Đề nghị tăng cường tiềm lực quốc phòng
Theo báo cáo tổng hợp của Ban dân nguyện của Quốc hội, cử tri của nhiều tỉnh, thành phản ánh, hiện nay, diễn biến tại Biển Đông rất phức tạp, đe dọa chủ quyền Quốc gia của Việt Nam.
Nhiều cử tri bức xúc trước những vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là hành động bồi lấp phi pháp đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Cùng với đó, tàu Trung Quốc ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.
Cử tri kiến nghị Bộ Ngoại giao chủ động và phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo dõi, nắm chắc mọi diễn biến tình hình.
Đồng thời, các Bộ tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, có phương án đấu tranh, phản đối, ngăn chặn kịp thời mọi tình huống phát sinh liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cử tri 28 tỉnh, thành đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với các hành động nêu trên của Trung Quốc.
Sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế; thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số nước bạn, đặc biệt là Trung Quốc.
Đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh Quốc gia, chủ quyền dân tộc; đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình Biển Đông và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo...
Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Cử tri đề nghị tăng cường tiềm lực quốc phòng, tăng cường trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ ngư dân trong việc khai thác hải sản, phát triển kinh tế.
Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên biển, ngăn chặn kịp thời tình trạng tàu nước ngoài có hành vi gây hấn đối với tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ.
Giúp ngư dân yên tâm khai thác trong vùng biển thuộc chủ quyền; đồng thời cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại đảo trường Sa...
Lo lắng trước tình hình ở biên giới Campuchia và Việt Nam
Cử tri nhiều tỉnh cũng bày tỏ, lo lắng trước tình hình ở biên giới Campuchia và Việt Nam diễn biến phức tạp sau vụ việc xảy ra tại Long An vừa qua.
Cử tri đề nghị thông tin cụ thể về tình hình và biện pháp của Nhà nước ta ở Campuchia để cử tri biết và cần hết sức quan tâm, giám sát chặt chẽ để xử lý triệt để vấn đề này không để xảy ra tái diễn.
Cử tri đề nghị cần tiến hành nhanh việc phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý biên giới, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Vì thời gian qua biên giới Việt Nam-Campuchia thường xảy ra nhiều bất ổn, người dân rất lo ngại.
Cử tri đề nghị Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ ngoại giao tiếp tục thúc đẩy nhóm công tác đặc biệt Việt Nam - Campuchia sớm triển khai xác định cột mốc biên giới số 41, 43.
Thống nhất phương án phân giới đoạn biên giới từ Cột mốc số 44 đến tiếp giáp địa phận tỉnh Gia Lai theo tinh thần cuộc họp giữa 2 Chủ tịch Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc Biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia ngày 26 – 29/5/2014 tại Đà Nẵng.
Từ đó, nhằm đẩy nhanh tiến trình phân giới, cắm mốc giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia.
Tình trạng các tàu cá của ngư dân nước ta liên tục bị tàu của nước ngoài tấn công, như vụ tàu cá của tỉnh Kiên Giang bị tàu Thái Lan tấn công làm cho ngư dân không yên tâm bám biển, cử tri đề nghị Chính phủ cần có biện pháp bảo vệ ngư dân hơn nữa.