Hình ảnh “ông Tây” với chiếc máy ảnh “to đùng” trên tay, chạy từ nơi này qua nơi khác để có được sự hình dung toàn cảnh về Lễ hội đã tạo sự tò mò cho nhiều người có mặt trên Sân vận động Trung tâm thi trấn Phúc Thọ, trong đó có cả giới phóng viên.
Trao đổi nhanh với phóng viên, ông là Micheal Waldmann (56 tuổi) vui vẻ cho biết mình là một kỹ sư cơ khí đến từ nước Đức.
Đã gắn bó với Việt Nam 10 năm nhưng đây là lần đầu tiên ông Micheal được tận hưởng bầu không khí sôi động mà lễ hội chọi trâu mang tới.
"Qua con trai, tôi được biết có lễ hội chọi trâu tổ chức tại Phúc Thọ. Hai cha con tôi dậy từ 5 giờ sáng để cùng nhau di chuyển từ trung tâm Hà Nội tới Phúc Thọ xem chọi trâu.
Thời tiết trong ngày 15.3 không mấy thuận lợi do có mưa phùn, ẩm ướt nhưng tôi nhận thấy người dân còn đến sân đông hơn ngày 14.3.
Niềm đam mê chọi trâu của người dân nơi đây thật đặc biệt, tất cả đều rất thân thiện và tôi có có cảm giác như được sống trong lễ hội bia hay những trận bóng đá đỉnh cao nơi quê hương mình”.
Theo ông Micheal Waldmann, ông đã từng tham dự nhiều lễ hội ở nhiều nước trên thế giới và mỗi lễ hội đều mang một nét đẹp riêng.
Lễ hội chọi trâu Báo NTNN- Phúc Thọ cũng rất đặc sắc, mang theo truyền thống thượng võ của Việt Nam.
“Tôi không hiểu những lời bình luận của các bình luận viên trên sân nhưng cảm nhận rõ bầu không khí hừng hực, đầy khí thế của những trận đấu.
Tôi thích nhất là cặp trâu đấu số 42 – 28 bởi vì đó là cặp trâu hăng hái nhất. Tôi mong rằng mình sẽ có nhiều cơ hội để xem chọi trâu như thế này”, ông Micheal Waldmann nói trước lúc chia tay.