Con gái liệt sỹ Gạc Ma gửi thư đến Bộ trưởng Tiến

Ngọc Tú |

“Khi viết bức thư, tôi đã gửi trọn niềm tin vào Bộ trưởng. Chỉ mong sao bác ấy có thể giúp tôi được hoàn thành tâm nguyện...”, Trang chia sẻ.

30 năm nỗi đau vẫn còn như nguyên vẹn...

Chiều 15/3, chúng tôi tìm về gia đình liệt sỹ Phan Huy Sơn ở xóm 2, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Liệt sỹ Sơn hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988. Dù đã gần 30 năm trôi qua, nhưng nỗi đau mà vợ, con anh đã chịu đựng vẫn còn như nguyên vẹn.

Bà Ninh ôm tấm bằng Tổ quốc ghi công của người chồng liệt sỹ hi sinh trong trận chiến ở đảo Gạc Ma năm 1988.
Bà Ninh ôm tấm bằng Tổ quốc ghi công của người chồng liệt sỹ hi sinh trong trận chiến ở đảo Gạc Ma năm 1988.

Trong căn nhà tình thương mới được sửa sang lại nhờ nguồn hỗ trợ của Cục Hải quan, bà Trần Thị Ninh (SN 1963, vợ liệt sỹ Sơn) rơi nước mắt mỗi lúc nhớ lại người chồng đã anh dũng hy sinh trên biển năm xưa.

Gạt vội dòng nước mắt, bà Ninh kể, năm 1981, bà nên duyên cùng ông Sơn là người cùng xã. Thời đó, hai bên gia đình nội ngoại chỉ làm ruộng nên cuộc sống khó khăn, vất vả. Tuy vậy, vợ chồng bà luôn biết chia sẻ, yêu thương nhau.

Tháng 2/1982, chưa đầy 1 năm sau ngày cưới, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Sơn lại phải tạm biệt gia đình để lên đường nhập ngũ. Tại đây, ông được đơn vị cử đi học y tá tại T.X Cửa Lò (Nghệ An) 1 năm.

Năm 1984, vợ chồng ông vui sướng khi chào đón đứa con trai đầu lòng là Phan Huy Hà. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi sinh ra, cậu bé Hà đã mang chứng bệnh bại não. Tin con trai bị bệnh như sét đánh ngang tai khiến vợ chồng ông ngã quỵ.

 

Người con trai đầu Phan Huy Hà bị bại não bẩm sinh nên mọi việc đều phải nhờ vào bàn tay chăm sóc của người mẹ và em gái.

Người con trai đầu Phan Huy Hà bị bại não bẩm sinh nên mọi việc đều phải nhờ vào bàn tay chăm sóc của người mẹ và em gái.

Nén nỗi đau vào trong, ông Sơn tiếp tục quay lại trường học. Hoàn thành khóa học y tá, ông lại tiếp tục được cử đi học lên y sĩ tại TP Hải Phòng 2 năm. Đầu năm 1985, ông được đơn vị cử ra đảo Song Tử Tây để nhận nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi hết học, ông ấy được cử đi ra đảo công tác. Xa nhà, ông ấy lúc nào cũng nhớ nhà, nhớ vợ con. Rồi 2 năm sau, ông ấy cũng được về nghỉ phép 9 tháng, cũng lúc này tôi mang thai cháu Trang”, bà Ninh nhớ lại.

Vừa mới về nghỉ phép được ít tháng, nhận lệnh khẩn cấp từ đơn vị, ông Sơn lại vội vàng tạm biệt vợ con để ra đảo xa làm nhiệm vụ. Rồi trong chuyến công tác đầu năm 1988, ông Sơn đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma.

Ngày nghe tin chồng mất, bà Ninh như ngã quỵ. Gắng gượng nỗi đau, bà phải vực dậy để lo việc cho chồng và chăm đứa con bại não.

Bức di ảnh của liệt sỹ Phan Huy Sơn.

Ngày vượt cạn sinh đứa con thứ 2, bà Ninh khóc rất nhiều, nghĩ đến chồng, bà lại thương con. Rồi mai đây, 1 thân 1 mình, bà biết nương tựa vào đâu để nuôi dạy 2 người con mồ côi khôn lớn.

Tâm sự của con gái liệt sỹ Gạc Ma gửi thư đến Bộ trưởng

Ngày cất tiếng khóc chào đời, Trang đã mồ côi bố. Lớn lên, cô cũng chỉ có thể hình dung được người bố của mình qua lời kể của mẹ và mường tượng trong suy nghĩ mà thôi.

 

Phan Thị Trang nghẹn ngào khi kể về người cha đã hy sinh.

Sinh ra đã không được thấy mặt bố, nhưng tôi biết bố qua lời kể của mẹ. Bố tôi anh dũng hy sinh, nên tôi rất tự hào về bố”, Trang nói.

Lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt như thế, nên Trang luôn tự nhủ bản thân phải ngoan ngoãn, cố gắng học tập để sau này còn giúp mẹ, giúp anh. Những ngày đi học, Trang luôn là 1 học sinh chăm ngoan, học giỏi.

Học hết lớp 12, Trang dự thi và đỗ vào trường Đại học Vinh. Nhưng mới học chưa đầy 2 năm, vì khó khăn, mẹ đau ốm triền miên, anh bệnh tật, cô lại đành gác giấc mơ học đường để về phụ mẹ, chăm anh.

 

Sau khi tốt nghiệp khoa điều dưỡng trường cao đẳng y, Trang cầm giấy xác nhận gia đình chính sách cùng hồ sơ đến xin việc nhưng không nơi nào nhận.

Lúc đó phần vì nhà không có tiền nên tôi phải nghỉ học. Phần vì anh trai không làm được gì còn phải có người chăm lo sinh hoạt, mẹ lại đau yếu triền miên.

Mới rồi mẹ phải đi tán sỏi thận thì lại phát hiện 1 quả thận đã bị teo. Bệnh tật làm mẹ đau yếu quanh năm suốt tháng”, Trang tâm sự.

3 năm ở nhà lo toan công việc đồng áng, phụ giúp gia đình, nhưng Trang luôn đau đáu trong lòng 1 ước mơ học hành kiếm nghề để phụ giúp gia đình.

Thế rồi, năm 2011, Trang tự mày mò học ôn và dự thi đậu vào khoa Điều dưỡng trường cao đẳng Y khoa Vinh.

Ngày 11/3, biết Facebook của Bộ trưởng Y tế, Trang đã gửi tâm thư đến mong muốn được giúp đỡ việc làm để có thể phụ mẹ, chăm anh.

Lần này, cơ hội đã đến nên Trang quyết không từ bỏ nó. Dù khó khăn đến mấy, Trang vẫn nhờ mẹ vay mượn tiền ngân hàng để quyết tâm theo học.

Năm 2014, sau 3 năm vất vả “khổ luyện”, cuối cùng Trang cũng đã tốt nghiệp ra trường.

Nhưng rồi, khó khăn lại lần nữa đè nặng lên vai khi cô cầm bộ hồ sơ đi xin việc hết nơi này đến nơi khác mà chẳng có ai nhận. Xin việc không được, Trang đành trở về cùng mẹ chăn nuôi, làm ruộng và chăm người anh tàn tật.

Ngày 11/3 vừa qua, biết đến Facebook của Bộ trưởng Y tế, Trang đã gửi bức tâm thư trình bày nguyện vọng muốn có 1 việc ổn định giúp gia đình. Thật bất ngờ, đọc được những tâm nguyện này của Trang, Bộ trưởng đã phản hồi và hứa sẽ giúp đỡ.

Công văn của Bộ trưởng Bộ Y tế gửi Sở Y tế Nghệ An về việc giúp đỡ, hỗ trợ tìm việc làm cho Trang và gia đình liệt sỹ Phan Huy Sơn.

Công văn của Bộ trưởng Bộ Y tế gửi Sở Y tế Nghệ An về việc giúp đỡ, hỗ trợ tìm việc làm cho Trang và gia đình liệt sỹ Phan Huy Sơn.

Ngày 13/3, Bộ trưởng Bộ Y tế đã gửi công văn về Sở Y  tế Nghệ An về việc xem xét, hỗ trợ và bố trí việc làm cho Trang tại cơ sở y tế gần nhà để tiện việc chăm sóc người thân gia đình và tạo cơ hội được cống hiến cho xã hội.

“Khi gửi tâm thư đến Bộ trưởng, tôi đã gửi trọn niềm tin vào Bộ trưởng rồi. Chỉ mong bác ấy có thể giúp tìm cho tôi 1 công việc để phụ giúp mẹ và anh trai.

Thật bất ngờ là chỉ sau đó 2 ngày là bác ấy đã phản hồi lại và chia sẻ cũng như thông cảm hoàn cảnh của gia đình.

Tối qua tôi lên mạng thì thấy công văn của Bộ trưởng nói sẽ tạo điều kiện giúp đỡ cho tôi 1 công việc.

Đọc được điều này tôi ngỡ mình như đang mơ. Cả đêm tôi không ngủ được. Cuối cùng thì ước mơ của tôi cũng đã được thực hiện...”, Trang sung sướng chia sẻ.

Trao đổi với chứng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng - xóm trưởng xóm 3, xã Diễn Nguyên (Diễn Châu, Nghệ An), cho biết:

"Hoàn cảnh của gia đình bà Ninh thực sự là rất khó khăn, người con trai đầu thì bệnh tật, phải nằm 1 chỗ ăn uống và chờ người chăm sóc. 

Cũng may có 1 tháng được hỗ trợ thêm tiền của chế độ liệt sỹ nên bà ấy 1 mình chăm sóc được 2 đứa con lớn lên. Địa phương cũng rất muốn giúp đỡ gia đình bà nhưng lại không có điều kiện".


Dưới đây là nội dung bức tâm thư Phan Thị Trang gửi Bộ trưởng Y tế:

Cháu chào bác…

Cháu là Phan Thị Trang con gái liệt sỹ tại đảo Gạc Ma năm 1988: Phan Huy Sơn quê tại Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An. Bố cháu đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cháu sinh ra thì bố đã không còn, bố cháu mất ngày 14/3/1988, cháu sinh 27/10/1988. Mẹ cháu mồ côi chồng khi mới bước sang tuổi 25.

Anh trai cháu là Phan Huy Hà sinh năm 1984 bị tật bẩm sinh, không biết nói, không biết tự xúc cơm ăn, không biết vệ sinh cá nhân.

Ăn uống phải cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi vật ngửa ra cho ăn như một đứa trẻ mới học ăn dặm. Mọi sinh hoạt của anh đều phải nhờ mẹ và em giúp từ ăn uống, tắm gội tới vệ sinh.

Ban đêm khi ngủ anh cháu còn bị lên cơn động kinh không có người bên cạnh thì không biết làm chết lúc nào.

Bố cháu mất, để lại cho mẹ cháu hai đứa con thơ một tàn tật, một đang mang bầu (...)

Trước đây bố cháu là cán bộ y tế của Binh chủng Hải quân, bố mất sớm, anh tàn tật, mẹ thường xuyên đau ốm nên cháu theo học ngành y nhằm giúp đỡ và tìm thầy tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ và anh.

Ước mơ của cháu là được trở thành một bác sỹ nhưng vì hoàn cảnh gia đình cháu không có tiền và thời gian học tập nên cháu chỉ đậu cao đẳng điều dưỡng, vì thi đại học y cháu thiếu 2 điểm.

Mẹ cháu do vất vả, làm việc quá sức mà một bên thận đã bị teo đi, bên còn lại thì bị sỏi, mẹ bị u xơ tử cung, viêm loét dạ dày tá tràng, thường xuyên phải đi khám và điều trị tại bệnh viện Diễn Châu.

Cháu học xong cao đẳng với sự cố gắng của bản thân và gia đình, trước đây cháu đã học đại học Vinh nhưng vì gia đình khó khăn nên cháu phải bỏ học giữa chừng.

Giờ cháu đã tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng mà chưa xin được việc làm, khó khăn lại càng đè nặng lên đôi vai mẹ cháu.

Cháu có nạp hồ sơ vào các nơi nhưng không được vì họ đưa con em họ vào hết rồi, cháu buồn lắm, mẹ cháu cố gắng vay mượn chạy việc cho cháu nhưng không được.

Trong khi Đảng và Nhà nước nói quan tâm tới gia đình liệt sỹ đảo Gạc Ma nhưng gia đình cháu chưa nhận được sự quan tâm nào. Qua trang Facebook của Bộ trưởng cháu xin bác giúp đỡ cháu và gia đình cháu.

Cháu cảm ơn bác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại