Thông tin trên được lãnh đạo phường Quan Hoa, đơn vị chủ quản các trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo’ sau khi thu hồi của dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, chia sẻ cùng VietNamNet.
Theo lãnh đạo phường Quan Hoa, các trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” của dự án tuyến đường “đắt nhất hành tinh” dài gần 600m, tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng, nếu không đủ điều kiện cấp phép xây dựng sẽ bị thu hồi tuyệt đối.
Giá tiền thu hồi những trường hợp này, theo khung bảng giá đất được áp tại quận Cầu Giấy, sẽ ở mức giá 16tr đồng/m2.
Như vậy, chủ sở hữu bức tường 1,7m2 đang được rao bán với giá 1 tỷ đồng trên con đường “đắt nhất hành tinh” sẽ phải cân nhắc nếu biết được giá đền bù nếu như nhà nước thu hồi.
Trước đó, dòng quảng cáo rao bán “bức tường” rộng 14cm, dài 10.85m sau khi thu hồi của hộ dân Nguyễn Phương Châm (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) với mức giá 1 tỷ đồng khiến dư luận xôn xao.
Chủ sở hữu hợp pháp “bức tường” này chia sẻ với báo chí: Sau khi giải phóng mặt bằng từ ngôi nhà mặt đường hơn 60m2, ông được trả lại 1,7m2. Trên mảnh đất này ông không xây nhà siêu mỏng siêu méo, nên đã rao bán.
Ông phân tích, nếu mua lại bức tường, ngôi nhà phía trong nghiễm nhiên trở thành nhà mặt đường. Từ đó, giá đất cũng tăng vọt lên rất nhiều lần.
Cụ thể, theo tìm hiểu của ông, mảnh đất của nhà bên trong ban đầu “trăm triệu không ai mua”, nếu trở thành đất mặt đường sẽ có giá 350 triệu đồng/m2.
“Nếu tôi cứ để bức tường đó, hay cho thuê là cái biển quảng cáo thì mảnh đất bên trong có giá trị rất thấp. Nếu mua lại bức tường này, mảnh đất bên trong tăng giá trị lên nhiều lần.
Nếu tính 350 triệu đồng/m2 thì mảnh đất bên trong bán được 23 tỷ đồng. Do vậy, nếu họ mua bức tường của tôi 1 tỷ đồng vẫn rẻ”, ông Châm phân tích.
Ở khía cạnh khác, ông Châm cho hay: theo cách tính thị trường “1m mặt đường ăn 4m trong ngõ”. Như vậy, bức tường 1,7m2 đất mặt đường tương đương với 6,8m2 đất bên trong.
Như vậy, với 6,8m2 với giá thị trường 350 triệu/m2 bức tường trên có giá hơn 2,3 tỷ đồng.
“Trong khi đó, tôi chỉ bán có 1 tỷ đồng, như vậy rẻ chưa bằng nửa giá trị thị trường” - ông Châm cho hay.
PCT phụ trách Xây dựng - Đô thị phường Quan Hoa, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết: thời điểm sau khi thu hồi các hộ dân phục vụ dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, trên địa bàn phường còn 25 trường hợp các hộ dân còn đất nhưng không đủ điều kiện cấp phép xây dựng.
“11 trường hợp người dân đã tự thỏa thuận hợp thửa, hợp khối. 8 trường hợp đã có phương án tới đây sẽ được thu hồi để xây dựng các công trình công cộng như: bảng tin phường, cột ATM, nhà chờ xe buýt…
Các trường hợp khác không thỏa thuận được, quận sẽ cho thu hồi để làm các công trình công cộng như trên” – ông Hưng cho biết.
Theo phương án bồi thường đối với những trường hợp đất “siêu mỏng, siêu méo” này, mức giá là 16 triệu đồng/m2.
Như vậy, “bức tường 1,7m2” dài 10,85m; rộng 14cm của gia đình ông Châm, nếu áp theo phương án bồi thường mà nhà nước thu hồi sẽ là 27,2 triệu đồng – một con số rất nhỏ so với số tiền 1 tỷ đồng được chủ hộ này rao bán.
“Quận đã chỉ đạo, sẽ kiên quyết không để trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài.
Chúng tôi cũng cam kết cả tuyến đường đều có cốt nền bằng nhau, không để ban công đua ra. Những trường hợp diện tích đất quá bé sẽ bị thu hồi tuyệt đối” – PCT phường Quan Hoa khẳng định.
Trước câu hỏi, tại sao không thu hồi hết diện tích đất của 25 trường hợp này để tránh những vướng mắc phát sinh, chủ tịch phường Quan Hoa cho biết: “Việc thu hồi căn cứ theo chỉ giới của dự án. Việc thu hồi phần đất méo mó còn lại, nằm ở dự án khác”.