Cuộc sống của chàng sinh viên gần 20 năm không có nụ cười

THÀNH AN |

Lên 4 tuổi, căn bệnh ung thư xương quai hàm đã khiến thịt quanh cằm của Dương Đức Thắng, sinh viên năm 2 tại trường ĐH Công nghệ – Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên bị phân hủy, răng lung lay, rụng dần… rồi “cướp” đi vĩnh viễn nụ cười của em. Hiện nay, em đã mất đi 71% sức khỏe.

“Tuổi thơ dữ dội”

Tìm về nhà Thắng tại xóm Đồng Yên, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mái ngói ba gian, phía ngoài sân ngổn ngang thóc rơm của ngày mùa, bà Dương Thị Diện, mẹ Thắng, rơm rớm nước mắt, chia sẻ: “Thắng sinh năm 1993, khi lên lên 4 tuổi, khu vực cằm và xung quanh miệng Thắng có nhiều biểu hiện lạ như: mụn mọc quanh cằm và ngày càng nhiều hơn, sau đó dần lở loét. Gia đình đã đưa Thắng đi chữa trị ở Thái Nguyên một thời gian nhưng bệnh không chuyển biến, gia đình đã phải vay mượn khắp nơi đưa em xuống Hà Nội”.

Tận mắt khám phá giếng mắt trâu kỳ lạ ở Hưng Yên Tận mắt khám phá giếng mắt trâu kỳ lạ ở Hưng Yên

Thôn Nhân Vũ, xã Nguyễn Trãi, Ân Thi, Hưng Yên có hình dáng tựa con trâu đực nằm nghiêng. Các vị trí trâu nằm đều để lại những hố hoặc những chiếc giếng linh thiêng với những lời đồn khó lý giải.

Việc chữa trị cứ kéo dài cho tới năm 2001, tại bệnh viện K (Hà Nôi), bác sĩ đã kết luận Thắng mắc phải bệnh ung thư xương quai hàm sau khi xét nghiệm tế bào ung thư. Việc cứu chữa càng trở nên vô vọng hơn. Lúc này, thịt quanh cằm bắt đầu phân hủy và bốc mùi hôi, răng lung lay và rụng dần, xương quai hàm cũng không còn nữa. 

Đến năm 2009, Thắng đã nhận được sự giúp đỡ của Quỹ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đưa em sang Hàn Quốc để phẫu thuật, lắp xương quai hàm bằng nhôm, dùng thịt ở đùi để cấy ghép nhưng vẫn không mang lại kết quả như mong đợi. Việc ăn uống ngày càng khó khăn hơn khi thịt quanh hàm giả vẫn mưng mủ và chảy máu, thế là lại phải tháo bỏ. 

Dẫu vậy, không từ bỏ, gia đình vay mượn tiền của anh em hàng xóm để chữa trị. “Hai bố con phải nằm ở bệnh viện chữa bệnh trong hai năm liền. Việc chữa trị, ăn uống hàng ngày vô cùng tốn kém, nhưng tôi vẫn cố gắng dù chỉ còn một tia hi vọng với con mình”, ông Dương Quang Trung, bố của Thắng nói. 

Vào mùa hè năm 2011, Thắng được quay trở lại Hàn Quốc để thực hiện việc lắp răng nhưng do sức khỏe và nhiều yếu tố khác đã không thực hiện được luôn. Hiện tại, Thắng đã không còn đau ở vùng cằm và miệng. Sinh hoạt cuộc sống của em bình thường duy chỉ việc ăn uống còn gặp nhiều khó khăn. “Thắng không được ăn uống như người bình thường, thức ăn hoàn toàn phải là đồ mềm nhũn hoặc đã được nghiền nát”, bà Diên tâm sự.

Người dân trong xã của Thắng đã quá quen với hình ảnh của Thắng – một cậu bé lúc nào cũng bó băng trắng trên cằm. Dù đi học hay ở nhà chăn trâu giúp bố mẹ. 

Nghị lực vươn lên của chàng sinh viên

Ông Dương Quốc Hùng, Phó Chủ tịch xã Thượng Đình (Phú Bình, Thái Nguyên) cho biết, hộ gia đình nhà Thắng, nhiều năm nay đều thuộc diện hộ nghèo của xã. Gia đình thuần nông, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn; bố Thắng bị tai biến mạch máu não và mất đi khả năng lao động; mẹ Thắng thì tần tảo với bốn sào ruộng cùng nghề phụ đan rọ tôm. 

Căn bệnh quái ác đã đưa kinh tế của gia đình Thắng vào đường cùng. Cuộc sống cả gia đình năm miệng ăn phụ thuộc hoàn toàn vào người chị gái đang phải đi làm công nhân. Thế nhưng, khi chị gái đi lấy chồng mọi thứ càng khó khăn hơn.“Chữa bệnh cho Thắng chưa xong lại lo tiền thuốc thang cho chồng hàng ngày. Kinh tế gia đình càng ngày càng khó, nợ nần chồng chất. Giờ Thắng lại đi học đại học, chỉ mong Nhà nước rồi mọi người giúp đỡ”, bà Dương Thị Diện nói.

Dù mắc căn bệnh hiển nghèo và sống trong gia cảnh nghèo khó nhưng Thắng vẫn luôn là học sinh khá giỏi và có thành tích cao trong suốt các cấp học. Đặc biệt, năm học 2004 – 2005, Thắng đi thi học sinh giỏi cấp Tỉnh môn Toán và đạt giải Nhì. 

Xót xa cậu bé không bao giờ ngừng cười Xót xa cậu bé không bao giờ ngừng cười

Cậu bé sẽ luôn luôn mỉm cười vô điều kiện.

Năm 2012, Thắng đỗ vào trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trường ĐH Thái Nguyên), tất cả mọi người trong gia đình rồi làng xã đều vui mừng. Nhưng nỗi lo càng nhân gấp bội hơn khi Thắng đến trường phải tự chăm sóc bản thân và hòa nhập với môi trường đại học.

“Lúc em đỗ vào trường ĐH, bố mẹ em phản đối và ngăn cản, một phần vì nhà quá nghèo, phần khác là lo cho em không thể tự chăm sóc cho mình khi đang còn bệnh tật. Thế nhưng, được sự ủng hộ của chị gái, cuối cùng, bố mẹ em cũng hiểu rõ ý chí của em và đồng ý cho nhập học.” – Thắng kể lại. 

Cũng theo Thắng tâm sự, hàng tháng, chị gái Thắng chỉ gửi cho em được vài trăm nghìn để trang trải chi phí sinh hoạt. Với số tiền ít ỏi, Thắng phải hết sức dè xẻn mới đủ. Ngoài ra, để tiết kiệm chi tiêu tối đa, tuần nào em cũng đạp xe đạp về quê dù sức khỏe của em chỉ còn 20% so với người bình thường. 

Trao đổi về tình hình học tập của Thắng tại trường ĐH, ông Đinh Văn Nam, thầy chủ nhiệm cho biết: “Thắng luôn có thành tích học tập khá – giỏi trong 2 năm qua. Là người trực tiếp dạy Thắng trong năm thứ nhất, tôi thấy em rất thông minh và chịu khó. Mới đây trong danh sách xét học bổng tôi cũng thấy tên Thắng trong đó”. 

Chia sẻ về ước mơ của mình, Thắng tâm sự: “Do không được khỏe mạnh như các bạn khác, em đã chọn ngành công nghệ thông tin để theo đuổi ước mơ trở thành một kỹ sư về máy tính. Có được một công việc ổn định và giúp đỡ được bố mẹ lúc tuổi già”. Hiện em đang nỗ lực, quyết tâm giành cho mình một suất học bổng để giảm đi gánh nặng học phí cho gia đình và cũng là đảm bảo cho việc học không bị nghỉ giữa chừng.”

Vượt qua những khó khăn về vật chất, vượt qua cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, Thắng vẫn đang ngày đêm miệt mài đèn sách, cố gắng học tập để thực hiện ước mơ của mình. Thắng khiến mọi người cảm phục và tin tưởng, bởi em đã làm được những điều mà không phải người tàn tật nào cũng có thể làm được.

Chân dung chàng sinh viên gần 20 năm không có nụ cười. Ảnh: Thành An 
Dương Đức Thắng đang là sinh viên năm 2 tại trường ĐH Công nghệ – Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên. Ảnh: Thành An 
Thắng không được ăn uống như người bình thường, thức ăn hoàn toàn phải là đồ mềm nhũn hoặc đã được nghiền nát. Ảnh: Thành An
Cuối tuần, những lúc được nghỉ học, Thắng lại đạp xe đạp về nhà trên quãng đường hơn 20km để phụ việc gia đình. 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại