Việt Nam trong những năm qua.

Sự bùng nổ của thị trường bất động sản, tài chính trong khi đó việc quản lý kinh tế còn nhiều bất cập đã tạo cơ hội cho một số đối tượng lợi dụng cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả xấu cho xã hội.

Việc khởi tố, điều tra, xét xử với các cán bộ ngân hàng và việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, tăng cường công tác quản lý hệ thống tín dụng là những bước chuyển biến trong công tác quản lý, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của nền kinh tế.

Còn luật sư Thiệp cũng bày tỏ, sau vụ việc này, chúng ta cần nâng cao hơn nữa quyết tâm và không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng.

Tuy nhiên cái gốc của vấn đề là kiểm tra, giám sát quyền lực như thế nào, hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Vị này nhấn mạnh: "Trong đó có cả sự độc lập của cơ quan tư pháp thì mới có thể kiểm soát được tham nhũng, không để tiền thuế của dân được trao cho những kẻ tham lam và sẵn sàng phạm tội khi được giao trọng trách quản lý tài sản công".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại