Cùng cực cảnh 3 bà cháu 3 năm liên tiếp chịu 3 cái tang chết trẻ

Long Nguyễn - Thu Thảo |

Ngôi làng nghèo khó đã chứng kiến tất thảy 7 trường hợp mắc bệnh lạ và 5 trong số đó đã chết. Chỉ còn lại 2 em bé, đớn đau thay lại rơi vào trong cùng 1 gia cảnh khốn cùng…

Bệnh lạ nơi xóm nghèo

Gần 10 năm bén nghiệp viết lách, tôi không phải chưa từng rớt những giọt nước mắt cảm thương cho những phận đời thảm hại nơi tôi đã đi và gặp.

Thế nhưng hôm nay thì tôi đã khóc thực sự, ngon lành như một đứa trẻ, ngũ tạng như muốn vỡ tan ra bởi xót thương đến cực độ cho những gì mình vừa tận thấy.

Còn Thảo, bạn đồng hành – thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn thiện nguyện có tên "Những Người đi trước và Cộng sự" từ Hà Nội, trong lòng như bị ai vò đến thắt lại, cứ thút thít khóc mãi không dứt.

Thảo khóc ngay từ lúc mới đặt chân vào ngưỡng cửa của căn nhà lá dột nát, cho đến khi tận tay bế những em bé ngẩn ngơ có làn da thô ráp như vẩy cá, đến tận lúc chia tay ra về.

Căn nhà xác xơ và tạm bợ của ba bà cháu Hà Thị Bén

Căn nhà xác xơ và tạm bợ của ba bà cháu Hà Thị Bén

Và Thảo cũng là người duy nhất tự nguyện cùng tôi từ Hà Nội, vượt rừng hoang núi thẳm để đến tận xóm nghèo mông muội, về lại ngôi nhà của 3 bà cháu cùng vận này.

Nằm ở cuối xóm Mặc, xã Thượng Cửu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), nơi cư ngụ của 3 bà cháu khốn khó chon von trên một trảng đồi trọc lốc dựng đứng.

Trong căn nhà tạm bợ được ghép vội từ những thứ gỗ người ta vứt đi, mùi mái tranh ẩm mốc quện với không khí u ám tang thương như vón cục lại, đặc quánh, mùi hương trầm xộc thẳng vào tận óc những người vừa đến.

Trên ban thờ - có lẽ là nơi 'lành lặn' nhất còn xót lại trong nhà rách nát, là di ảnh 3 người còn rất trẻ, đều là máu mủ của những người còn sống.

Bà Hà Thị Bén năm nay 71 tuổi, tóc đã bạc trắng đầu, lưng còng như con tép nhỏ, người gầy gò xanh xao, bộ quần áo đã sờn rách còn đôi chân trần thì hằn vết bẩn, nứt nẻ loang lổ máu.

Bà Bén đau đớn bên đứa cháu bệnh tật của mình

Bà Bén đau đớn bên đứa cháu bệnh tật của mình

Bà ngồi ở mép giường khi chúng tôi đến, chưa kịp đợi chúng tôi mở lời, bà ôm vội 2 đứa cháu bệnh tật vào lòng rồi những hàng nước mắt cứ trào ra từ đôi mắt mờ đục.

Bà không biết chúng tôi đến làm gì, bà đơn giản sợ chúng tôi làm đau bọn trẻ.

Sau khi biết rõ mục đích chuyến viếng thăm, bà Bén ngồi phệt xuống đất như người mất hết sức lực, mái tóc khẽ lay động còn thân hình thì rung lên đứt đoạn.

Mãi một lúc sau, bà mới gắng gượng khều khào kể lại câu chuyện trần ai bi kịch của cuộc đời mình và của những đứa con, cháu mình.

Theo lời bà Bén, ngôi nhà này vốn là của người con trai thứ 10 của bà, nhưng cách đây 3 năm, cậu con trai chẳng may mất do điện giật, bỏ lại người vợ trẻ và ba đứa con nheo nhóc, bệnh tật.

Thế nhưng một tháng sau, đứa cháu nội thứ hai của bà cũng đột ngột qua đời vì căn bệnh lạ, mà giờ đây đang ngày đêm hành hạ hai em bé còn lại.

Bà Bén dù đã 71 tuổi nhưng vẫn phải tự tay làm mọi việc để nuôi nấng 2 cháu nhỏ

Bà Bén dù đã 71 tuổi nhưng vẫn phải tự tay làm mọi việc để nuôi nấng 2 cháu nhỏ

Nén nỗi đau của người mẹ vừa mất con, lại mất cháu, bà tiếp tục cùng con dâu nuôi dạy 2 cháu nhỏ. Nhưng nỗi đau chưa kịp lắng xuống thì mới đây, người con dâu hiếu thảo của bà lại bỏ bà và hai đứa con nhỏ dại ra đi vì căn bệnh ung thư máu quái ác.

Vậy là chưa đầy 3 năm, gia đình bà phải chịu 3 cái tang chết trẻ. Nói đứt đoạn, bà đưa mắt nhìn sang đứa cháu nhỏ Hà Thị Cúc (4 tuổi) và Hà Thị Mai Nương (10 tuổi) đang ngồi gọn trong lòng, nói giọng đau như cắt:

“Nếu 2 cháu nó lành lặn, bình thường như những đứa trẻ khác thì nỗi đau sẽ dần vơi đi. Nhưng sau khi sinh ra được được vài tháng thì cả ba đứa cháu mình mẩy nổi đầy nốt đen sạm, bắt đầu nổi từ mặt sau đó lan dần sang chân tay.

Một đứa đã mất khi 4 tuổi còn lại 2 cháu ngờ nghệch, ngây thơ này”.

Nỗi lo lắng khôn nguôi

Tôi đứng như thắt ruột gan nhìn 2 cháu nhỏ ngây thơ chưa hiểu sự đời, còn Thảo thì vẫn cứ thút thít khóc và xin được ẵm bế 2 đứa trẻ.

Tôi quan sát từ mặt xuống chân, khắp mình mẩy 2 cháu toàn những nốt đen chằng chịt, nhìn thoáng qua rất giống tàn nhang, nhưng nhìn kỹ thì sẽ thấy là những nốt mụn nổi lên li ti, đóng vẩy khô ráp và sần sùi như da cóc.

Khi được hỏi về tình hình bệnh tật và việc chạy chữa thì bà cụ buồn bã nói:

“Vào những ngày nắng, thì những nốt đen nổi càng nhiều, ngứa ngáy. Những lúc như thế, tôi cũng chỉ biết lấy lá cây rừng về tắm cho các cháu dịu bớt, chứ tiền ăn còn chẳng có, lấy đâu tiền mà chạy chữa”.

Theo lời kể của bà Bén, ngoài mắc bệnh lạ, cháu Nương còn bị thiểu năng sau một trận ốm thập tử nhất sinh. Giờ đã 10 tuổi nhưng cháu bé chỉ nhận thức như trẻ lên 3, và nặng chỉ hơn 10kg.

Chân tay cháu co quắp, đi lại khó khăn nên thường xuyên vấp ngã, sinh hoạt hàng ngày chỉ biết trông cậy vào đôi bàn tay của bà nội.

Không những mắc căn bệnh quái ác, Nương con bị thiểu năng trí tuệ

Không những mắc căn bệnh quái ác, Nương còn bị thiểu năng trí tuệ.

Khi người đồng hành của tôi hỏi: “Con muốn khỏi bệnh không?” thì cháu chỉ nhìn rồi lắc đầu ngây ngô. Thấy người lớn khóc, cháu cũng khóc theo, nhưng khi dỗ dành bằng quà bánh, cháu lại cười và “ạ” một tiếng thật dài.

Biết có đoàn khách từ Hà Nội về thăm trường hợp gia đình cụ Hà Thị Bén, ông Hà Văn Nhận (Chủ tịch xã Thượng Cửa) cũng ghé nhà và chia sẻ với tôi những câu chuyện bàng hoàng về bệnh lạ của hai cháu nhỏ.

“Hoàn cảnh của gia đình cụ Bén, chúng tôi cũng nắm được nhưng hiện tại cũng chỉ biết hỗ trợ lương thực với tiền đóng góp của bà con lối xóm thôi. Nhà nước hàng tháng cũng có hỗ trợ 180 nghìn/tháng cho mỗi cháu.

Ở nơi đây, nhìn thấy hoàn cảnh của các cháu, ai cũng thương, nhưng vì xã nghèo quá, dù có vận động kêu gọi cũng chưa đủ để đưa 2 cháu đi chữa chạy”.

Ông Nhận cho biết thêm, trong xã Thượng Cửu, từ năm 1986 đến nay có 7 trường hợp bị căn bệnh lạ này, nhưng 5 cháu đã chết, chỉ còn lại hai cháu Nương và Cúc. Lúc sinh ra, các cháu đều trắng trẻo, bụ bẫm, sức khỏe bình thường.

Nhưng từ 3 tháng tới 1 tuổi là bắt đầu phát bệnh, các mụn đen xuất hiện từ mặt xuống cổ, rồi lan ra toàn thân, càng ngày càng dầy đặc. Lúc trước khi chết được vài tháng thì các nốt mụn lở loét, sùi ra khắp mặt mũi, chân tay.

Trong các trường hợp đó cũng đã có người cố công chữa chạy, nhưng dù bán bao nhiêu ruộng đất, thì cũng chẳng ai sống quá 19 tuổi.

Cháu Cúc 4 tuổi đã biết phụ bà đan chổi

Cháu Cúc 4 tuổi đã biết phụ bà đan chổi

Ngồi kế bên, lắng nghe cuộc trò chuyện, bà Bén không giấu được nỗi lo lắng: “Các cháu mắc bệnh cứ lần lượt ra đi, nói gở thì tôi cũng sợ. Nhưng tôi sinh con nhiều quá, các con tôi cũng khổ nên chẳng giúp được mấy. Thương các cháu lắm nhưng đành bất lực”.

Suốt cuộc trò chuyện, người phụ nữ vừa là bà, vừa là mẹ ấy cứ nắm lấy tay chúng tôi, thỉnh thoảng cúi mặt xuống như cố giấu nước mắt, những lúc ấy bà lại xiết chặt tay tôi như gửi gắm hi vọng.

Rời căn nhà nhỏ, chúng tôi mang theo nỗi ám ảnh về căn bệnh đang làm chết dần, chết mòn những cơ thể ấy. Và mang hi vọng, khi y học ngày càng phát triển thì sẽ sớm tìm ra cách chữa chạy cho những trường hợp kém may mắn nơi thâm sơn cùng cốc này.

Ánh mắt ngây thơ và khờ dại của 2 đứa trẻ, cùng tiếng khóc và câu hỏi tu từ của Thảo cứ ám ảnh tôi mãi: "Em sợ hai em bé ấy chết mất. Mình phải làm gì hả anh?...".

Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21, tòa nhà Hapulico Center Building, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

>>>Hình ảnh "dùng búa tạ giết bò" bị phản ứng dữ dội
>>>Giật mình những dòng chữ lạ xuất hiện trong đêm tại Hà Nam

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại